Đường sắt tốc độ cao trục Bắc-Nam: Nhiều đề xuất thuận cho các nhà thầu Việt
Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) vừa có kiến nghị hàng loạt các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm triển khai hiệu quả Dự án đường sắt tốc độ cao (ĐSTĐC) Bắc -Nam. Theo người đứng đầu Hiệp hội khẳng định, đây là cơ hội lớn nhưng cũng là những thách thức đầy khó khăn cho các nhà thầu xây dựng Việt Nam.
Đề xuất quy mô các gói thầu xây dựng nên giữ trong khoảng từ 1-1,5 tỷ USD
Trong văn bản vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét các cơ chế đặc thù cho dự án ĐSTĐC Bắc-Nam, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch VACC cho biết dự án này với tổng mức đầu tư hơn 67 tỷ USD, trong đó, phần xây dựng cơ bản chiếm khoảng 33 tỷ USD là cơ hội, cũng là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp, nhà thầu Việt Nam.
Do đó, VACC đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phân tách riêng hợp phần xây dựng kết cấu hạ tầng với các hợp phần chuyên ngành khác (thông tin, tín hiệu; cấp điện; phương tiện đoàn tàu). Quy mô các gói thầu trong hợp phần xây dựng nên giữ trong khoảng từ 1-1,5 tỷ USD, đảm bảo năng lực tài chính của các nhà thầu tham gia đấu thầu; nghiên cứu cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu trong dự án và áp dụng giảm giá 5%.
Về lựa chọn nhà thầu, đây là dự án đặc biệt lớn nên người đứng đầu hiệp hội cho rằng nên sử dụng nguồn vốn trong nước, cần ưu tiên sử dụng các nhà thầu Việt Nam nhằm đảm bảo tạo nguồn công việc trong nước, tăng tính chủ động, tính tự chủ, là cách tốt nhất để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước để có thể thực hiện các dự án tương tự hoặc có thể tham gia đấu thầu các dự án quốc tế sau này.
Do đó, VACC kiến nghị tiêu chí lựa chọn năng lực kinh nghiệm nhà thầu trong nước là các nhà thầu có năng lực và kinh nghiệm; từng tham gia các dự án, công trình giao thông có cấp hạng, tương đương với cấp hạng tuyến đường sắt tốc độ cao hoặc có cấp hạng được quy đổi từ tối thiểu 3 công trình ở cấp thấp hơn liền kề. Về năng lực tài chính nhà thầu, VACC cho rằng xem xét, cho phép cộng năng lực tài chính của tất cả các nhà thầu trong liên danh và có thể giảm bớt yêu cầu về năng lực tài chính.
Mô hình nhà thầu cần khuyến khích liên danh giữa các nhà thầu trong nước hoặc trong và ngoài nước nhưng nhà thầu trong nước đóng vai trò là đứng đầu liên danh; khuyến khích cộng điểm cho liên danh nhà thầu sử dụng nhà thầu trong nước với tỷ lệ công việc lớn hơn. Trường hợp các nhà thầu nước ngoài muốn tham gia thì phải liên danh với nhà thầu Việt Nam, trong đó các nhà thầu Việt Nam phải đảm nhận ít nhất 50% khối lượng công việc. Quy định sử dụng lao động Việt Nam, ưu tiên lao động tại địa phương (tối thiểu 70%) cũng cần được xem xét.
Ngoài ra, do lực lượng nhà thầu tư vấn ở nước ta còn mỏng, VACC kiến nghị với Thủ tướng cho phép các nhà thầu tư vấn tham gia các bước nghiên cứu khả thi, thiết kế FEED vẫn được tham gia trong liên danh tổng thầu EPC để đấu thầu nếu chứng minh được sự độc lập về pháp lý và tài chính với các thành viên nhà thầu xây lắp trong tổ hợp tổng thầu EPC hoặc cho phép nhà thầu EPC được lựa chọn tư vấn thiết kế sau khi trúng thầu.
Đối với định mức, đơn giá, VACC kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ không sử dụng hệ thống định mức đơn giá chi tiết hiện nay mà sử dụng hệ thống đơn giá công trình riêng theo phương thức đơn giá tổng hợp hoặc suất đầu tư để xây dựng đơn giá gói thầu; tính giảm giá 5% nếu chỉ định thầu.
Về phát triển nguồn nhân lực ngành xây dựng đường sắt, Hiệp hội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho triển khai xây dựng đề án nguồn nhân lực để các cơ sở đào tạo tiến hành đào tạo nhân lực cho ngành xây dựng đường sắt từ thiết kế, thi công đến vận hành đảm bảo phát triển bền vững và lâu dài; khuyến khích các tổ chức, nhà thầu cấp học bổng và hỗ trợ sinh viên theo học chuyên ngành xây dựng đường sắt và cơ khí.
Nhìn nhận dự án có các gói thầu có giá trị rất lớn nên để có vốn cho các doanh nghiệp, VACC đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ngân hàng bố trí một gói tín dụng đặc biệt cho vay các gói thầu thi công dự án với lãi suất ưu đãi (có thể là 5%/năm), đồng thời có cơ chế bảo lãnh thực hiện hợp đồng riêng cho phù hợp với khả năng của các nhà thầu trong nước (thường có vốn nhỏ)…
4 lý do để các nhà tư vấn trong nước có thể tham gia dự án
Bên cạnh việc đề xuất hàng loạt cơ chế cho các nhà thầu Việt thì việc xem xét cơ chế đặc thù, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư vấn Việt Nam tham gia dự án ĐSTĐC Bắc - Nam được đánh giá là cần thiết, góp phần đảm bảo tính độc lập, khách quan, kiểm soát chi phí phù hợp với điều kiện trong nước. Cụ thể, ông Phạm Hữu Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) có 4 lý do để xem xét tạo điều kiện tối đa cho lực lượng tư vấn trong nước triển khai dự án ĐSTĐC.
Thứ nhất, ĐSTĐC là dự án sử dụng công nghệ hiện đại, lần đầu triển khai tại Việt Nam, cần nghiên cứu, lựa chọn loại hình công nghệ phù hợp với hình thái địa lý và nhu cầu vận tải, vừa đáp ứng được tính đồng bộ, hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển, vừa đảm bảo khả năng tiếp cận, làm chủ trong vận hành khai thác. Việc chọn lựa ra hệ thống tiêu chuẩn áp dụng cũng cần được quan tâm thực hiện.
Thứ hai, Việt Nam cần làm chủ phần xây dựng (chiếm khoảng 75% giá trị xây dựng, thiết bị). Các doanh nghiệp tư vấn trong nước có thể huy động thêm các chuyên gia quốc tế để triển khai ngay công tác khảo sát, thiết kế, lựa chọn hướng tuyến và vị trí công trình trên tuyến, thiết kế phần hạ tầng xây dựng, sớm bàn giao phạm vi GPMB để các địa phương triển khai các công việc tiếp theo, đáp ứng tiến độ dự án. Thứ ba, đối với hạng mục lựa chọn, chuyển giao công nghệ, vai trò của tư vấn trong nước như một đối tác và là cầu nối hữu hiệu để các doanh nghiệp trong nước có thể tiếp nhận chuyển giao.
Điều này đã được chứng minh cụ thể đối với một số quốc gia đi trước như: Hàn Quốc, Thái Lan… Thứ tư, việc đầu tư dự án ĐSTĐC mới chỉ là sự khởi đầu, quá trình vận hành khai thác sẽ theo suốt chúng ta trong tương lai. Chiến lược của Chính phủ là phải tiến tới làm chủ hoàn toàn quá trình vận hành khai thác.
Với các lý do trên, ông Phạm Hữu Sơn nhấn mạnh, tư vấn trong nước có vai trò quan trọng trong việc triển khai dự án ĐSTĐC, là lực lượng đi đầu trong việc tiếp nhận, làm chủ và chuyển giao cho các đơn vị trong nước để thực hiện thành công dự án, đảm bảo tính độc lập, khách quan, kiểm soát chi phí phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Đồng thời, việc lựa chọn tư vấn nghiên cứu dự án có thể triển khai theo hai mô hình. Mô hình 1 là liên danh tư vấn bao gồm quốc tế và trong nước. Trong đó, tư vấn quốc tế đứng đầu liên danh, tư vấn trong nước là thành viên triển khai các hạng mục công việc theo thỏa thuận. Mô hình 2 là liên danh tư vấn bao gồm quốc tế và trong nước. Trong đó, tư vấn trong nước đứng đầu liên danh có thể huy động thêm các vị trí nhân sự chủ chốt là các chuyên gia quốc tế. Với mô hình này, một số chuyên gia quốc tế sẽ được huy động, làm việc dưới sự điều hành trực tiếp của doanh nghiệp tư vấn trong nước, đảm bảo linh hoạt trong giải quyết công việc, quản lý tốt về chi phí và công nghệ.
Tuy nhiên, mô hình này muốn đảm bảo tính khả thi đòi hỏi phải có cơ chế chính sách như cho phép sử dụng năng lực kinh nghiệm theo cấp hạng công trình tương tự, đánh giá năng lực tài chính của tổng thể liên danh hoặc không xét.