Duy trì hoạt động của hệ thống cảnh báo lũ ống, lũ quét và sạt lở đất
Những năm gần đây, khu vực miền núi của tỉnh thường xuyên xảy ra tình trạng lũ ống, lũ quét và sạt lở, trong đó có những trận lũ quét, sạt lở đất gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Do vậy, công tác ứng phó và khắc phục hậu quả lũ ống, lũ quét luôn được UBND tỉnh, ngành chức năng và chính quyền các địa phương đặc biệt quan tâm.
Một số khu dân cư trên địa bàn huyện Mường Lát được xây dựng ở địa hình có độ dốc cao, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng bởi sạt lở đất khi có mưa lớn. Ảnh: phong sắc
Đánh giá của ngành chức năng cho thấy, có nhiều nguyên nhân gây ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất, như: Địa hình tại các huyện miền núi thường có độ dốc đứng, bề mặt địa hình chia cắt mạnh, tầng phủ mỏng kết cấu bờ rời, rất dễ bị trượt lở khi có mưa lớn. Trong khi đó, các huyện miền núi thường có lượng mưa phân bố không đều về thời gian và không gian, mưa tập trung trong thời gian ngắn với cường độ lớn, làm cho nước dâng lên đột ngột, tốc độ dòng chảy mạnh có sức tàn phá lớn gây lũ quét...
Trước nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất, ngành chức năng cùng chính quyền các địa phương đã và đang chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại do lũ ống, lũ quét và sạt lở đất gây ra. Trong đó, cùng với chủ trương di dân đến nơi ở an toàn, công tác chuẩn bị các điều kiện theo phương châm “4 tại chỗ” được chú trọng và thực hiện nghiêm theo yêu cầu. Việc dự báo, cảnh báo phòng tránh lũ ống, lũ quét, sạt lở đất cũng được quan tâm thực hiện. Đặc biệt, tỉnh đã thực hiện chủ trương xây dựng hệ thống quan trắc cảnh báo lũ ống, lũ quét và sạt lở đất tại các huyện miền núi. Đây được xem là giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả cảnh báo lũ ống, lũ quét và sạt lở đất ở khu vực miền núi của tỉnh.
Từ chủ trương này, năm 2015, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&TM) đã phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng, lắp đặt đồng bộ hệ thống thiết bị, như máy đo mưa tự ghi Sensor, Dataloger, thiết bị báo động và pin mặt trời, ắc quy... tại 15 trạm đo mưa, cảnh báo lũ ống, lũ quét và sạt lở đất thuộc 15 xã của huyện Mường Lát, Quan Sơn và Quan Hóa. Trong đó, huyện Mường Lát đặt các trạm đo mưa, cảnh báo tại các xã Mường Chanh, Quang Chiểu, Tam Chung, Trung Lý và Pù Nhi. Huyện Quan Hóa đặt các trạm đo mưa, cảnh báo tại các xã Thành Sơn, Phú Lệ, Nam Tiến, Hiền Chung và Hiền Kiệt. Tại huyện Quan Sơn đặt tại các xã Na Mèo, Mường Mìn, Sơn Thủy, Tam Thanh và Trung Hạ.
Chi cục trưởng Chi cục Biển, hải đảo, khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu (Sở TN&MT) Trịnh Ngọc Dũng cho biết: Các trạm đo mưa tại 3 huyện Mường Lát, Quan Hóa và Quan Sơn có khả năng lưu trữ, tự truyền số liệu qua sóng GSM, hoạt động ổn định. Số liệu đo từ các trạm được truyền hằng ngày về Trung tâm thu thập thông tin, tính toán, xử lý số liệu và đưa ra bản tin cảnh báo gửi Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão tỉnh, các ngành, các cấp phục vụ công tác chỉ đạo phòng tránh lũ ống, lũ quét và sạt lở đất.
Để vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo lũ ống, lũ quét và sạt lở đất, ngay sau khi lắp đặt thiết bị, Sở TN&MT đã phối hợp với đơn vị tư vấn Trung tâm nghiên cứu thủy văn và tài nguyên nước (Viện Khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu) tổ chức tập huấn công tác quản lý, vận hành, khai thác hệ thống cho cán bộ thuộc Sở TN&MT, Trưởng Phòng TN&MT các huyện Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa và cán bộ của 15 xã có lắp đặt trạm đo mưa. Cùng với đó, hằng năm, Sở TN&MT đều xây dựng kế hoạch vận hành hệ thống, giao nhiệm vụ cho các đơn vị liên quan, đặc biệt là các xã có trạm đo mưa. Đồng thời, kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng hệ thống máy móc, thiết bị quan trắc, bảo đảm cho hệ thống đầu đo (Sensor) và thiết bị (Datalogger) bộ thu và xử lý số liệu, truyền thông tin qua sóng di động về Trung tâm thu thập thông tin, tính toán, xử lý số liệu hoạt động thông suốt.
Nhằm chủ động ứng phó với các loại hình thiên tai, trọng tâm là mùa mưa, bão năm 2024 hiện công tác duy tu, bảo dưỡng hệ thống quan trắc, cảnh báo tại các địa phương trên đã được hoàn tất. Theo đánh giá của Chi cục Biển, hải đảo, khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, từ khi hệ thống cảnh báo lũ ống, lũ quét và sạt lở đất đưa vào hoạt động thông tin lượng mưa tại các đơn vị xã có trạm quan trắc được cập nhật thường xuyên, liên tục. Kết quả cập nhật được phân tích, đánh giá chi tiết, phục vụ cảnh báo sớm lũ ống, lũ quét, qua đó ngành chức năng, chính quyền địa phương triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa thiệt hại.
Được biết, để phục vụ tốt công tác phòng, chống, ứng phó với mưa lũ, Sở TN&MT đang hoàn thiện, trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch đầu tư xây dựng thêm hệ thống quan trắc, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất tại 7 huyện miền núi của tỉnh gồm: Bá Thước, Lang Chánh, Thường Xuân, Như Xuân, Cẩm Thủy, Thạch Thành và Ngọc Lặc. Hy vọng, với việc tăng cường hệ thống trạm quan trắc, đo mưa, cảnh báo lũ ống, lũ quét và sạt lở đất, vào mùa mưa bão, nhiều hộ dân ở khu vực miền núi của tỉnh sẽ bớt đi nỗi lo thiệt hại về người và tài sản do lũ ống, lũ quét và sạt lở đất gây ra.