Đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu- Voi Phục: Mặt bằng vẫn là điểm nghẽn cần gỡ
Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu- Voi Phục là nút thắt của toàn tuyến Vành đai 1 Hà Nội. Theo chỉ đạo, cuối năm 2023, hai quận Ba Đình và Đống Đa phải hoàn thành giải phóng mặt bằng để triển khai thi công dự án, dù vậy theo ghi nhận, mặt bằng khó có thể hoàn thành trong năm nay.
Băn khoăn phương án đền bù đất nông nghiệp
Dự án Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu- Voi Phục dài khoảng 2,2km, là đoạn cuối để khép kín Vành đai 1. Dự án được cắm mốc giới từ năm 1999 và kéo dài cho đến nay chưa thể triển khai thực hiện.
Theo chỉ đạo mới nhất từ Thành ủy, UBND TP Hà Nội, cuối năm nay, hai quận Đống Đa và Ba Đình phải hoàn thành giải phóng mặt bằng để bàn giao cho Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp triển khai thực hiện dự án, hoàn thành trong năm 2024.
Theo quyết định vào năm 2018, đoạn Hoàng Cầu- Voi Phục dài hơn 2,2km, mặt cắt ngang 50m (bao gồm 2 cầu vượt trực thông theo hướng vành đai 1 tại các nút Giảng Võ – Láng Hạ và nút giao với đường Nguyễn Chí Thanh). Điểm đầu giao với đường Cát Linh – La Thành – Yên Lãng tại Hoàng Cầu; điểm cuối tại nút giao thông Voi Phục. Nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng có xấp xỉ 2.000 hộ dân, trong đó quận Ba Đình có 1.389 hộ và quận Đống Đa khoảng 600 hộ.
Theo UBND quận Ba Đình, trong số 1.389 hộ dân thuộc diện GPMB để triển khai dự án Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu- Voi Phục có nhiều loại đất như đất thổ cư, đất nông nghiệp và đất hành lang đê.
Trong đó, với đất thổ cư thì việc đền bù theo cơ chế chính sách của Nhà nước và TP Hà Nội. Khó khăn, vướng mắc lớn là việc đền bù đối với các hộ dân đang sinh sống trên đất nông nghiệp.
Bà Trần Thị Dung – số nhà 171 Đê La Thành – quận Ba Đình có 4 người đang sinh sống trên căn nhà diện tích khoảng 41m2 nhưng nguồn gốc theo hồ sơ địa chính là đất nông nghiệp, thuộc khu vực Đầm Bầu, trước đây được giao cho HTX Thống Nhất quản lý sản xuất. Tuy nhiên, gia đình bà Dung đã sinh sống ổn định tại đây hàng chục năm về trước. Đến nay, khi địa phương thống kê, xác định nguồn gốc đất đai để di dời GPMB cho dự án Vành đai 1, gia đình bà Dung mới băn khoăn về việc đền bù, hỗ trợ có đủ để cho gia đình bà đến nơi ở mới?
Không riêng gia đình bà Dung, khu vực Đầm Bầu phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, có nhiều hộ dân rơi vào cảnh tương tự.
Ông Nguyễn Đình Sản, Tổ trưởng Tổ dân phố 4A, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình cho biết, tổ 4A có 91 hộ dân thuộc diện phải GPMB trong đợt này. Hàng chục hộ dân này đều sinh sống ổn định tại đây hàng chục năm qua nhưng nguồn gốc đất đai đều là đất nông nghiệp trước đây được giao cho HTX Thống Nhất chia cho xã viên sản xuất, sau đó qua thời gian xây dựng nhà cửa sinh sống.
“Bà con cũng rất ủng hộ và mong muốn dự án sớm triển khai. Các hộ dân sinh sống ở đây do nằm trong dự án nên nhà cửa xuống cấp, xập xệ không đảm bảo an toàn.
Các hộ dân chỉ có nguyện vọng duy nhất là làm sao khi chuyển đi thì thành phố có cơ chế đền bù, hỗ trợ để các hộ dân có thể mua được một căn hộ tái định cư, ổn định cuộc sống ở nơi ở mới”- ông Sản cho hay.
Cần tháo gỡ cho cơ chế GPMB, thu hồi đất
Ông Lê Trí Dũng – Phó Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng quận Ba Đình thông tin, trên địa bàn quận Ba Đình có 1.389 hộ dân thuộc diện GPMB để bàn giao làm Vành đai 1 Hoàng Cầu- Voi Phục.
Căn cứ vào chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP Hà Nội, quận Ba Đình đã lập kế hoạch, trong tháng 11 sẽ hoàn thành khảo sát điều tra lập phương án đền bù; cuối tháng 12 xây dựng quy trình để từ đó làm cơ sở triển khai GPMB. Vừa qua, quận Ba Đình đã ban hành hơn 100 quyết định cưỡng chế kiểm đếm.
Trước bày tỏ lo ngại về tiến độ GPMB sẽ không đáp ứng kịp trong năm 2023 theo tinh thần chỉ đạo, ông Dũng cho rằng, sẽ cố gắng triển khai theo kế hoạch.
Còn ông Viên Hải Tuệ, Chủ tịch UBND phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình cho biết, để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ GPMB, tại cuộc làm việc với lãnh đạo Thành ủy mới đây, UBND quận đã kiến nghị thành phố chỉ đạo các Sở, ngành sớm xem xét chấp thuận chính sách hỗ trợ bổ sung nội dung về đất theo giá đất cụ thể của dự án nhân hệ số K đối với khu vực Đầm Bầu, Đầm Tròn;
Cho phép vận dụng tối đa cơ chế đặc thù, đảm bảo sau khi GPMB tối thiểu người dân phải mua được nhà tái định cư, dù là diện tích nhỏ nhất để ổn định cuộc sống.
Quận cũng đặt mục tiêu trong tháng 11 hoàn thành công tác khảo sát, đo đạc, kiểm đếm và lên phương án đền bù. Cuối tháng 11 Hội đồng bồi thường hỗ trợ tái định cư phê duyệt và thông qua toàn bộ phương án, đảm bảo tiến độ GPMB vào cuối năm nay.
Hiện quỹ nhà tái định cư phục vụ dự án được bố trí tại tòa 30T1, 30T2 Khu đô thị Nam Trung Yên và CT3 Nghĩa Đô đã cơ bản hoàn thành. Để phù hợp với việc hỗ trợ, đền bù GPMB khu vực Đầm Bầu, Đầm Tròn, quận Ba Đình đã tiến hành thống kê phân loại quỹ nhà tái định cư trên.
Ông Đỗ Văn Hưng, Phó Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp cho biết, tiến độ của dự án đường Hoàng Cầu-Voi Phục phụ thuộc rất lớn vào tiến độ GPMB. Hiện nay, Ban đã chuẩn bị sẵn sàng để khi nào có mặt bằng đến đâu sẽ thi công đến đó.
Cũng theo ông Hưng, tổng mức đầu tư của dự án được phê duyệt vào năm 2018 là hơn 7.200 tỷ đồng, nhưng đến nay có thể có thay đổi, nhưng thay đổi cụ thể như thế nào thì còn phải chờ công tác GPMB hoàn tất.
Dù địa phương cũng như chủ đầu tư đều cho biết, sẽ triển khai dự án đường Hoàng Cầu- Voi Phục theo mốc thời gian mà Thành ủy, UBND TP Hà Nội chỉ đạo, nhưng theo ghi nhận cho thấy, khối lượng công việc GPMB còn rất lớn, khi mà đến nay các quận vẫn đang trong quá trình kiểm đếm, xây dựng phương án đền bù. Như vậy, sẽ còn rất nhiều khó khăn trong GPMB giai đoạn từ nay tới cuối năm...