Duy trì biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm Sorbitol có xuất xứ từ Ấn Độ, Indonesia và Trung Quốc
Việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức sẽ góp phần tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các ngành sản xuất trong nước, phát triển nguồn nguyên liệu, từ đó nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm và doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Ngày 23 tháng 11 năm 2021, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 2644/QĐ-BCT về việc áp dụng thuế chống bán phá giá chính thức đối với một số sản phẩm Sorbitol có xuất xứ từ Cộng hòa Ấn Độ, Cộng hòa Indonesia và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Bộ Công Thương bắt đầu tiến hành vụ việc điều tra từ tháng 12 năm 2020 trên cơ sở đề nghị của của ngành sản xuất trong nước nộp vào tháng 9 năm 2020. Quá trình điều tra vụ việc được thực hiện theo đúng quy định của Luật Quản lý ngoại thương, các quy định liên quan cũng như Hiệp định chống bán phá giá của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Kết quả điều tra chính thức cho thấy lượng hàng hóa bị điều tra nhập khẩu từ Ấn Độ, Indonesia và Trung Quốc gia tăng đột biến. Hàng hóa nhập khẩu bán phá giá là nguyên nhân chính gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước.
Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương quyết định áp thuế chống bán phá giá chính thức đối với một số sản phẩm Sorbitol có xuất xứ từ Ấn Độ, Indonesia, Trung Quốc thuộc mã HS 2905.44.00 và 3824.60.00 (Bộ Công Thương có thể sửa đổi, bổ sung danh sách các mã HS của hàng hóa bị áp thuế chống bán phá giá chính thức để phù hợp với mô tả của hàng hóa bị điều tra và các thay đổi khác).
Mức thuế đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu hàng hóa có xuất xứ từ Ấn Độ là 52,75%. Mức thuế đối với doanh nghiệp là PT Sorini Agro Asia Corporindo, Sorini Towa Berlian Corporindo (Indonesia) là 44,39% và đối với tổ chức, cá nhân khác sản xuất Sorbitol xuất xứ từ Indonesia là 57,55%.
Mức thuế đối với Shandong Tianli Pharmaceutical Co.,Ltd (Trung Quốc) là 44,99% và tổ chức, cá nhân khác sản xuất, xuất khẩu Sorbitol xuất xứ từ Trung Quốc là 68,50%. Thuế chống bán phá có thời hạn áp dụng trong 5 năm kể từ ngày Quyết định chính thức có hiệu lực (tức là kể từ ngày 23/11/2021).
Việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức sẽ góp phần tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các ngành sản xuất trong nước, phát triển nguồn nguyên liệu, từ đó nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm và doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan theo dõi tác động của biện pháp PVTM, tình hình sản xuất, cung-cầu, giá cả, v.v... để đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng, thuận lợi cho các ngành sản xuất theo đúng quy định.
Tóm tắt thông tin vụ việc
- Ngày 11 tháng 12 năm 2020, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 3298/QĐ-BCT điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm Sorbitol có xuất xứ từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Cộng hòa Ấn Độ và Cộng hòa Indonesia.
- Ngày 05 tháng 7 năm 2021, Cơ quan điều có công văn số 496/PVTM-P1 báo cáo Lãnh đạo Bộ Công Thương về kết luận điều tra sơ bộ vụ việc AD14 và kiến nghị áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời.
- Ngày 06 tháng 7 năm 2021, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1719/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời đối với sản phẩm Sorbitol có xuất xứ từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Cộng hòa Ấn Độ và Cộng hòa Indonesia.
- Ngày 08 tháng 10 năm 2021, Cơ quan điều tra đã tổ chức phiên tham vấn công khai với các bên liên quan nhằm tạo điều kiện cho các bên trình bày ý kiến và cung cấp thông tin cần thiết tới Cơ quan điều tra. Phiên tham vấn được tổ chức dưới hình thức trực tuyến với sự tham gia của đại diện các bên liên quan.