Đường Trường Sơn - con đường huyền thoại mang tên Bác

65 năm trôi qua, khi nhắc đến đường Trường Sơn - đường mòn Hồ Chí Minh là nhắc đến một tuyến đường chiến lược, một công trình vĩ đại mãi ngời sáng trong pho tàng lịch sử bằng vàng của dân tộc. Trên tuyến đường Trường Sơn, Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn là lực lượng nòng cốt đã thực hiện thành công nhiệm vụ chi viện sức người, vật lực cho cách mạng miền Nam, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 được ký kết, đất nước ta bị chia cắt làm hai; miền Bắc đi lên chủ nghĩa xã hội, miền Nam tạm thời nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền Ngô Đình Diệm. Để giữ vững liên lạc giữa 2 miền, quân dân ta đã có một tuyến liên lạc do Liên khu ủy 5 và Ủy ban Ban Thống nhất Trung ương phụ trách để đưa đón cán bộ, chuyển tài liệu và một số hàng cần thiết, vận chuyển qua lại giữa 2 miền Nam - Bắc.

Các đoàn xe tiến về miền Nam thực hiện nhiệm vụ chi viện sức người, vật lực cho cách mạng. Ảnh: Tư liệu

Các đoàn xe tiến về miền Nam thực hiện nhiệm vụ chi viện sức người, vật lực cho cách mạng. Ảnh: Tư liệu

Đầu năm 1959, đường dây kết nối Nam - Bắc này không còn phù hợp với yêu cầu, diễn biến tình hình khi cách mạng miền Nam phát triển.

Nhận thức rõ tầm quan trọng và sự cấp thiết của việc miền Bắc chi viện cho miền Nam, tháng 5-1959, thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 15 (khóa II) của Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Quốc phòng quyết định thành lập tuyến giao liên quân sự trên bộ với phiên hiệu “Đoàn công tác đặc biệt” (sau đó gọi là Đoàn 559).

QUYẾT TÂM GIỮ VỮNG MẠCH MÁU LƯU THÔNG CỦA ĐẢNG

Trên tuyến đường Trường Sơn, ngoài đơn vị Bộ đội Trường Sơn là lực lượng nòng cốt, còn có nhiều đơn vị bộ đội, các lực lượng khác tham gia hoạt động trên tuyến đường huyết mạch này. Tất cả đều đóng góp sức lực, tinh thần chiến đấu “vì miền Nam ruột thịt, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” của quân và dân 2 miền Nam - Bắc.

Vừa mới thành lập, Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn với biên chế 500 cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ vận chuyển chuyến hàng đầu tiên vào Nam bằng phương thức vận chuyển hết sức thô sơ, chỉ lấy gùi, thồ làm chính trên những con đường nhỏ hẹp.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Đoàn 559 đã phải chủ động trách địch với phương châm “Ở không nhà, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng” để bảo đảm tuyệt đối bí mật vượt đường Trường Sơn, vận chuyển thành công chuyến hàng đầu tiên cho Liên khu 5 tại Tà Hiệp.

Chỉ trong một thời gian ngắn, Đoàn 559 đã chuyển vào Khu 5 số hàng gồm 1.667 khẩu súng bộ binh, hàng trăm viên đạn và một số quân dụng thiết yếu khác, đưa 542 cán bộ, chiến sĩ vào làm nhiệm vụ ở miền Nam.

Đây được xem là thành công bước đầu của Đoàn 559, từng bước ổn định bước đầu về tổ chức, lực lượng, góp phần quan trọng cho tuyến đường Trường Sơn dần được thiếp lập. Ngày 12-9-1959, Bộ Quốc phòng ra quyết định chính thức thành lập Đoàn 559 trực thuộc Bộ Quốc phòng.

Để ngăn chặn sự chi viện từ miền Bắc, suốt bao năm, đế quốc Mỹ đã sử dụng lực lượng không quân tập trung đánh phá khốc liệt, nhằm triệt hạ toàn bộ hệ thống vận chuyển, lực lượng quân ta len lỏi dưới tán rừng.

Thêm vào đó, sự tàn bạo của đế quốc Mỹ còn bộc lộ rõ khi thực hiện kế hoạch “chiến tranh hóa học” rải bom napan, chất độc hóa học, gây mưa nhân tạo... tàn phá nặng nề rừng Trường Sơn. Đồng thời, mở hàng ngàn cuộc hành quân bộ binh quy mô ngày càng lớn, tung hàng ngàn toán biệt kích, thám báo thâm nhập sâu vào căn cứ hậu cần của ta, đã làm cuộc chiến trên tuyến đường Trường Sơn trở nên khốc liệt.

Giữ vững tinh thần “sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, các lực lượng, các quân, binh chủng, nòng cốt là Bộ đội Trường Sơn không nao núng trước sự đánh phá ác liệt của quân đội Mỹ, chiến đấu trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, địa hình hiểm trở... đã trực tiếp tổ chức thế trận đánh địch tại chỗ, từng bước thực hiện nhiều chiến lược lớn làm thất bại các kế hoạch phá hoại, chiến lược ngăn chặn của đế quốc Mỹ, giữ vững tuyến vận tải huyết mạch, đáp ứng yêu cần chi viện ngày càng tăng của tiền tuyến miền Nam, chiến trường Lào, Campuchia.

Trong 16 năm chiến đấu ngoan cường, Bộ đội Trường Sơn từ một đơn vị nhỏ bé ban đầu đã trưởng thành nhanh chóng, bao gồm đủ các lực lượng: Công binh, vận tải (ô tô, đường sông, đường ống), phòng không - không quân, bộ binh...

Từ chỗ chỉ hoạt động theo mùa, phục vụ cho từng chiến dịch, Bộ đội Trường Sơn đã đem mồ hôi, xương máu, lòng dũng cảm, trí thông minh và tài chiến lược xây dựng, làm nên tuyến đường mang tên Bác Hồ vĩ đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chi viện cho các chiến trường.

XÂY DỰNG, BẢO VỆ THÀNH CÔNG CON ĐƯỜNG NỐI LIỀN NAM - BẮC

Từ khi được thành lập cho đến khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ và tay sai, tuyến đường Trường Sơn đã trải qua các giai đoạn lớn của cuộc chiến tranh, nhưng xét riêng về mặt vận tải quân sự, chia thành 4 giai đoạn. Trong từng giai đoạn, độ bền vững, phát triển nhanh chóng của tuyến đường này tồn tại vững chắc theo nhịp độ của sự nghiệp phát triển cách mạng miền Nam.

Các lực lượng tham gia mở đường Trường Sơn. Ảnh: Tư liệu

Các lực lượng tham gia mở đường Trường Sơn. Ảnh: Tư liệu

Trên con đường này đã ghi biết bao chiến công oanh liệt, chứng kiến biết bao kỳ tích anh hùng của những chiến sĩ cống hiến cuộc đời mình để xây dựng, bảo vệ hệ thống đường Hồ Chí Minh ngày càng hoàn chỉnh, sức người, sức của đưa vào chiến trường miền Nam ngày càng tăng.

Nhất là trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, lượng hàng đưa đến các chiến trường hơn 27.900 tấn, cùng hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, đơn vị kỹ thuật cung cấp cho các mặt trận. Khi ta mở cuộc tiến công chiến lược năm 1972, lượng hàng chuyển tới các chiến trường lên tới 66.500 tấn.

Đặc biệt, trong 2 năm chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, lượng hàng đã giao cho các chiến trường hơn 410.000 tấn. Tính chung, trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Bộ đội Trường Sơn qua tuyến đường Hồ Chí Minh đã vận chuyển chi viện cho các chiến trường trên 1,5 triệu tấn hàng hóa và 5,5 triệu tấn xăng dầu.

Cùng với vận chuyển hàng hóa quân sự, trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tuyến giao thông vận tải Trường Sơn đã đảm bảo cho hơn 1,1 triệu lượt cán bộ, chiến sĩ đi vào miền Nam và các hướng mặt trận lớn...

Đồng thời, đường Trường Sơn còn có vị trí chiến lược rất quan trọng là “xương sống” ở bán đảo Đông Dương, là bàn đạp xuất kích đã được chuẩn bị sẵn cho các binh đoàn chủ lực tiến công ra các hướng chiến dịch, chiến lược quan trọng, phá vỡ một tuyến phòng thủ của địch dọc biên giới Việt - Lào.

Từ đó, đã mở ra một vùng giải phóng rộng lớn ngày càng liên hoàn, vững chắc nhằm xây dựng cơ sở chính trị và Lực lượng vũ trang địa phương, xây dựng đời sống cho nhân dân các dân tộc anh em dọc biên giới 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia nơi con đường đi qua.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng cho rằng, đường Trường Sơn là “Một trong những thành công kiệt xuất của đường lối chính trị và quân dự của Đảng ta, là kinh nghiệm quý báu làm phong phú thêm cho khoa học và nghệ thuật quân sự của nước ta”.

Tất cả những thắng lợi rực rỡ nêu trên là kết quả của hàng chục vạn cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến; trong đó, Bộ đội Trường Sơn là lực lượng nòng cốt đã xả thân chiến đấu ngoan cường, lao động sáng tạo trên đường Hồ Chí Minh.

Những thắng lợi ấy bắt nguồn từ đường lối chính trị, đường lối quân sự, đường lối quốc tế của Đảng ta và chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của Bác Hồ, cùng sự biểu hiện trực tiếp có vai trò quyết định là tình đoàn kết keo sơn giữa 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia, cả hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa đối với cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam và đối với đất nước bạn.

Do đó, tầm vóc và ý nghĩa to lớn của tuyến đường mang tên Hồ Chí Minh được ví như một huyền thoại, một thành công xuất sắc trong chỉ đạo chiến lược của Đảng trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước sẽ còn vẹn nguyên giá trị để đúc kết, để vận dụng, phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

LÊ NGUYÊN

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202405/ky-niem-65-nam-ngay-mo-duong-ho-chi-minh-ngay-truyen-thong-bo-doi-truong-son-19-5-1959-19-5-2024-duong-truong-son-con-duong-huyen-thoai-mang-ten-bac-1010614/