Đường Trường Sơn qua ký ức tướng Võ Sở

Thiếu tướng Võ Sở, nguyên Chính ủy Binh đoàn 12, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam, từng là cán bộ có hơn 10 năm sống và chiến đấu trên đường Trường Sơn. Đến nay, mặc dù 95 tuổi ở tuổi 'xưa nay hiếm', nhưng Thiếu tướng Võ Sở vẫn nhớ những kỷ niệm không quên về ký ức 'rực lửa' trên con đường Trường Sơn huyền thoại này.

Một ngày cuối năm Giáp Thìn - 2024, tôi may mắn có dịp được gặp Thiếu tướng Võ Sở, nhà ở khu tập thể Binh đoàn 12 (Vĩnh Hồ, Thịnh Quang, Đống Đa, Hà Nội), người quê gốc tỉnh Quảng Ngãi. Trong câu chuyện tôi được biết, Thiếu tướng Võ Sở là bộ đội tập kết ra Bắc. Năm 1964, Thiếu tướng Võ Sở bày tỏ nguyện vọng với cấp trên muốn vào Nam chiến đấu. Ngay sau đó, Thiếu tướng Võ Sở nhận quyết định vào làm Trưởng phòng tổ chức Đoàn 559-Bộ đội Trường Sơn.

 Thiếu tướng Võ Sở.

Thiếu tướng Võ Sở.

Nhớ lại những năm tháng ở đường Trường Sơn, Thiếu tướng Võ Sở cho biết, năm 1964, Đoàn 559 bắt đầu chuyển từ phương thức gùi thồ sang vận chuyển bằng cơ giới và cũng là lúc cuộc chiến đấu trên dãy Trường Sơn bước vào giai đoạn quyết liệt nhất.

Ngày ấy, Bộ đội Trường Sơn mang trên vai trách nhiệm mà Đảng, nhân dân và Quân đội giao phó với tâm nguyện “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Bộ đội Trường Sơn từ một đơn vị nhỏ bé ban đầu đã trưởng thành nhanh chóng, bao gồm đủ các lực lượng: Công binh, vận tải (ô tô, đường sông, đường ống), phòng không, bộ binh, giao liên, thông tin, hóa học, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến... tất cả đều hừng hực chung một ý chí quyết tâm “Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”.

“Ở Trường Sơn, không một ngày nào là không có tiếng bom rơi, đạn nổ; từng cung đường, trọng điểm, từng vạt rừng, bờ suối bị cày xới bởi hàng triệu tấn bom đạn, hàng chục triệu lít chất độc hóa học. Ở đó, đất đá trộn lẫn gang thép, thấm đẫm mồ hôi, công sức và xương máu của những người lính Trường Sơn quả cảm.

Mỹ đã lấy sức mạnh quân sự khủng khiếp hòng hủy diệt sức sống Trường Sơn, nhằm phá đường, tiêu diệt các đoàn xe, hủy diệt mọi sự sống trên tuyến chi viện chiến lược của ta, nhưng chúng đâu ngờ rằng, bom đạn, chết chóc chỉ làm cho những bộ đội Trường Sơn ý chí thêm vững vàng, tinh thần thêm sắt đá, quyết giữ vững tuyến vận tải chiến lược, cùng đồng bào và chiến sĩ miền Nam “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, Thiếu tướng Võ Sở nhớ lại.

“Bộ đội ta giỏi lắm, để tránh máy bay địch phát hiện, chiến sĩ lái xe Trường Sơn đã sáng tạo ra đèn gầm “con rùa” lắp ở phía dưới gầm xe, đèn này chỉ chiếu sáng một khoảng cách gần. Cho nên khi di chuyển vào ban đêm thì địch không phát hiện được”, Thiếu tướng Võ Sở tự hào nói.

 Thiếu tướng Võ Sở bên bức ảnh Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh.

Thiếu tướng Võ Sở bên bức ảnh Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh.

Một trong những ký ức không thể nào quên của Thiếu tướng Võ Sở là việc mở Đường 20, hay còn gọi là Đường Quyết Thắng. Tuyến đường này được mở nhằm khắc phục thế độc đạo ở khu vực vượt khẩu, tránh những “túi nước” trên đường vận chuyển và làm phân tán, hạn chế sự đánh phá, ngăn chặn của địch. Đây là trục vượt khẩu chủ yếu cho những năm sau.

Tuyến đường này có chiều dài 125 km, từ vĩ tuyến 17,6 độ bắc (khu vực Phong Nha-Quảng Bình) đến vĩ tuyến 17,2 độ bắc. Đơn vị thi công Đường 20-Quyết Thắng là Công trường 20, gồm Trung đoàn 4, Trung đoàn 10 công binh, 4 đội thanh niên xung phong của các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Ninh Bình, Nam Hà và hàng trăm cán bộ kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải.

Điểm từ Phong Nha vào đến Ta Lê, là đoạn khó khăn nhất, bởi 2/3 quãng đường phải xuyên núi đá, nhiều dốc đèo, nghe tên đã ghê người như Cù Mẹ, Cù Con, U Bò, Ba Thang.

“Sáng mùng một Tết Bính Ngọ (1966) lễ khởi công Đường 20 được tiến hành tại Công trường 20. Anh Nguyễn Tường Lân, Phó tư lệnh Bộ tư lệnh 559 phát lệnh nổ bộc phá đầu tiên mở đầu chiến dịch “chọc thủng Trường Sơn, mở đường thắng lợi”. Bộ đội Trường Sơn cùng lực lượng thi công đón Tết Nguyên đán năm đó không bằng pháo đốt mà bằng những phát đại pháo với lượng nổ hàng trăm kg TNT”, Thiếu tướng Võ Sở kể lại.

Có mặt trên Công trường 20, Thiếu tướng Võ Sở được chứng kiến không khí lao động quên mình, quên ngày tháng của những người lính, thanh niên xung phong, cán bộ kỹ thuật. Dường như có cuộc thi đua ngấm ngầm nhưng sức quyết liệt giữa Công trường 20 và Công trường 128.

“Ở dốc Ba Thang, tôi đã chứng kiến những người lính công binh đứng trên đỉnh những chiếc thang cao lênh khênh, dài bằng ba chiếc thang tre nối lại. Họ cột mình hàng giờ vào sườn núi, đục đá để tra bộc phá. Cứ liên tục tốp này đến tốp khác. Loạt này phát hỏa xong lại tiếp loạt khác. Liên tục như vậy nửa tháng trời. Một tiểu đoàn đã sử dụng gần 1.000 lượng bộc phá với hơn 9 tấn thuốc nổ để hạ dốc Ba Thang. Hạ được dốc Ba Thang coi như thông Đường 20”, Thiếu tướng Võ Sở kể.

Sau gần 2 tháng tập trung thi công cao độ nhân lực, vật tư kỹ thuật, phương tiện thi công cho công trường, con đường 20 - Quyết Thắng, con đường của ý chí, quyết tâm, được tạo dựng bởi tâm lực, mồ hôi, xương máu của những người lính Trường Sơn, của thanh niên xung phong, công nhân giao thông đã cơ bản hoàn thành.

“Ngày Bộ tư lệnh tổ chức nghiệm thu, chúng tôi đi dọc hơn 100km đường rừng khá kín đáo. Đường chạy dưới 3 tán rừng già gần như nguyên sinh, khung cảnh thật kỳ vĩ. Nhưng cũng thật đau lòng, chỉ qua một mùa vận chuyển, địch phát hiện và đánh phá ác liệt. Tất cả lại hoàn nguyên đất đá. Con đường kín đáo đó lại nằm trơ trụi vì hàng vạn tấn bom đạn, chất khai quang…”, Thiếu tướng Võ Sở bồi hồi nhớ lại.

Chia tay Thiếu tướng Võ Sở trở về đơn vị khi các con đường, ngõ phố ở Hà Nội đã tràn ngập sắc xuân, tôi thầm cảm phục về thế hệ cha anh đi trước, họ đã hy sinh biết bao mồ hôi, xương máu, hiến dâng cả tuổi thanh xuân của mình để giữ vững mạch máu giao thông trên con đường huyền thoại này. Tất cả những yếu tố đó đã góp phần làm Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đáng chú ý là, trên mảnh đất Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến, trong căn nhà của Thiếu tướng Võ Sở, trên bức tường treo kín những phần thưởng: Huân chương, huy chương của Đảng, Nhà nước ta, cùng giấy khen, bằng khen của các cấp, các ngành...

Bài, ảnh: TRẦN HUYỀN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tuong-linh-viet-nam/duong-truong-son-qua-ky-uc-tuong-vo-so-809148