Đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam: Lựa chọn kỹ công nghệ
Thảo luận tại Tổ 14 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Hải Dương, Khánh Hòa, Đồng Tháp) sáng 13.11, các đại biểu cho rằng, công nghệ áp dụng cho Dự án sẽ quyết định việc đầu tư như thế nào, do đó, cần tiếp thu kinh nghiệm của các nước đi trước, lựa chọn những công nghệ mới, công nghệ tiên tiến phù hợp với điều kiện nước ta để thực hiện Dự án.
Đa số ĐBQH tán thành chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam; cho rằng, đây là việc làm nhằm tạo tiền đề quan trọng để đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Đồng thời, tái cấu trúc các đô thị, phân bố dân cư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; bảo đảm nhu cầu vận tải trên hành lang Bắc - Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; tái cơ cấu thị phần vận tải phù hợp lợi thế từng phương thức; phát triển phương thức vận tải bền vững, hiện đại, thân thiện, góp phần giảm tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh.
ĐBQH Lê Hữu Trí (Khánh Hòa) cho rằng, trước đây vấn đề này đã được bàn tới song do hoàn cảnh, điều kiện chưa bảo đảm nên không thể thực hiện. Do đó, việc trình Quốc hội xem xét, thông qua chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam tại Kỳ họp này cho thấy quyết tâm chính trị rất cao của Đảng, Nhà nước ta. Khi dự án được hoàn thành sẽ góp phần tăng cường kết nối vùng, miền, các cực tăng trưởng, tạo động lực lan tỏa, mở ra không gian phát triển kinh tế mới…
Tuy nhiên, đại biểu Lê Hữu Trí lưu ý, cần chú trọng đến tiếp thu kinh nghiệm của các nước đi trước, lựa chọn những công nghệ mới, công nghệ tiên tiến phù hợp với điều kiện kinh tế của nước ta để thực hiện Dự án.
Cùng quan điểm này, ĐBQH Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) nêu rõ, công nghệ áp dụng cho Dự án sẽ quyết định việc đầu tư như thế nào. Hiện nay ở nước ta hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn cho đường sắt nói chung và đặc biệt là đường sắt tốc độ cao chưa có, trong khi việc xây dựng các bộ tiêu chuẩn này đòi hỏi rất mất nhiều thời gian. Vì vậy, đại biểu đề nghị rà soát, xem xét kỹ lưỡng để đánh giá cho phù hợp, nhất là khung tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục rà soát các quy hoạch có liên quan để bảo đảm tính đồng bộ trong quá trình triển khai thực hiện, như quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch rừng…
Về tốc độ thiết kế, một số đại biểu lựa chọn tốc độ là 350 km/giờ.
Theo ĐBQH Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp), khi lựa chọn tốc độ thiết kế 350 km/giờ thì công nghệ đường ray, nền đường khác hẳn với công nghệ dành cho tốc độ 250 km/giờ.
Với tầm quan trọng của Dự án, phải tính toán việc sử dụng lâu dài, bền vững nhằm khai thác tối đa, hiệu quả hơn. Nếu lựa chọn tốc độ 250 km/giờ và sau này nâng cấp lên350 km/giờ là rất khó khả thi.
Do đó, lựa chọn tốc độ là 350 km/giờ về lâu dài là tầm nhìn chiến lược, phù hợp với nhu cầu sử dụng, nhu cầu khai thác, vận hành trong tương lai và phù hợp với xu thế nhiều nước hiện nay trên thế giới đang áp dụng.