Duy trì hoạt động giáo dục lấy trẻ làm trung tâm

Những năm gần đây, nhằm hướng đến việc xây dựng môi trường giáo dục mầm non mang tính “mở”, kích thích sự chú ý, tư duy và cảm xúc của trẻ, thúc đẩy các em tham gia các hoạt động và trải nghiệm… các trường mầm non trong tỉnh đã tích cực thực hiện chuyên đề giáo dục “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”.

Giờ học Kidsmart giúp trẻ phát triển trí tuệ ở Trường Mầm non Giao Nhân (Giao Thủy).

Giờ học Kidsmart giúp trẻ phát triển trí tuệ ở Trường Mầm non Giao Nhân (Giao Thủy).

Thực hiện chuyên đề, Trường Mầm non Hồng Quang (Nam Trực) đã chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, trong đó tập trung xây dựng môi trường trong và ngoài lớp học để trẻ được trải nghiệm, khám phá, tìm hiểu môi trường, phát triển toàn diện về thể chất, ngôn ngữ, tình cảm và thẩm mỹ. Ở góc học kỹ năng sống, giáo viên xây dựng các mô hình về hoạt động vệ sinh cá nhân cho trẻ như: chải đầu, vệ sinh răng miệng, trang điểm; trang trí góc học tập với chủ đề về mùa xuân, Tết cổ truyền…; góc học về nghề nghiệp có mô phỏng các nghề các em dễ nhận biết như: nghề xây dựng, trang trại trồng cây, vườn rau, cây cảnh… nhằm phát triển các năng lực hoạt động trí tuệ qua quan sát, phân tích, phân loại, so sánh, suy luận, phán đoán, đếm trên từng đối tượng, khái quát... Qua các góc học tập này, kích thích sự sáng tạo của cả cô và trò, từ đó trẻ hứng thú đến lớp và chủ động, tích cực hơn trong học tập. Ngoài ra, ở các khu vực vui chơi ngoài trời, nhà trường trang bị nhiều đồ chơi hấp dẫn bảo đảm an toàn, đẹp, có sức lôi cuốn trẻ. Ở đây trẻ được vui chơi thỏa thích trên thảm cỏ, sân bóng mi-ni, được trải nghiệm nhiều hoạt động vận động với các loại đồ dùng vận động phong phú và đa dạng theo từng độ tuổi, các trò chơi dân gian nhằm phát triển cơ tay, cơ chân và sự nhanh nhẹn, hoạt bát, mạnh mẽ, khéo léo. Để tạo tâm lý thoải mái, an toàn và giúp trẻ bộc lộ hết khả năng của bản thân, Ban giám hiệu nhà trường luôn nêu cao vai trò của giáo viên về hành vi, cử chỉ, lời nói, thái độ phải luôn mẫu mực để trẻ noi theo. Đồng thời, nhà trường cũng tạo điều kiện để phụ huynh tham gia vào hoạt động của trường, lớp như: Hỗ trợ giáo viên kỹ thuật trồng, chăm sóc vườn rau, tham gia vào các hội thi của bé ở trường, ủng hộ cây xanh, truyện tranh, nguyên vật liệu để làm đồ dùng, đồ chơi, tạo môi trường cho trẻ hoạt động nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.

Ở Trường Mầm non Giao Nhân (Giao Thủy), hoạt động giáo dục của nhà trường trong những năm qua luôn phấn đấu, nỗ lực không ngừng, hướng tới mục tiêu xây dựng môi trường tốt nhất cho sự phát triển của trẻ. Nhà trường tập trung xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, môi trường xanh - sạch - đẹp và an toàn, thân thiện không chỉ phù hợp với sự phát triển, mà còn thỏa mãn nhu cầu mở rộng hiểu biết, phát huy tính tích cực của trẻ. Trên cơ sở đó, nhà trường đã áp dụng phương pháp giáo dục tiên tiến Montessori và STEAM vào giảng dạy đối với 100% nhóm lớp và là đơn vị tiêu biểu trên địa bàn huyện áp dụng phương pháp tiên tiến này vào giảng dạy. Cùng với đó nhà trường đã huy động mọi nguồn lực cải tạo, nâng cấp thiết kế lại sân vườn, sửa chữa cải tạo bếp ăn, xây dựng mô hình góc hoạt động STEAM trải nghiệm với các nguyên liệu học liệu, góc chơi với cát sỏi, góc dân gian, khu vườn trường, dàn cây, vườn rau, vườn hoa, cây ăn quả theo hướng thân thiện, an toàn - xanh - sạch - đẹp. Đặc biệt nhà trường luôn sử dụng 8 nguyên tắc, bao gồm: đảm bảo tính mục đích, tính toàn diện; kết hợp chặt chẽ giữa chăm sóc và giáo dục; làm việc theo nhóm; nhà trường và gia đình cùng giáo dục; giáo viên linh hoạt trong giảng dạy; cô giáo chủ đạo, trẻ hoạt động tích cực, khơi dậy niềm đam mê của trẻ. Đến trường, trẻ không chỉ được học, được chơi mà còn được tham gia vào các hoạt động tập thể lành mạnh, giúp trẻ mạnh dạn, tự tin, thể hiện khả năng, nhanh nhẹn hoạt bát hơn trong giao tiếp, tham gia tích cực vào các hoạt động giáo dục, phát triển toàn diện các kỹ năng học tập cần thiết. Trong mỗi năm học, các cô giáo đã tích cực tìm tòi, sưu tầm các nguyên vật liệu tự nhiên, đơn giản, gần gũi, thân thiện với môi trường để trang trí làm đồ dùng đồ chơi cho trẻ. Môi trường trong lớp học với những màu sắc sinh động, ngộ nghĩnh, sắp xếp hợp lý không những đẹp mắt về thẩm mỹ mà còn có tính chất giáo dục, trẻ vừa được trải nghiệm, vừa được vui chơi. Đi đôi với dạy học, công tác nuôi ăn bán chú, chăm sóc trẻ được nhà trường quan tâm. Bếp ăn của nhà trường thực hiện theo quy trình bếp ăn một chiều. Toàn bộ thực phẩm được lựa chọn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, khẩu phần ăn của các con chia theo từng ngày, đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, phù hợp từng lứa tuổi. Do đó, chất lượng nuôi ăn bán trú của trường ngày càng được nâng cao, 100% trẻ đến lớp được nuôi bán trú và được kiểm tra, theo dõi, đánh giá sự phát triển và tình trạng sức khỏe bằng biểu đồ tăng trưởng. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng và béo phì giảm mức thấp nhất. 100% trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non. Nhà trường được đánh giá là đơn vị xuất sắc dẫn đầu phong trào thi đua cấp mầm non huyện.

Thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2021-2025 theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT), Sở GD và ĐT đã chỉ đạo xây dựng các cơ sở giáo dục mầm non bảo đảm các yêu cầu về môi trường giáo dục; đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo; đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm giáo dục “lấy người học làm trung tâm”, tạo nhiều cơ hội cho trẻ thực hành trải nghiệm; nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ... Từ Sở GD và ĐT đến phòng GD và ĐT các huyện, thành phố đã tiến hành kiểm tra, đánh giá việc thực hiện chuyên đề lồng ghép vào kiểm tra chất lượng đầu năm học, cuối năm học; thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, kiểm tra nội bộ; trên cơ sở đó uốn nắn, giúp đỡ cơ sở khắc phục kịp thời những hạn chế, khó khăn. Đến nay, tất cả các trường mầm non trong tỉnh đều đã triển khai tốt chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” phù hợp với điều kiện cụ thể của trường, lớp, địa phương. Trẻ đến trường được chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục phù hợp; có cơ hội được tham gia các hoạt động chủ đạo của từng lứa tuổi, có cơ hội hoạt động tích cực, phù hợp với nhu cầu, hứng thú và sự phát triển của từng cá nhân, được bộc lộ hết khả năng của mình, góp phần phát triển toàn diện. Qua đánh giá của Sở GD và ĐT, thực hiện chuyên đề tại 100% trường mầm non trong tỉnh, chất lượng giáo dục trẻ đã được nâng lên rõ rệt. Các nhà trường đã có môi trường giáo dục về cơ bản đạt yêu cầu, tạo nhiều cơ hội cho trẻ thực hành, trải nghiệm. Trẻ hào hứng, tích cực, chủ động tham gia các hoạt động trải nghiệm, hoạt động tập thể, ngoại khóa. Nhân dân địa phương và các bậc phụ huynh luôn tin tưởng vào chất lượng chăm sóc, giáo dục tại các nhà trường, từ đó có sự ủng hộ, phối kết hợp hiệu quả trong việc thúc đẩy sự phát triển toàn diện của trẻ… Trong các năm học, đã có nhiều thiết bị, đồ dùng, đồ chơi được cải tiến, thay mới, nhiều phòng học, sân chơi được làm mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, thông thoáng, sắp xếp bố trí sáng tạo, phù hợp với diện tích của nhóm lớp, của trường. Bên cạnh đó, khi tham gia vào mô hình trường học lấy trẻ làm trung tâm, các yếu tố liên quan tới môi trường xã hội cũng được đề cập như: tạo không khí giao tiếp tích cực giữa cô giáo với trẻ và ngược lại, có sự đối xử công bằng trong giáo dục, tại lớp học không có tai nạn, thương tích đối với trẻ, có sự trao đổi thường xuyên giữa giáo viên với gia đình trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ theo phương pháp lấy trẻ làm trung tâm. Đây cũng là cơ sở để các trường mầm non trong tỉnh thực hiện các nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục toàn diện đức, trí, thể, mỹ cho trẻ ngay từ những năm tháng đầu tiên của cuộc đời và đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục mầm non hiện nay.

Với giải pháp tích cực thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” đã thay đổi diện mạo các cơ sở giáo dục mầm non; chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ nâng lên rõ rệt. Ngành GD và ĐT tỉnh đang tiếp tục bồi dưỡng năng lực chuyên môn cho cán bộ, giáo viên mầm non; tăng cường chuyển đổi số, tích cực ứng dụng các phương pháp giáo dục tiên tiến; duy trì tốt phong trào làm đồ dùng, đồ chơi để phát triển môi trường giáo dục cho trẻ hoạt động.

Bài và ảnh: Hồng Minh

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/xa-hoi/202502/duy-tri-hoat-dong-giao-duc-lay-tre-lam-trung-tam-c433770/