Đường vào cuộc sống của nghị quyết
Theo tiến độ của hiện tại, phần lớn các nghị quyết chuyên đề sẽ kịp ban hành trong năm và thời gian triển khai trên thực tế cũng trải dài được 4 năm nên chắc chắn kết quả thu về sẽ rõ nét 'hình dáng' vào cuối nhiệm kỳ.
Đường vào cuộc sống của nghị quy
Bài 1: Ứng phó khó khăn nảy sinh
Bài 2: Sống chậm, đi sớm, về nhanh
Hy vọng tháng 9
Những ngày đầu tháng 9, các huyện, thị trong tỉnh đều cơ bản đã xét nghiệm cộng đồng xong, số ca bệnh đã lên 2.800 ca. Nhưng ở diễn biến khác, các ca nhiễm bệnh Covid-19 cũng được điều trị hết bệnh, đều đặn xuất viện và ở cùng thời điểm trên đã có hơn 1.900 ca. Có nghĩa còn khoảng 900 ca đang được điều trị, quá nửa trong đó thuộc thị xã La Gi và TP.Phan Thiết. Tin vui là TP. Phan Thiết qua ngày 8/9 đã chấm dứt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, ngoại trừ những vùng phong tỏa, bắt đầu nới lỏng các hoạt động phù hợp với giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 cùng một số biện pháp tăng cường phòng chống dịch đến ngày 15/9. Còn thị xã La Gi cũng đang được tính toán lại để theo hướng nới lỏng hoạt động ở những vùng xanh, vùng vàng, ngoại trừ khu phong tỏa. Từ diễn biến ấy, tháng 9 bỗng thành tháng chứa đựng nhiều hy vọng cho bắt đầu cuộc sống bình an, cho phát triển kinh tế - xã hội sôi động như vốn có. Để sang tháng 10 cũng có nghĩa bắt đầu quý 4, quý mà mọi hoạt động phát triển kinh tế - xã hội dồn sức cho kết thúc 1 năm nên nếu kiểm soát dịch bệnh đúng mốc thời gian ấy thì việc thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch năm sẽ không đáng ngại.
Vì 6 tháng đầu năm, dịch bệnh mới chớm tại Bình Thuận, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh đã đạt 7,53%. Nhưng từ đó đến nay, dịch bùng lên, khu vực dịch vụ - du lịch vốn rất rộng gồm dịch vụ tiêu dùng; vận tải, vận chuyển hàng hóa đường thủy, đường bộ; lữ hành… đã bị tụt giảm trầm trọng. Trong khi 2 khu vực kinh tế khác là nông lâm thủy sản và công nghiệp xây dựng tăng trưởng tốt nhưng vẫn bị kéo theo. Nếu không kiểm soát dịch kịp thời trong tháng 9, cộng thêm thiên tai gây trở ngại, 3 tháng còn lại mang tính quyết định của năm sẽ đưa tăng trưởng GRDP cả năm của tỉnh xuống. Vì vậy, đây là thời điểm mà công tác chỉ đạo, điều hành quyết định, để cả hệ thống chính trị phải nỗ lực nhiều hơn cho thực hiện tốt mục tiêu kép đã đề ra, nhất là hòa nhịp kịp với mốc thời gian khởi động khôi phục kinh tế sau dịch bệnh của cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, bắt đầu từ ngày 15/9.
Tìm đường vượt “khúc quanh ngặt”
Bối cảnh đang đặt ra 2 bài toán khó, một kiểm soát dịch, một chăm lo đời sống cho nhân dân, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất kinh doanh. Để vượt qua thử thách kép này, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An đã lưu ý trong cuộc họp HĐND tỉnh khóa 2, tổ chức vào giữa tháng 8/2021: “Thời điểm này, giai đoạn này đòi hỏi chúng ta phải quyết liệt, khoa học hơn trong công tác tham mưu, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; nếu không, chúng ta sẽ mất cơ hội, lợi thế để phát triển, đánh mất sự kỳ vọng, niềm tin của nhân dân. Vì vậy, đề nghị cần phải tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong giải quyết những khó khăn, tháo gỡ kịp thời vướng mắc, nhất là những vấn đề liên quan đến các nhu cầu, nguyện vọng, những bức xúc của nhân dân và doanh nghiệp, không để kéo dài, đùn đẩy trách nhiệm. Chúng ta đang sống chậm lại do dịch Covid-19, chúng ta nên dành một phần thời gian sống chậm lại đó để suy ngẫm về công việc, để hoàn thiện những bất cập, giải quyết những vướng mắc để công việc sau này được tốt hơn…”.
Lời nhắc ấy có nghĩa trong những chuỗi ngày tới, cả hệ thống chính trị cần nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa. Mà để có kết quả nổi bật như mong đợi thì phải có cách tiếp cận mới, cách làm đột phá hơn với quyết tâm cao hơn. Các cán bộ hưu trí ví von rằng giải 2 bài toán trước mắt tương tự như lái xe qua khúc quanh ngặt, nên phải phân tích tình hình thực tế cụ thể, trang bị kỹ năng, cách thức thì mới đi qua được an toàn. Rồi từ đó mới có thể bước chuyển tiếp qua con đường mà toàn Đảng, toàn dân đã xác định tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV diễn ra giữa tháng 10/2020.
Đó là Nghị quyết số 06 vốn được xây dựng từ sự hội tụ, chắt lọc, kết tinh, tiếp nối công sức, trí tuệ của Đảng bộ, quân và dân trên địa bàn tỉnh, đã đặt ra nhiều vấn đề trọng tâm, các khâu đột phá phải tập trung thực hiện trong 5 năm tới. Nòng cốt là xoay quanh phát triển 3 trụ cột kinh tế gắn với ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chuỗi giá trị từ Công nghiệp, Du lịch và Nông nghiệp. Để qua đó, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân; phấn đấu trở thành địa chỉ có sức thu hút mạnh các nhà đầu tư lớn, có năng lực, đưa tỉnh Bình Thuận phát triển nhanh và bền vững, mạnh về kinh tế biển, năng lượng và du lịch. Từ đó, trong Chương trình hành động số 06 ban hành tháng 1/2021, Tỉnh ủy có kế hoạch trong năm 2021 sẽ ban hành 5 Nghị quyết chuyên đề để triển khai thực hiện Nghị quyết 06...
Không chỉ “đi sớm, về sớm”
Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao vừa mới được ban hành. Nông nghiệp là 1 trong 3 trụ cột nền kinh tế của tỉnh nhưng thời gian qua bộc lộ nhiều mặt chưa thể phát triển bền vững vì lý do khách quan lẫn chủ quan. Vì thế, trong quá trình xây dựng nghị quyết, quan điểm chỉ đạo đặt ra 3 nội dung lớn mà khi thực hiện làm thay đổi căn bản bản chất nền nông nghiệp của Bình Thuận hiện tại nên theo đó, mục tiêu, các chỉ tiêu đề ra và nhất là các giải pháp đều thống nhất, bổ sung nhau. Nổi bật là giải pháp hoàn thiện quy hoạch và cơ cấu lại sản xuất các lĩnh vực. Theo đó, rà soát quy hoạch phát triển nông nghiệp, quy hoạch các vùng trồng trọt, chăn nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, nhu cầu thị trường, tập quán sản xuất tích hợp vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bên cạnh là quy hoạch, triển khai dự án xây dựng khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao có hạ tầng hoàn thiện (điện, nước, giao thông, viễn thông…) để kêu gọi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình đầu tư sản xuất... Song song đó, cũng cơ cấu lại sản xuất các lĩnh vực gồm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và lâm nghiệp.
Và để điều đó thành hiện thực rất cần đến giải pháp đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp và phòng chống thiên tai. Mà cụ thể là ưu tiên nguồn lực đầu tư các công trình thủy lợi lớn, đa mục tiêu. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương thúc đẩy dự án hồ chứa nước La Ngà 3; khởi công hồ chứa nước Ka Pét. Triển khai giai đoạn 2 Dự án hồ Sông Dinh 3 và hệ thống kênh nhánh, kênh tiếp nước liên huyện phía nam tỉnh, kênh chính Bắc Sông Quao, hệ thống kênh mương hồ Sông Lũy… Phát triển kết cấu hạ tầng cảng cá, khu neo đậu, kè biển, thủy lợi, các công trình, dự án phát triển nông nghiệp và phòng chống thiên tai theo quy hoạch... Tiếp đó là 4 giải pháp khác hỗ trợ liên quan đến thúc đẩy ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp và phát triển công nghiệp chế biến; tiếp tục hoàn thiện chính sách, huy động nguồn lực phát triển nông nghiệp và cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng nguồn lực....
Để từ đó trong giai đoạn 2021 - 2025 có tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành nông nghiệp đạt bình quân từ 2,8 - 3,3%/năm; năng suất lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng bình quân từ 7 - 8%/năm; giá trị kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng bình quân khoảng 5%/năm. Và đến năm 2025, nghị quyết đặt ra những chỉ tiêu cao hơn. Việc cụ thể các chỉ tiêu cũng là cách để dễ phấn đấu thực hiện và hơn thế qua đó còn khẳng định một điều là xây dựng nghị quyết để thực hiện được cũng là thể hiện nói phải đi đôi với làm...
Theo lịch, sắp tới Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh sẽ thông qua Nghị quyết về phát triển du lịch trước khi ban hành rồi tiếp đến Nghị quyết về phát triển công nghiệp… Theo tiến độ của hiện tại, các nghị quyết trên sẽ kịp ban hành trong năm và thời gian triển khai trên thực tế cũng trải dài được 4 năm nên chắc chắn kết quả thu về sẽ rõ nét “hình dáng” vào cuối nhiệm kỳ.
Không chỉ việc xây dựng các nghị quyết từ Chương trình hành động số 06 thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, các công trình trọng điểm, bức xúc nằm trong Chương trình hành động số 16 thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII cũng đã được khởi động từ sớm ở các bước khác nhau. Việc chuẩn bị kỹ, triển khai sớm để các công trình rõ “hình dáng” trong nhiệm kỳ có thể thành hiện thực không, khi trong bối cảnh sau dịch bệnh, nguồn lực của lĩnh vực công lẫn tư đều đang khó khăn?
Bích Nghị - Lê Thành