Duy trì nghề truyền thống đang dần mai một
Nghề rèn thủ công được xem là một trong những nghề truyền thống của xã Phú Tân (Châu Thành) mang đậm dấu ấn lao động nông nghiệp. Tuy nhiên, những năm gần đây, nghề rèn thủ công nơi này ngày càng mai một, chỉ còn 1 hộ duy trì 'đỏ lửa' mỗi ngày.
Anh Huỳnh Văn Đông là một gia đình người Khmer hiếm hoi của xã Phú Tân duy trì nghề rèn dù tuổi đời còn khá trẻ. Anh cho biết đây là nghề cha truyền con nối, không phải ai cũng làm được nếu không có sự đam mê vì vừa độc hại, thu nhập lại không nhiều.
Theo anh Đông, từ nhỏ anh không có ý định theo nghề rèn. Nhưng sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự thì cha anh gặp tai nạn không thể tiếp tục công việc, ông trăn trở, buồn phiền sợ nghề rèn chìm vào quên lãng. Thương cha, anh quyết định nối nghiệp, rồi thích lúc nào không hay, cứ thế duy trì cho đến nay. “Trước đây, nghề rèn làm ăn rất khá bởi tất cả vật dụng từ sinh hoạt tới làm ruộng đều cần thợ rèn. Nay nông cụ sản xuất phần lớn đã làm bằng máy móc nên rất tinh xảo, giá cả lại cạnh tranh nên nghề rèn thủ công thu hẹp dần” – anh Đông chia sẻ.
Lò rèn của anh làm những sản phẩm chính là dao, búa, cuốc. Mỗi ngày gia đình anh làm ra từ 40 đến 50 sản phẩm, khoảng ba ngày thì đi giao sỉ ở các huyện. Anh chia sẻ: “Đồ rèn truyền thống phải qua nhiều công đoạn và làm phải có độ chính xác, sản phẩm mới chất lượng, đòi hỏi người thợ phải có năng khiếu và hiểu biết cũng như bí kíp mới làm thành một sản phẩm hoàn chỉnh. Hơn nữa thời buổi cạnh tranh, sản phẩm làm ra giá thành phải rẻ, chất lượng thì mới giữ mối lâu dài”. Nhờ yêu nghề, làm nghề có tâm, sản phẩm làm ra bén, tốt, khách hàng ưa chuộng nên mối sỉ vẫn lấy hàng của anh đều đều, thu nhập mỗi ngày cũng khoảng 600.000 đồng, có thời điểm cao hơn tùy vào số lượng đặt hàng.
Gia đình anh hiện có 5 người, gồm vợ chồng và 3 người con. Các con anh đã quen tiếp xúc với hơi nóng của lò lửa, tiếng đục, tiếng mài, trong đó con trai lớn đã biết phụ nhiều công đoạn quan trọng. Tuy nghề có phần cực khổ, độc hại, nhưng khi được hỏi sao không chọn một nghề khác, anh cười, nói: “Dù sao đây cũng là nghề truyền thống của gia đình, nó không mang lại một cuộc sống sung túc, song hơi ấm bếp lửa trở thành động lực để tôi bám trụ với nghề”.
Theo lời tâm sự của anh Đông, bây giờ tìm một người làm được nghề rèn tự tay cho ra một sản phẩm hoàn chỉnh rất ít. Hơn 10 năm gắn bó cùng nghề, với anh, công việc này không chỉ là sinh kế mà còn là truyền thống gia đình mà cha anh đã rất nặng lòng. Vì vậy, anh vẫn duy trì bếp rèn rực lửa, âm vang tiếng búa kỳ cạch mỗi ngày. Trước xu thế xã hội ngày càng phát triển, khoa học kỹ thuật ngày càng hiện đại, một số nghề truyền thống bị mai một nhưng gia đình anh Đông vẫn duy trì nghề rèn nhiều năm nay. Anh có ước muốn nếu có được chính sách hỗ trợ thì sẽ đầu tư để có được cơ sở rèn khang trang hơn.