Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội và câu chuyện 'Thế trận lòng dân' (1): Đặt quyết tâm cao nhất để giải bài toán kết nối liên vùng

Đường Vành đai 4 là dự án quan trọng cấp quốc gia, được Quốc hội quyết định tại Nghị quyết số 56/2022/QH15. Tuyến đường có tổng chiều dài 112,8km đi qua địa bàn 3 tỉnh, thành phố Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, trong đó đường Vành đai 4 qua Hà Nội dài nhất, lên tới 58,2km...

Lời Tòa soạn: Đối với cấp ủy, chính quyền và người dân 6 huyện, 1 quận trên địa bàn Hà Nội, tính từ năm 2008 trở lại đây, Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là dự án quy mô, hội tụ nhiều yếu tố “nhất” nhất. Triển khai thực hiện, đảm bảo đúng và vượt tiến độ đề ra mọi hạng mục của đường Vành đai 4 là nhiệm vụ “trọng tâm của trọng tâm” được đồng chí Đinh Tiến Dũng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội chỉ rõ. Hơn 6 tháng qua, khối lượng công việc đồ sộ của tuyến huyết mạch này trên địa bàn Hà Nội đã được cả hệ thống chính trị, chủ đầu tư và đơn vị thi công quyết liệt triển khai. Song hành với công tác thi công, xây dựng, có một mặt trận khác âm thầm nhưng quyết liệt không kém là tuyên truyền, vận động, đối thoại để các tổ chức, cá nhân đồng thuận bàn giao mặt bằng. Đáng mừng là đến thời điểm này công việc ấy đã hoàn thành, không xảy ra phức tạp về khiếu nại, tố cáo. Với những người trong cuộc, đây là thành công bước đầu trong công tác dân vận, tạo điều kiện thuận lợi triển khai đại dự án của mặt trận, thế trận mang tên “Lòng dân”.

Đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô có tổng chiều dài khoảng 112,8km đi qua địa bàn 3 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh. Trong đó, đoạn qua Hà Nội dài nhất là 58,2km

Đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô có tổng chiều dài khoảng 112,8km đi qua địa bàn 3 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh. Trong đó, đoạn qua Hà Nội dài nhất là 58,2km

Không cấp nào, cán bộ nào được đứng ngoài cuộc

Có điểm đầu nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai, điểm cuối nối cao tốc Nội Bài - Hạ Long, Dự án có tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng, chính thức khởi công tháng 6-2023, dự kiến cơ bản hoàn thành vào năm 2026 và đưa vào khai thác sử dụng từ năm 2027. “Đây là nhiệm vụ chính trị được Trung ương giao phó cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô - một nhiệm vụ rất khó khăn, nặng nề.

Hà Nội quyết tâm làm vì dự án không chỉ đem lại lợi ích to lớn cho Thủ đô, mà còn cho cả Vùng Thủ đô Hà Nội, Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc bộ, Vùng đồng bằng sông Hồng. Nói cách khác, Vành đai 4 là lời giải cho bài toán kết nối liên vùng bấy lâu nay” - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh yêu cầu về nhận thức đó với cấp ủy, chính quyền các cấp và các đơn vị hữu trách.

Đại diện lãnh đạo Ban quản lý dự án trọng điểm của Hà Nội - đơn vị chủ đầu tư dự án - cho biết, với sứ mệnh, tính chất đặc biệt quan trọng ấy, việc triển khai Dự án đường Vành đai 4 được áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc biệt. Đó là trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần được thực hiện tương tự như đối với dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

Trong 2 năm kể từ khi Nghị quyết số 56 được Quốc hội thông qua, cho phép người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình triển khai thực hiện dự án đối với các gói thầu tư vấn, các gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, các gói thầu thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; cho phép trong giai đoạn triển khai dự án, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án; cho phép dự án được chia thành 7 dự án thành phần, vận hành độc lập, bao gồm 3 dự án thành phần thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư trên địa bàn thành phố Hà Nội, các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh theo hình thức đầu tư công; 3 dự án thành phần đầu tư xây dựng đường song hành trên địa bàn thành phố Hà Nội, các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh theo hình thức đầu tư công; dự án thành phần 3 đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư…

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng thị sát công tác GPMB, thi công đường Vành đai 4

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng thị sát công tác GPMB, thi công đường Vành đai 4

Triển khai Nghị quyết số 56, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18-8-2022, trong đó UBND TP Hà Nội, UBND tỉnh Hưng Yên và Bắc Ninh thực hiện thẩm quyền của người quyết định đầu tư, phê duyệt các dự án thành phần được giao là cơ quan chủ quản/cơ quan có thẩm quyền.

Trên tinh thần ấy, Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị số 16-CT-TU, ngày 13-9-2022 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư. UBND TP ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, trong đó có Quyết định số 2747/QĐ-UBND ngày 5-8-2022, giao UBND các quận, huyện Hà Đông, Sóc Sơn, Mê Linh, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Oai và Thường Tín thực hiện toàn bộ công tác bồi thường, GPMB và tổ chức đầu tư xây dựng các khu tái định cư.

Quyết tâm chính trị cao, sự phân cấp, xuyên suốt và rõ ràng về trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, vào cuộc được thành phố cụ thể hóa bằng việc phân công các đồng chí Bí thư Huyện ủy, Quận ủy làm Trưởng Ban Chỉ đạo công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, GPMB; các đồng chí Chủ tịch huyện là Chủ tịch Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư GPMB cấp quận (huyện). Còn đối với cấp xã, phường, đồng chí Bí thư là Trưởng Ban chỉ đạo của xã, và Chủ tịch xã là Tổ trưởng tổ công tác về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, GPMB.

Ngay từ ban đầu của quá trình triển khai các phần việc liên quan đến bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, GPMB dự án đường vành đai 4, thành phố yêu cầu Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, và cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các Quận ủy, Huyện ủy phải vào cuộc song song, kiểm tra, giám sát chặt chẽ, thường xuyên; kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh, ngăn ngừa vi phạm. Trên mặt trận khác, Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội có Kế hoạch ngày 8-2-2023, tổ chức phong trào thi đua công tác dân vận trong GPMB Dự án đường Vành đai 4, đồng thời triển khai kế hoạch phối hợp thực hiện công tác dân vận GPMB dự án đối với Ban Dân vận tỉnh ủy Bắc Ninh, Hưng Yên.

Đến thời điểm này, Dự án đường Vành đai 4 qua Hà Nội có khối lượng công việc lớn nhất và cũng là hoàn thành được nhiều nhất. Kết quả ấy xuất phát từ chỉ đạo quyết liệt, hàng ngày, hàng giờ của lãnh đạo thành phố. “Từng địa phương phải phấn đấu hoàn thành đúng kế hoạch, tiến độ đã đề ra. Nhưng không phải “đến ngày 30-6-2023 hoàn thành tối thiểu 70% mặt bằng” là mục tiêu “cứng” chia đều cho các quận, huyện.

Yêu cầu nơi nào làm được là phải làm cho xong” - lãnh đạo thành phố nêu rõ quan điểm chỉ đạo đó trong công tác GPMB. Lãnh đạo thành phố cũng yêu cầu, từng quận, huyện phải huy động sự vào cuộc thực chất của cả hệ thống chính trị, đề cao trách nhiệm người đứng đầu và tinh thần tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên.

Trong đó, các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, bám dân, sát dân; làm rõ mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án, các chủ trương, chính sách nhằm tạo đồng thuận trong nhân dân, từ đó vận dụng tối đa để bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân. Cùng với đó, phải phân công nhiệm vụ cụ thể tới từng tập thể, cá nhân phụ trách, kiểm điểm theo dõi tiến độ thường xuyên. Quá trình triển khai thực hiện phải thật sự bài bản, chặt chẽ, công khai, minh bạch, khách quan, đúng quy định pháp luật, không để xảy ra sai sót.

Sẵn sàng cho việc thi công đường Vành đai 4

Sẵn sàng cho việc thi công đường Vành đai 4

Nhiều cán bộ cơ sở nhìn nhận, thời gian qua, triển khai công tác GPMB Vành đai 4 như một mặt trận để trui rèn trình độ, bản lĩnh của đội ngũ cán bộ, từ cấp xã đến thành phố. Đó là, cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra cấp ủy các cấp phải lắng nghe người dân, tăng cường tiếp xúc, đối thoại, giải quyết dứt điểm tâm tư, nguyện vọng, đơn thư khiếu nại tố cáo của dân ngay tại cơ sở, không để khiếu kiện vượt cấp.

Đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra phải thường xuyên cập nhật kiến thức để trong quá trình kiểm tra, giám sát phải giải thích được cho cơ sở và tuyên truyền cho người dân, tránh áp đặt. Thông qua kiểm tra, giám sát để vừa nhắc nhở, vừa động viên cán bộ cơ sở tự tin, yên tâm dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Trên mặt trận trui rèn trình độ, bản lĩnh cán bộ ấy, có lực lượng CATP Hà Nội, từ các đồng chí trong Đảng ủy, Ban Giám đốc đến chỉ huy, cán bộ chiến sỹ các phòng nghiệp vụ, công an xã, cảnh sát khu vực…

Tiên phong trách nhiệm, đúng tinh thần “an ninh chủ động”

Từ chủ trương, chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP, cụ thể là Chỉ thị số 16-CT/TU ngày 13-9-2022 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác GPMB, tái định cư Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn thành phố Hà Nội và Kế hoạch số 244/KH-UBND ngày 14-9-2022 của UBND TP Hà Nội về việc tổ chức triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội thuộc trách nhiệm của thành phố Hà Nội; căn cứ chức năng, nhiệm vụ, CATP đã xây dựng Kế hoạch đảm bảo an ninh, trật tự phục vụ triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.

Kế hoạch của CATP Hà Nội đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị có liên quan trực thuộc CATP đối với việc triển khai thực hiện dự án trên tinh thần xác định “đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cần phát huy sức mạnh tổng hợp, sử dụng tối đa sức mạnh của trí tuệ tập thể, bố trí sắp xếp thời gian, nhân lực, vật lực để tham gia tích cực, chủ động với tinh thần trách nhiệm cao, đảm bảo góp phần đẩy nhanh tiến độ, thực hiện thành công dự án”.

Lãnh đạo CATP quán triệt yêu cầu, mệnh lệnh với các phòng nghiệp vụ, công an 7 quận, huyện đến tận cấp cơ sở về sự chủ động phòng ngừa, không để xảy ra các vụ việc phát sinh mâu thuẫn, khiếu kiện và các hoạt động gây phức tạp tình hình ANTT trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Công tác công an phải kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót, sai phạm và những vấn đề ANTT phát sinh trong quá trình triển khai để chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết.

Lực lượng được phân công tham gia dự án phải đề xuất và tổ chức các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh các hành vi vi phạm pháp luật, các hoạt động phá hoại nhằm đảm bảo an ninh, an toàn cho dự án triển khai đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng. Cùng với các biện pháp nghiệp vụ, lãnh đạo CATP chỉ rõ, quá trình đảm bảo ANTT triển khai thực hiện dự án cần coi trọng công tác tuyên truyền, vận động, xây dựng tốt phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc nhằm xây dựng được thế trận “an ninh chủ động”, không để xảy ra các vụ việc phát sinh mâu thuẫn, khiếu kiện, hình thành “điểm nóng” về ANTT.

Trao đổi với chúng tôi, chỉ huy các phòng chức năng CATP cho biết, cán bộ, chiến sỹ được phân công tham gia dự án thời gian qua đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện và các đơn vị có liên quan nắm tình hình toàn diện về dự án ngay từ khi đầu tư, xây dựng, đến khi đưa vào khai thác, sử dụng.

Đây là chủ trương hết sức cần thiết, để phát hiện những sơ hở, thiếu sót, vướng mắc, khó khăn, bất cập, sai phạm (nếu có), để tổng hợp, kiến nghị, đề xuất việc điều chỉnh, bổ sung đối với chính sách, pháp luật, cũng như tham mưu các biện pháp giải quyết đối với từng vụ việc cụ thể phát sinh trong quá trình đầu tư, xây dựng dự án và đưa công trình vào khai thác sử dụng.

Song song với việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước về ANTT đối với việc triển khai thực hiện dự án, lực lượng công an, nhất là công an cơ sở phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến mục đích, ý nghĩa, ảnh hưởng của việc triển khai thực hiện dự án với sự ổn định chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng và phát triển kinh tế ở địa phương, quy định pháp luật về ANTT cho quần chúng nhân dân, đặc biệt đối với những người dân trong diện GPMB, thu hồi đất, qua đó tạo sự đồng thuận, ủng hộ việc triển khai thực hiện dự án.

Hơn lúc nào nào, yếu tố “lòng dân, sức dân” được chú trọng, phát huy, thông qua vai trò của lực lượng công an cơ sở tổ chức tốt, có hiệu quả trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn thành phố nói chung, phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc tại các địa bàn liên quan trực tiếp với việc triển khai thực hiện dự án nói riêng. Từ đó nâng cao tinh thần và trách nhiệm trong công tác bảo vệ an toàn, phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn các hoạt động vi phạm pháp luật, các hoạt động phá hoại gây ảnh hưởng đến quá trình triển khai thực hiện dự án.

Trên mặt trận trui rèn bản lĩnh, trình độ ấy, theo chỉ đạo của lãnh đạo CATP, từng đơn vị, mỗi cán bộ, chiến sỹ chủ động tổ chức nghiên cứu quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả những quy định công tác công an của Bộ Công an, CATP, kết hợp với việc rà soát, quán triệt các văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực thường phát sinh tranh chấp, khiếu nại, tố cáo… nhằm phục vụ có hiệu quả việc triển khai thực hiện Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

Phòng ngừa chặt đi đôi xử lý nghiêm, triệt để, “ngay từ trứng nước” đối với các biểu hiện vi phạm. Lực lượng tham gia, liên quan dự án quán triệt tinh thần tập trung điều tra, xác minh làm rõ, lập kế hoạch đấu tranh và đề xuất các biện pháp giải quyết các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật xảy ra trong quá trình triển khai thực hiện dự án (nếu có). Quá trình điều tra, xác minh phải thực hiện đúng quy trình, quy định pháp luật, khi đã có đầy đủ căn cứ xác định tội phạm thì cần tiến hành xử lý theo đúng các quy định của pháp luật về tố tụng.

Đúng tinh thần “an ninh chủ động”, lực lượng công an cơ sở đã tham mưu UBND các quận, huyện Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Oai, Thường Tín bổ sung đồng chí Phó Trưởng Công an các quận, huyện phụ trách an ninh, và lãnh đạo, chỉ huy phụ trách phòng chức năng CATP tham gia Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thực hiện dự án của quận, huyện, để chủ động nắm tiến độ, khó khăn, vướng mắc, kịp thời tham mưu, đề xuất giải quyết. Và quan trọng nhất, là sự gắn kết, chia sẻ, đồng hành của lực lượng công an với những vất vả, khó khăn của cơ sở, các đơn vị chức năng trong quá trình giải phóng mặt bằng - vốn luôn được xác định là “điều kiện đủ” để góp phần tạo nên thành công của bất kỳ dự án nào…

(Còn tiếp)

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/duong-vanh-dai-4-vung-thu-do-ha-noi-va-cau-chuyen-the-tran-long-dan-1-dat-quyet-tam-cao-nhat-de-giai-bai-toan-ket-noi-lien-vung-post558357.antd