Đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam: Tận dụng cơ hội để vươn lên

Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) vừa có kiến nghị hàng loạt các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm triển khai hiệu quả dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vừa là cơ hội, vừa là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp, nhà thầu Việt Nam. Ảnh minh họa do A.I khởi tạo.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vừa là cơ hội, vừa là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp, nhà thầu Việt Nam. Ảnh minh họa do A.I khởi tạo.

Nhiều đề xuất thuận lợi cho các nhà thầu Việt

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có tổng mức đầu tư hơn 67 tỷ USD, trong đó, phần xây dựng cơ bản chiếm khoảng 33 tỷ USD. Theo đánh giá chung đây là cơ hội, cũng là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp (DN), nhà thầu Việt Nam. Do đó, VACC đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phân tách riêng hợp phần xây dựng kết cấu hạ tầng với các hợp phần chuyên ngành khác (thông tin, tín hiệu; cấp điện; phương tiện đoàn tàu). Quy mô các gói thầu trong hợp phần xây dựng nên giữ trong khoảng từ 1 - 1,5 tỷ USD, đảm bảo năng lực tài chính của các nhà thầu tham gia đấu thầu; nghiên cứu cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu trong dự án và áp dụng giảm giá 5%.

Về lựa chọn nhà thầu, đây là dự án đặc biệt lớn nên đại diện VACC cho rằng nên sử dụng nguồn vốn trong nước, cần ưu tiên sử dụng các nhà thầu Việt Nam nhằm đảm bảo tạo nguồn công việc trong nước, tăng tính chủ động, tính tự chủ, là cách tốt nhất để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước để có thể thực hiện các dự án tương tự hoặc có thể tham gia đấu thầu các dự án quốc tế sau này. VACC kiến nghị tiêu chí lựa chọn năng lực kinh nghiệm nhà thầu trong nước là các nhà thầu có năng lực và kinh nghiệm; từng tham gia các dự án, công trình giao thông có cấp hạng, tương đương với cấp hạng tuyến đường sắt tốc độ cao hoặc có cấp hạng được quy đổi từ tối thiểu 3 công trình ở cấp thấp hơn liền kề.

Về năng lực tài chính nhà thầu, VACC cho rằng xem xét, cho phép cộng năng lực tài chính của tất cả các nhà thầu trong liên danh và có thể giảm bớt yêu cầu về năng lực tài chính. Mô hình nhà thầu cần khuyến khích liên danh giữa các nhà thầu trong nước hoặc trong và ngoài nước nhưng nhà thầu trong nước đóng vai trò đứng đầu liên danh; khuyến khích cộng điểm cho liên danh nhà thầu sử dụng nhà thầu trong nước với tỷ lệ công việc lớn hơn. Trường hợp các nhà thầu nước ngoài muốn tham gia thì phải liên danh với nhà thầu Việt Nam, trong đó các nhà thầu Việt Nam phải đảm nhận ít nhất 50% khối lượng công việc. Quy định sử dụng lao động Việt Nam, ưu tiên lao động tại địa phương (tối thiểu 70%) cũng cần được xem xét.

Ngoài ra, do lực lượng nhà thầu tư vấn ở nước ta còn mỏng, VACC kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép các nhà thầu tư vấn tham gia các bước nghiên cứu khả thi, thiết kế FEED vẫn được tham gia trong liên danh tổng thầu EPC để đấu thầu nếu chứng minh được sự độc lập về pháp lý và tài chính với các thành viên nhà thầu xây lắp trong tổ hợp tổng thầu EPC hoặc cho phép nhà thầu EPC được lựa chọn tư vấn thiết kế sau khi trúng thầu.

Doanh nghiệp chuẩn bị sẵn nguồn lực

Nhiều chuyên gia cũng đưa ra kỳ vọng dự án đường sắt tốc độ cao đang tạo cơ hội lớn chưa từng thấy cho các DN nội, đặc biệt là DN vừa và nhỏ tham gia và trưởng thành. Không chỉ các DN nhà thầu mà nhiều DN ngành chế tạo, cơ khí và công nghiệp hỗ trợ đã tham gia thực hiện nhiều công trình, dự án rất lớn và đã có kinh nghiệm cũng như sản phẩm chất lượng, đủ tự tin để xuất khẩu cũng như cạnh tranh ở những lĩnh vực mới như đường sắt tốc độ cao.

Tuy nhiên, về tổng thể các ngành liên quan cần ưu tiên tạo nguồn vốn vay dài hạn, lãi suất ổn định theo đặc thù sản xuất. Cùng với đó, cần hành lang pháp lý đủ mạnh để DN trong nước tham gia như ban hành quy định thầu sao cho góp phần nâng cao tỷ lệ sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước, tạo thị trường cho DN cơ khí trong nước phát triển.

Ông Nguyễn Duy Thắng - Phó tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính cho biết, dự án có 60% là cầu cạn, tương đương 924km, chủ yếu là cầu giản đơn, trừ trường hợp vượt sông, thung lũng với khẩu độ lớn cần dùng công nghệ đúc hẫng, dây văng... nên nhà thầu trong nước có thể đảm nhiệm. Tuy nhiên, vấn đề về độ chính xác, khống chế độ võng của dầm cầu đường sắt khác với đường bộ và phải khống chế độ thăng bằng nên phải đảm bảo tính đồng bộ, hệ thống dây chuyền, thiết bị thi công. Công ty đã lên kế hoạch chuẩn bị liên kết với Trường Đại học Giao thông vận tải đào tạo cán bộ và tổ chức nhiều đoàn công tác học tập, nghiên cứu tại nước ngoài về quy trình đúc dầm, bảo dưỡng, nhấc dầm ra khỏi bệ, lao lắp.

Đại tá Nguyễn Tuấn Anh - Phó tổng Giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cho biết, DN cũng đã chuẩn bị nhân lực như hợp tác với các trung tâm đào tạo, cấp văn bằng, chứng chỉ cho kỹ sư đường sắt; đồng thời tổ chức giao lưu học hỏi các nước như Hàn Quốc, Nhật, Trung Quốc; chuẩn bị nguồn lực tiến tới đầu tư trang thiết bị phù hợp.

Không “vừa làm, vừa chờ” khi triển khai dự án đường sắt tốc độ cao

Ngày 26/12, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì phiên họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo Xây dựng, thực hiện đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn đề nghị Bộ GTVT phối hợp tối đa để tính toán, xác định nhu cầu nguồn nhân lực theo định hướng lựa chọn công nghệ, "càng chi tiết, càng tốt". Tiếp đó, Bộ GDĐT sẽ có kế hoạch triển khai, phân bổ cụ thể đến từng trường đại học, phương án hợp tác đào tạo quốc tế.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh, việc lựa chọn tư vấn thiết kế, giám sát, thẩm định rất quan trọng. Đây phải là những tổ chức có kinh nghiệm, năng lực, chuyên môn hàng đầu thế giới.

Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu phải làm chủ quá trình phát triển tuyến đường sắt, từng bước nắm bắt, làm chủ ngành công nghiệp đường sắt, các phân ngành liên quan đến thông tin, điều khiển, vận hành quản lý và các hệ sinh thái kinh tế đi cùng.

Phó Thủ tướng nêu rõ, mục tiêu của dự án không chỉ xây dựng được một tuyến đường sắt tốc độ cao, mà còn phát triển ngành công nghiệp đường sắt tốc độ cao, đủ năng lực thi công, quản lý, vận hành, khai thác… Vì vậy, kế hoạch thực hiện dự án phải rõ việc, rõ người, rõ bước đi khoa học, bài bản, đồng bộ, toàn diện, không "vừa làm, vừa chờ". Bắt đầu từ xây dựng cơ chế chính sách, quy chuẩn, tiêu chuẩn, đến điều tra, khảo sát, thiết kế, lựa chọn công nghệ, tổ chức vận hành, khai thác, quản lý…

P.V

T.Hằng

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/duong-sat-toc-do-cao-truc-bac-nam-tan-dung-co-hoi-de-vuon-len-10297281.html