Đường vào cuộc sống của nghị quyết

Việc triển khai Chương trình hành động số 06 thực hiện Nghị quyết đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và Chương trình hành động số 16 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng Bình Thuận phát triển nhanh và bền vững trong 5 năm tới.

Đường vào cuộc sống của nghị quy

Bài 1: Ứng phó khó khăn nảy sinh

Bài 2: Sống chậm, đi sớm, về nhanh

Bài 3: Vì nghị quyết nằm trong cuộc sống

Dự án cầu Văn Thánh qua sông Cà Ty. Ảnh: N.Lân

Dự án cầu Văn Thánh qua sông Cà Ty. Ảnh: N.Lân

Đầu tư công dẫn dắt, thúc đẩy

Chiều ngày 7/9/2021, UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp về tiến độ triển khai các dự án đầu tư công vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ trên địa bàn tỉnh. Mấy tháng qua, do dịch bùng phát nên việc đầu tư các công trình từ nguồn vốn ngân sách nhà nước bị chựng lại. Dù vậy, đến thời điểm này có thể thống kê khối lượng thi công của 18 dự án dùng vốn ngân sách Trung ương trong nước, trong đó có 4 công trình dự kiến hoàn thành trong năm 2021 với khối lượng đã thi công đạt từ 75-90% xây lắp và tiến độ giải ngân đều đạt 100%. Đó là đường ĐT.717, đường từ Hàm Thuận Bắc đến xã La Dạ; nâng cấp đường vành đai đảo Phú Quý và nâng cấp cảng cá La Gi. Bên cạnh có 11 dự án dự kiến hoàn thành sau năm 2021, hiện đang ở các giai đoạn khác nhau như đang thi công, chuẩn bị khởi công, đang đền bù giải tỏa… Hầu hết các dự án này đều cấp bách, bức xúc, có tính lan tỏa, phát triển kinh tế - xã hội vùng như dự án Đường liên huyện dọc kênh chính qua huyện Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Tuy Phong; đường trung tâm đô thị Tân Nghĩa – Hàm Tân; Khu dân cư thôn 4, xã Gia Huynh, huyện Tánh Linh; dự án Cải tạo đê chắn sóng cảng Phú Quý, huyện Phú Quý; 4 dự án kè bảo vệ bờ biển ở TP. Phan Thiết, thị xã La Gi và Tuy Phong…

Dù dịch bệnh đã tác động không nhỏ đến tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công tại các công trình trên. Nhưng nhờ theo dõi sát và áp dụng nhiều biện pháp nên đến ngày 30/8/2021, các công trình trên được giải ngân hơn 668,5 tỷ đồng, đạt 57,83% so kế hoạch vốn đã phân khai chi tiết từ đầu năm. Trong khi đó, các công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện lẫn cấp xã cũng vì ảnh hưởng dịch bệnh nên tổng vốn đầu tư trong 8 tháng qua được 2.260,7 tỷ đồng, giảm 8,7% so cùng kỳ năm 2020 và đạt 54,3% so kế hoạch.

Vì vậy, trong mấy tháng còn lại của năm, UBND tỉnh xác định việc đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn Trung ương là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm. Bên cạnh, các huyện, thị, thành phố phải đẩy nhanh kiểm kê, thẩm định tính pháp lý, áp giá đền bù cho các tổ chức, cá nhân để sớm bàn giao mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, bảo đảm đến 31/12/2021 giải ngân đạt trên 95% kế hoạch vốn. Điều quyết định khác, trong tháng 9, dự kiến Chính phủ sẽ chính thức giao kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các tỉnh, thành. Theo kế hoạch ban đầu thì tổng nguồn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 phân bổ về tỉnh hơn 7.031 tỷ đồng. Nhiều công trình mới bức xúc ở trong tỉnh sẽ khởi công, từ đó dẫn dắt, thúc đẩy đầu tư tư.

Gỡ đầu tư tư

Cũng trong thời gian dịch bệnh trên, đầu tư tư im lìm, chỉ có các dự án điện gió là liên tục thi công gần như xuyên qua dịch bệnh để hoàn thành nhà máy, kịp hòa lưới quốc gia trước ngày 1/11/2021 nhằm hưởng giá FIT ưu đãi trong 20 năm. Tuy nhiên, đầu tháng 8, Hiệp hội Điện gió và Mặt trời có văn bản gửi UBND tỉnh kiến nghị tháo gỡ vướng mắc liên quan đến thủ tục đất đai các dự án điện gió trong khu vực dự trữ khoáng sản titan. Theo đó, hiệp hội nhấn mạnh các chủ đầu tư đã nỗ lực đền bù giải tỏa rồi lập hồ sơ xin giao đất, thuê đất nhưng do các khu đất nằm trên vùng dự trữ khoáng sản titan liên quan đến thực hiện Nghị định 51/2021 nên chưa được UBND tỉnh xem xét, chấp thuận theo quy định, dù các dự án đều phù hợp với các quy hoạch liên quan…

Dải đất thuộc vùng dự trữ khoáng sản titan vốn có nhiều dự án đầu tư không thể triển khai lâu nay là câu chuyện mà Bình Thuận đã nỗ lực tháo gỡ liên tục mấy năm liền. Cuối cùng, chính Nghị định 51/2021/NĐ-CP của Chính phủ ra đời là cơ sở tháo gỡ những khó khăn của tỉnh trong việc chấp thuận đầu tư các dự án phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia đã được khoanh định. Tuy nhiên, việc triển khai này vẫn còn một số khó khăn chưa thể thực hiện được. Vì thế, ngày 31/5/2021, UBND tỉnh đã có Công văn số 1889 kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản hướng dẫn hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ thống nhất thời gian dự trữ khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bình Thuận là 50 năm (kể từ ngày 1/4/2021, Nghị định số 51 có hiệu lực) để có cơ sở chấp thuận đầu tư các dự án theo thời gian và phù hợp với Nghị định số 51. Tuy nhiên, đến nay Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa có ý kiến. Để có cơ sở thực hiện các nội dung theo Nghị định số 51 và giải quyết các kiến nghị của nhà đầu tư, trong đó có kiến nghị của Hiệp hội Điện gió và Mặt trời, giữa tháng 8, UBND tỉnh tiếp tục có công văn đến Bộ Tài nguyên và Môi trường. Một khi thống nhất thời gian dự trữ khoáng sản trên địa bàn tỉnh cũng như hướng dẫn thành phần hồ sơ rõ ràng, Nghị định 51 sẽ giúp tỉnh tháo gỡ triển khai hàng loạt dự án đầu tư lớn...

Ở diễn biến khác, trong 8 tháng qua, tỉnh cũng đã thu hồi nhiều dự án lớn, ở vị trí đất vàng nhưng chậm triển khai... Mà dự án Hồ Điều hòa ở phường Hưng Long – TP. Phan Thiết là một ví dụ. Ngoài ra, cũng đã giải quyết dứt điểm các quy hoạch “treo” kéo dài qua nhiều năm, gây bức xúc và làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Mà 3 dự án là minh chứng gồm bờ kè sông Cà Ty, chung cư Cà Ty và cầu Văn Thánh được xác định phải xây dựng sớm từ chuyến khảo sát thực tế của Bí thư Tỉnh ủy lẫn Chủ tịch UBND tỉnh khiến người dân ở nơi này nức lòng mong đợi. Từ đây thấy rất rõ có nhiều kiểu gỡ cho đầu tư tư được thông thoáng để khơi thông nguồn lực đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút các dự án đầu tư có quy mô lớn, có hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để làm rõ nét hơn nữa 3 trụ cột kinh tế “công nghiệp, du lịch và nông nghiệp”.

2 trụ “kéo” 1 trụ

Theo Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An, trong bối cảnh này, sự kiên trì ưu tiên phát triển 3 trụ cột trên là phải quyết tâm nhưng cũng phải phân tích tình hình, tính toán kỹ và linh hoạt. Với những khó khăn hiện tại thì từ đây đến cuối năm 2021 và đến giữa năm 2022 phải xác định là giai đoạn phòng chống dịch và phục hồi; nửa cuối năm 2022 là giai đoạn đẩy nhanh tốc độ phát triển, bù cho giai đoạn sụt giảm, để phấn đấu đạt được mục tiêu, chỉ tiêu của cả nhiệm kỳ. Tương tự, với 3 trụ cột kinh tế, xác định du lịch có thể phục hồi chậm hơn nên phải có những giải pháp tăng tốc phát triển công nghiệp, nông nghiệp để bù đắp vào sự thiếu hụt của tăng trưởng GRDP. “Để hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh sẽ thúc đẩy tiến độ xây dựng các khu công nghiệp, thúc đẩy tiến độ xây dựng dự án Cảng hàng không Phan Thiết, đường bộ cao tốc Bắc – Nam (phía Đông) đoạn qua địa bàn tỉnh; tạo điều kiện cho các dự án điện gió, điện mặt trời hoàn thành lắp đặt, đấu nối, phát điện và hòa vào lưới điện quốc gia. Đặc biệt, phải triển khai thực hiện tốt các dự án đầu tư công trung hạn, lấy đầu tư công kích hoạt, dẫn dắt, thúc đẩy đầu tư tư”- Bí thư nhấn mạnh. Theo đó, Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị UBND tỉnh và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương theo trách nhiệm của mình cần quan tâm chỉ đạo thực hiện đảm bảo tiến độ các dự án đầu tư công trên địa bàn, đặc biệt là công trình làm mới trục ven biển ĐT-719B, đoạn Phan Thiết - Kê Gà; các công trình thủy lợi đã được phân bổ kinh phí; công trình xây dựng hồ Ka Pét; công trình cầu Văn Thánh, bờ kè sông Cà Ty đoạn từ cầu Dục Thanh đến cầu Bát Xì, chung cư Cà Ty để thực hiện tái định cư cho người dân...

Đây là những công trình bức xúc trong nhân dân, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững đã xác định trong Chương trình hành động 16 của Tỉnh ủy nên cứ như nghị quyết đang nằm trong cuộc sống. Và đây cũng là sự điều chỉnh bổ sung một số nhiệm vụ thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Từ đó, cùng với Chương trình hành động 06 thực hiện Nghị quyết đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng Bình Thuận phát triển nhanh và bền vững trong 5 năm tới.

Bích Nghị - Lê Thành

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/chinh-tri/duong-vao-cuoc-song-cua-nghi-quyet-bai-3-141408.html