Duy trì đảm bảo hành lang an toàn giao thông

Quan tâm đến hành lang an toàn giao thông (ATGT), các cấp, các ngành đã có nhiều giải pháp bảo đảm đường thông, hè thoáng. Tuy nhiên, việc vi phạm hành lang ATGT đường bộ vẫn tái diễn, do vậy, rất cần sự phối hợp thực hiện quyết liệt, thường xuyên của các ngành chức năng và chính quyền cơ sở.

Lực lượng chức năng ra quân giải tỏa vi phạm hành lang ATGT tại thị trấn Yên Lạc (Yên Lạc). Ảnh: Trường Khanh

Lực lượng chức năng ra quân giải tỏa vi phạm hành lang ATGT tại thị trấn Yên Lạc (Yên Lạc). Ảnh: Trường Khanh

Thị trấn Yên Lạc (Yên Lạc) là địa phương có làng nghề sản xuất đồ mộc truyền thống nổi tiếng của tỉnh. Hiện nay, đa số các cơ sở sản xuất, kinh doanh đồ mộc xen lẫn với nhà ở dân cư. Diện tích nhà xưởng hạn hẹp, nhiều người dân đã sử dụng vỉa hè, lề đường làm nơi tập kết gỗ bất chấp những nỗ lực chính quyền địa phương đẩy mạnh truyền, nhắc nhở và cả xử lý vi phạm.

UBND thị trấn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các lực lượng chức năng, các tổ chức hội, đoàn thể, tổ dân phố đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về đảm bảo trật tự ATGT, không lấn, chiếm hành lang giao thông để bày bán hàng hóa.

Địa phương tổ chức ký cam kết chấp hành các quy định của pháp luật về ATGT cho người dân. Tăng cường lực lượng theo dõi, bám sát các địa bàn, khu vực dễ phát sinh vi phạm để kịp thời nhắc nhở, xử lý, ngăn ngừa vi phạm phát sinh. Xây dựng kế hoạch, huy động lực lượng, phương tiện tổ chức các đợt ra quân giải tỏa hành lang ATGT, xử lý vi phạm trên địa bàn thị trấn.

Từ đầu năm đến nay, thị trấn Yên Lạc đã phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức hàng chục lượt ra quân giải tỏa vi phạm hành lang ATGT trên các tuyến đường và các chợ trên địa bàn; tuyên truyền, tháo dỡ lều quán, công trình xây dựng vi phạm hành lang ATGT đường bộ.

Nhờ vậy, ý thức của người dân trong việc chấp hành các quy định pháp luật về trật tự đô thị được nâng cao, tình trạng người dân lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi kinh doanh, buôn bán, tập kết hàng hóa, vật liệu xây dựng đã giảm rõ rệt.

Được sự quan tâm, hỗ trợ từ các cơ quan, bộ, ngành Trung ương, sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở nên hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh đã được quy hoạch, đầu tư ngày càng đồng bộ, hiện đại.

Công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được chú trọng, góp phần quan trọng phục vụ sự phát triển KT-XH, bảo đảm an toàn giao thông, quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, ý thức chấp hành các quy định pháp luật về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng, hành lang đường bộ trên địa bàn tỉnh của một bộ phận cá nhân, tổ chức chưa cao. Tình trạng lấn chiếm, tái lấn chiếm hành lang ATGT trên một số đoạn đường, nhất là các thị trấn, thị tứ, nơi tập trung dân cư và các khu, cụm công nghiệp, làng nghề… thường xuyên diễn ra, gây mất ATGT và ảnh hưởng lớn đến kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Để khắc phục các tồn tại, hạn chế nêu trên, từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng, hành lang ATGT đường bộ, góp phần đảm bảo an ninh trật tự và ATGT, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 10 về tăng cường thực hiện công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng, hành lang đường bộ trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện Chỉ thị số 10 của UBND tỉnh, lực lượng Thanh tra giao thông với vai trò nòng cốt đã thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương các cấp tuần tra, kiểm soát, bảo vệ kết cấu hạ tầng, hành lang an toàn đường bộ; kịp thời ngăn chặn, xử lý, giải tỏa vi phạm lấn chiếm, tái lấn chiếm lòng đường, vỉa hè.

Chủ động tham mưu các cấp, ngành liên quan chỉ đạo kịp thời các lực lượng chức năng tổ chức bảo vệ, kiên quyết giải tỏa dứt điểm vi phạm trên các tuyến đường bộ thuộc phạm vi quản lý. Đồng thời, chủ động phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ dân, hộ kinh doanh ven đường tự giác tháo dỡ, thu dọn công trình, biển, bảng quảng cáo lấn chiếm hành lang ATGT trên địa bàn toàn tỉnh.

UBND các huyện, thành phố nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo đảm trật tự, ATGT, lập lại trật tự hành lang ATGT...

Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tổ chức cho các hộ dân ký cam kết không lấn chiếm, sử dụng trái phép lòng, lề đường, vỉa hè, hành lang an toàn đường bộ. Phối hợp với các cơ quan chức năng kiên quyết giải tỏa các trường hợp sử dụng trái phép đất dành cho đường bộ; công trình ảnh hưởng đến phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông; ngăn chặn và chấm dứt tình trạng lấn chiếm, tái lấn chiếm, sử dụng trái phép hành lang an toàn đường bộ, nhất là các tuyến đường đã được bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng.

Công tác giải tỏa vi phạm và chống tái lấn, chiếm hành lang ATGT là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông. Vì vậy, bên cạnh sự vào cuộc tích cực của cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng, thì mỗi người dân cần nâng cao ý thức, nghiêm túc chấp hành quy định pháp luật về đảm bảo ATGT, vì lợi ích chung của xã hội.

Thu Nhàn

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/96815//duy-tri-dam-bao-hanh-lang-an-toan-giao-thong