Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Triển khai nhưng tránh kéo dài, đội vốn
Theo báo cáo của Chính phủ, thời điểm này, Việt Nam có nguồn lực để làm đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Các đại biểu Quốc hội đồng tình việc triển khai dự án song cho rằng, cần tính toán kỹ nhiều mặt nhằm tránh kéo dài, đội vốn, không hiệu quả.
Sáng 13-11, Quốc hội thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.
Tại Đoàn đại biểu (ĐB) Quốc hội TPHCM, hầu hết các ĐB đồng ý với việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 của Quốc hội; việc Quốc hội ban hành Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, để tháo gỡ những vướng mắc hiện nay, tránh lãng phí nguồn lực.
Các ý kiến tập trung thảo luận về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam. ĐB Trần Anh Tuấn (TPHCM) đồng tình làm dự án để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách, hàng hóa. Tuy nhiên, ĐB lưu ý, cần làm rõ thêm tính khả thi về nguồn vốn của dự án, vì tài chính từ nhiều nguồn, phải tính toán kỹ.
Do dự án đến 2035 mới kết thúc nên cần tính kỹ theo phân kỳ từng giai đoạn. Theo ĐB, nguồn vốn khoảng 67 tỷ USD là rất lớn, vượt xa so với các nguồn vốn đầu tư công trung hạn hiện có, do đó cần hết sức lưu ý, phân bổ đầu tư phù hợp.
“Không chỉ vấn đề đầu tư, phải tính cả sự an toàn cho nền tài chính quốc gia, bội chi, nợ công, khả năng trả nợ hàng năm... Việc trả nợ cao có thể ảnh hưởng đến an toàn tài chính quốc gia, cần bảo đảm an toàn nợ công”, ĐB nêu.
ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TPHCM) đề nghị kéo dài thêm việc làm dự án này đến Tây Nam bộ, như Cần Thơ, vì khu vực này lưu lượng giao thông đông, cũng chưa có đường sắt.
Ủng hộ dự án vì “chúng ta ai cũng có ước mơ đất nước có những công trình lớn”, nhưng ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) vẫn còn nhiều băn khoăn. ĐB cho rằng, Quốc hội khóa XII đã từng không thông qua dự án này. Theo báo cáo của Chính phủ, thời điểm này chúng ta có nguồn lực để làm, nhưng vẫn cần tính toán kỹ về nguồn lực tài chính, khả năng trả nợ. Bên cạnh đó, là cách làm đã tốt hơn chưa, hay vẫn sẽ đội vốn, chậm giải ngân…
Cũng theo ĐB Phạm Khánh Phong Lan, đường sắt tốc độ thiết kế 350km/h này chủ yếu để chở người, trong khi thực tế chở hàng hóa cũng rất cần. “Làm sao để hết cảnh nông sản dồn ứ ở các cửa khẩu, xã hội phải đi giải cứu. Hàng mới cần chở nhanh, chở nhiều, nối từ Nam ra Bắc chứ không chỉ chở người. Do đó, cần tính toán thật kỹ, đừng để đồng thuế của người dân bị tổn thất, lãng phí...", ĐB Phạm Khánh Phong Lan thẳng thắn.
ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) và các ý kiến đều cho rằng, dự án đi qua nhiều tỉnh, thành, nhiều ga, chắc chắn sẽ tác động lớn, tích cực đến nền kinh tế đất nước ở nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, ĐB lưu ý cần chú ý đến sự kết nối của tuyến đường sắt tốc độ cao bảo đảm sự lan tỏa; chuẩn bị nguồn lực, chuyển giao công nghệ… để sớm làm chủ.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho biết, sau hơn 10 năm nhìn lại, ông giữ nguyên quan điểm đã phát biểu từ trước, đó là rất cần dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vận tốc 350km/h, rất thuận lợi cho người dân vì “nhanh chỉ là một chuyện mà người dân có thể đi du lịch, làm việc được ngay cả khi di chuyển, do đó dự án này là rất cần”. Tuy nhiên, cũng như các ĐB khác, ĐB Trương Trọng Nghĩa băn khoăn, quan trọng nhất là khâu thực hiện, nếu kéo dài sẽ gây lãng phí, đội vốn. Cạnh đó là sự an toàn. Càng tốc độ cao thì càng phải an toàn. Cùng với đó, cần tính toán thận trọng về ngân sách và nợ công, không để con cháu chúng ta phải gánh nợ đến mấy chục năm sau.
Tương tự, ĐB Dương Ngọc Hải (TPHCM) cho rằng, cần có cơ chế chính sách đặc biệt để làm dự án đường sắt tốc độ cao, tránh kéo dài. Mặt khác, chi phí vận hành và bảo trì là 1 tỷ USD/năm (khoảng 25.000 tỷ đồng/năm), do đó cần đánh giá khả năng chi trả, có ảnh hưởng gì đến hiệu quả và khả năng thu hồi vốn.
ĐB Trần Thị Diệu Thúy (TPHCM) đồng tình với ý kiến các ĐB khác, rằng, dự án này phải chú trọng đến kết nối suốt trục Nam - Bắc, chú trọng vận chuyển hàng hóa, làm sao để trái cây sáng hái ở vườn Tây Nam bộ thì chiều đã có thể bán ở siêu thị Hà Nội.
“Trung Quốc họ quá đông dân nên ưu tiên vận chuyển khách, còn chúng ta cần ưu tiên cả vận chuyển hàng hóa”, ĐB Trần Thị Diệu Thúy nêu.
ĐB Nguyễn Minh Đức (TPHCM) nêu quan điểm, đây là dự án mang tính biểu tượng tự hào dân tộc, chúng ta quyết tâm làm, cần nhất bây giờ là sự đồng thuận của Quốc hội. ĐB cũng cho rằng, dự án này phải bảo đảm tính kết nối với các loại hình giao thông khác, bảo đảm làm sao người dân xuống ga đường sắt tốc độ cao thì phải có phương tiện thuận lợi để di chuyển.
“Thực tế hiện nay, đường sắt đô thị trên cao ở Hà Nội chưa có tính kết nối cao nên người dân chưa lựa chọn nhiều. Do đó, cần tính toán quy hoạch về hệ thống sân bay, cảng biển, ga tàu…”, ĐB Minh Đức nêu và cho rằng, phải tính song song với vận tải hàng hóa để khơi thông điểm nghẽn logistics ở phía Bắc hiện nay, không nên chỉ thiên về vận tải hành khách.
Theo ĐB Minh Đức, cần tính toán thật sát với tầm nhìn đầy đủ nhất về chi phí, tiến độ, còn nếu chỉ tính toán với những dự toán như hiện nay thì chắc chắn sẽ lại phải ngồi lại để điều chỉnh tổng mức đầu tư, kéo dài thời gian thực hiện.
Nhiều ĐB Quốc hội khóa XII tiếc nuối đã không bấm nút thông qua dự án đường sắt tốc độ cao
ĐB Phạm Thúy Chinh (Hà Giang), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho biết, nhiều ĐB Quốc hội khóa XII bày tỏ tiếc nuối vì không bấm nút thông qua dự án đường sắt tốc độ cao với tổng mức đầu tư giai đoạn đó là 56 tỷ USD, làm lỡ mất cơ hội phát triển ngành công nghiệp đường sắt.
“Giờ tôi nghĩ không thể muộn hơn được nữa”, ĐB Thúy Chinh phát biểu và đề nghị quan tâm vấn đề nguồn lực, bao gồm cả tài lực và nhân lực.
Theo ĐB, dự thảo nghị quyết chỉ giao Chính phủ tổ chức đào tạo là chưa đủ, vì đào tạo phải là một giai đoạn rất dài, làm ngay bây giờ, nếu không sẽ rất bị động, không thể làm chủ được công nghệ, vận hành”. Về tài lực, ĐB cũng băn khoăn việc tập trung vốn cho các công trình trọng điểm có thể ảnh hưởng đến các dự án khác.
ĐB Thúy Chinh cũng đề nghị đảm bảo phòng, chống lãng phí khi đầu tư đường sắt tốc độ cao, không chỉ về tiền mà cả về thời gian và phương án tổ chức thực hiện.
ĐB Huỳnh Thành Chung (Bình Phước), Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc đầu tư xây dựng dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam. Quan tâm phương thức đầu tư, ĐB thiên về phương án sử dụng hoàn toàn đầu tư công, tạo điều kiện cho Chính phủ chủ động hơn. “Bên cạnh đó, dự án này còn gắn với các dự án thành phần TOD (lấy định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị) ở các địa phương có tuyến đường sắt đi qua”, ĐB nói.
Bày tỏ kỳ vọng việc triển khai thành công dự án đường sắt tốc độ cao sẽ mang lại lợi ích “bước ngoặt” cho đất nước, ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) nhấn mạnh, cần có giải pháp thu hút vốn đầu tư đặc thù; đồng thời phân chia dự án thành nhiều giai đoạn để giám sát kỹ càng, phân bổ nguồn lực hợp lý, tránh lãng phí và phù hợp năng lực tài chính từng thời kỳ của nước ta.
Cũng theo ĐB, bên cạnh vốn đầu tư ban đầu, chi phí vận hành và bảo dưỡng cũng rất lớn, nhất là khi Việt Nam chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực đường sắt tốc độ cao. Do đó, cần dự trù ngân sách và kế hoạch bảo trì dài hạn để đảm bảo tính bền vững.
ĐB cũng nhấn mạnh yêu cầu đánh giá kỹ lưỡng ảnh hưởng của dự án đến môi trường và sử dụng đất. Tổng nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 10.827ha, trong đó đất trồng lúa khoảng 3.655ha; đất lâm nghiệp khoảng 2.567ha... và cần di dân tái định cư khoảng 30.209 hộ. Việc giải phóng mặt bằng và bảo vệ môi trường sinh thái đòi hỏi quy trình khoa học và sự đồng thuận cao từ cộng đồng, do đây là vấn đề nhạy cảm, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân.