Băn khoăn giáo viên trường công có được mở trung tâm dạy thêm
Không cấm giáo viên dạy thêm nhưng Thông tư 29 của Bộ GD&ĐT quy định, giáo viên các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường.
Bộ GD&ĐT khẳng định quan điểm không cấm giáo viên dạy thêm tuy nhiên đã đưa ra các quy định để siết chặt quản lý hoạt động này.
Từ ngày 14/2 tới, Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực và các điều khoản sẽ áp dụng vào thực tế. Thời điểm này, giáo viên vẫn băn khoăn nhiều nội dung, trong đó có việc như, giáo viên trường công lập có được tổ chức mở trung tâm dạy thêm ở ngoài hay không?
Tại Thông tư 29, Bộ GD&ĐT giải thích, dạy thêm học thêm là hoạt động dạy học phụ thêm ngoài thời lượng quy định trong kế hoạch giáo dục đối với các môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS – THPT do Bộ GD&ĐT ban hành.
Điều 6, của thông tư cũng quy định, tổ chức hoặc cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật, đồng thời công khai danh sách, địa điểm, hình thức dạy học, mức tiền… để học sinh, phụ huynh được biết.
Điều này, khiến nhiều giáo viên trường công lập hiểu rằng, ngoài thực hiện nhiệm vụ dạy học theo chương trình tại nhà trường, họ có thể đứng ra mở trung tâm dạy thêm.
Tuy nhiên, giáo viên cũng cần lưu ý, cũng trong thông tư này, Bộ GD&ĐT đã quy định rõ ba trường hợp không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm gồm: Học sinh tiểu học; giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công giảng dạy trên lớp; giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.
Như vậy, theo quy định, từ ngày 14/2 tới, giáo viên các trường công lập không thể tổ chức mở trung tâm dạy thêm ở ngoài nhà trường.
Tuy nhiên, giáo viên được tham gia dạy thêm ở các trung tâm với điều kiện phải báo cáo với hiệu trưởng hoặc giám đốc hoặc người đứng đầu nhà trường về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm.
Dạy qua trung tâm giáo viên bị cắt phí
Mặt khác, thông tư ghi rõ “giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành dạy thêm ngoài nhà trường” nhưng không “cấm” giáo viên các trường ngoài tư thục. Như vậy, với quy định mới, giáo viên tại các trường dân lập, tư thục có thể tự đứng tên đăng ký kinh doanh để mở lớp dạy thêm.
Theo hiệu trưởng một trường THPT tại Hà Nội, Thông tư 29 với nhiều quy định mới rõ ràng đã siết việc dạy thêm, học thêm cả trong lẫn ngoài trường học. Với trường THPT, hằng năm nhà trường chia lớp theo nhóm trình độ yếu – kém, trung bình, khá – giỏi để ôn tập, bồi dưỡng ngay từ đầu năm học. Với cách làm này, kết quả thi tốt nghiệp THPT của trường đạt mục tiêu về đại trà là 100% đỗ tốt nghiệp và có tỉ lệ học sinh đỗ trường đại học top đầu cao.
Thế nhưng, với quy định mới, việc dạy thêm chỉ dành cho nhóm bồi dưỡng học sinh yếu kém và không được thu tiền nên từ tháng 2 này, nhà trường cho dừng các lớp học thêm.
Cũng theo hiệu trưởng này, đối với dạy thêm ngoài nhà trường, trước đây, giáo viên có thể nhận lời giúp một số người thân, quen tổ chức nhóm nhỏ học sinh học thêm tại nhà và thu phí theo thỏa thuận thì thông tư mới điều đó cũng không thể thực hiện.
"Giáo viên có tâm tư, có buồn vì khi quy định đi vào thực tế họ sẽ bị giảm thu nhập, trong khi đồng lương không cao. Nếu dạy qua trung tâm, giáo viên sẽ bị cắt 40% chi phí và có thể các trung tâm cũng sẽ đẩy học phí để tăng tiền chi trả cho giáo viên”, hiệu trưởng này nói.
Ngày 30/12/2024, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 29 quy định các nội dung về dạy thêm học thêm với nhiều điểm mới có hiệu lực từ ngày 14/2 tới. Trong đó, thông tư quy định 3 trường hợp không được dạy thêm, học thêm; 3 trường hợp được tổ chức học thêm trong nhà trường và điều kiện giáo viên dạy thêm ở ngoài nhà trường nhằm quản lý chặt chẽ hơn hoạt động này.