Đường Trần Văn Nam - Tuyến đường mang tên nguyên Bí thư Huyện ủy Châu Thành
Tham gia cách mạng từ khi 17 tuổi, liệt sĩ Trần Văn Nam (bí danh là Ngọc Long và Hai Ngọc) từng là Bí thư Huyện ủy Châu Thành, Phó ban Tuyên huấn Phân khu 3, Bí thư Huyện ủy Tân Trụ cho đến lúc hy sinh. Tên ông được đặt cho một tuyến đường tại phường 3, TP.Tân An, tỉnh Long An.
Đường Trần Văn Nam bắt đầu từ giao lộ với đường Nguyễn Đình Chiểu đến sông Vàm Cỏ Tây, dài khoảng 1,5km và qua các giao lộ: Nguyễn Thông, Nguyễn Thái Bình. Trước đây, tuyến đường đó được người dân quen gọi là đường Kinh, đến năm 1997 thì chính thức mang tên đường Trần Văn Nam.
Liệt sĩ Trần Văn Nam sinh năm 1928 ở xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành. Ông tham gia cách mạng từ năm 17 tuổi. Trong kháng chiến chống Pháp, có thời gian ông được cử làm Bí thư Chi bộ xã Bình Lập.
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông được cử làm Huyện ủy viên Châu Thành, phụ trách 3 xã: Hòa Phú, Bình Quới, Vĩnh Công. Năm 1963, ông được Thường vụ Tỉnh ủy điều về bộ phận chuyên đi sâu nghiên cứu chỉ đạo công tác ở các thị xã, thị trấn. Sau đó, ông làm Bí thư Huyện ủy Châu Thành. Đó cũng là giai đoạn địch tổ chức các cuộc hành quân càn quét với quy mô lớn để bình định miền Nam. Long An là một trong những tỉnh chịu nhiều đợt tấn công ác liệt từ phía địch. Tỉnh ủy đề ra nhiệm vụ đánh ấp chiến lược, đưa dân về nơi cũ làm ăn, khôi phục phát triển vùng giải phóng. Nhận nhiệm vụ, huyện Châu Thành đẩy mạnh hoạt động vũ trang, thực hiện nhiệm vụ phá ấp chiến lược. Đến cuối năm 1963, huyện phá dứt điểm các ấp chiến lược, đưa dân về nơi ở cũ, ổn định cuộc sống và sản xuất. Phong trào tòng quân cũng phát triển sôi nổi khắp các xã trong huyện.
Vào giai đoạn chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (khoảng năm 1967), đồng chí Trần Văn Nam được Tỉnh ủy điều về làm Phó ban Tuyên huấn Phân khu 3, tiếp đó về làm Bí thư Huyện ủy Tân Trụ cho đến ngày hy sinh vào tháng 12/1969.
Liệt sĩ Trần Văn Nam hy sinh khi anh Trần Hoàng Minh - con trai ông, mới vài ngày tuổi nên anh Minh chỉ biết về ba qua lời kể của mẹ. “Mẹ tôi và các bác đồng đội của ba nói ba tôi hiền lắm. Ba thoát ly từ sớm, hầu như không có về nhà, thi thoảng mẹ tôi mới đi thăm ba một lần. Mẹ kể ba tôi hy sinh do bị chỉ điểm. Mẹ tôi ở nhà cũng nuôi giấu cách mạng. Có lần bà bị giặc bắt, anh em chúng tôi ở nhà chỉ biết nương tựa vào nhau và nhờ xóm giềng đùm bọc. Sau này hòa bình rồi, địa phương cũng quan tâm, chăm lo cho gia đình tôi. Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp tết, huyện Châu Thành và Tân Trụ đều có đoàn đến thăm, thắp hương cho ba tôi. Trước đây, khi các bác đồng đội của ba còn khỏe, cứ mỗi dịp giỗ ba, các bác đều đến. Khi tên ba tôi được đặt tên đường, mẹ tôi còn sống, mẹ mừng lắm! Gia đình chúng tôi hết lòng trân quý những tình cảm đó!” - ông Minh nói.
Hiện tại, ông Minh là người trực tiếp thờ cúng liệt sĩ. Các anh, chị của ông đều có cuộc sống ổn định. Tiếp nối truyền thống, gia đình ông Minh là một trong những gia đình tiêu biểu, đi đầu trong các phong trào tại địa phương. Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Bình Nam - Trần Văn Xanh cho biết: “Gia đình ông Minh gương mẫu, đi đầu trong nhiều hoạt động, phong trào. Gia đình từng nhiều lần hiến đất mở rộng đường giao thông nông thôn trong ấp. Các con của ông đều có việc làm ổn định”./.