Duy trì nguồn thu kinh phí công đoàn 2%

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, đại biểu thảo luận về dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi (dự thảo) với một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là quy định về phân phối kinh phí công đoàn.

Thời gian qua, An Giang là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về giải ngân hỗ trợ đoàn viên, người lao động (NLĐ), nhất là đối tượng có hoàn cảnh khó khăn đột xuất. Theo số liệu tổng hợp báo cáo quyết toán tài chính công đoàn trong những năm gần đây, tỷ trọng chi của công đoàn cơ sở (CĐCS) chiếm 75,15%/tổng chi tài chính công đoàn toàn tỉnh. Các cấp công đoàn tập trung nguồn lực để chi trực tiếp chăm lo, bảo vệ, đào tạo đoàn viên và NLĐ, nhất là đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tết Nguyên đán, Tháng Công nhân... Cụ thể CĐCS đã chi trên 60%, công đoàn cấp trên cơ sở chi trên 25%, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh chi trên 30% trên tổng chi thường xuyên hàng năm.

Đặc biệt, năm 2023 các cấp công đoàn đã chi hỗ trợ đoàn viên, NLĐ từ nguồn tài chính công đoàn với số tiền 111,16 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 57,36%/tổng chi thường xuyên (công đoàn cơ sở chi 86,62 tỷ đồng, 62,69%; công đoàn cấp trên cơ sở chi 8,41 tỷ đồng, 29,45%; LĐLĐ tỉnh chi trên 16,13 tỷ đồng, 59,44%). Trong đó, chi hỗ trợ cho 6.579 đoàn viên, NLĐ bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp (DN) bị cắt, giảm đơn hàng theo Quyết định 6696/QĐ-TLĐ của Tổng LĐLĐ Việt Nam, với số tiền 11,39 tỷ đồng (tài chính công đoàn tỉnh chi 10,55 tỷ đồng; tài chính công đoàn cấp trên cơ sở chi 0,84 tỷ đồng), là một trong 5 tỉnh trên cả nước có số người và số tiền chi hỗ trợ lớn.

Nguồn kinh phí của công đoàn tập trung chăm lo cho đoàn viên, người lao động ở cơ sở

Nguồn kinh phí của công đoàn tập trung chăm lo cho đoàn viên, người lao động ở cơ sở

Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH An Giang Samho Võ Thanh Nhã chia sẻ: “Nguồn kinh phí công đoàn giữ vai trò quan trọng, có ý nghĩa quyết định nhất là đối với các hoạt động của CĐCS để CĐCS thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, chăm lo phúc lợi xã hội cho đoàn viên, NLĐ. Ngay từ đầu năm, CĐCS đã có dự trù thu - chi nguồn kinh phí để có kế hoạch chăm lo cho đoàn viên, NLĐ cụ thể. Phần lớn nguồn kinh phí công đoàn dành để chăm lo về vật chất, đời sống và tinh thần của đoàn viên, NLĐ tại DN, như: Hiếu hỷ, sinh nhật, các dịp lễ lớn trong năm, học bổng dành cho con đoàn viên vượt khó học giỏi, đặc biệt chăm lo trong dịp Tết Nguyên đán”.

Theo Chủ tịch CĐCS Công ty Cổ phần Điện nước An Giang Phan Hữu Quốc Việt, chủ DN rất đồng tình thực hiện việc nộp kịp thời kinh phí công đoàn 2% về LĐLĐ tỉnh theo quy định. Từ nguồn kinh phí trích lại của LĐLĐ tỉnh, CĐCS đã chi xuất đúng quy định, trong đó dành nguồn lực 75% để chăm lo cho đoàn viên, NLĐ vào các dịp Tết Nguyên đán, Tháng Công nhân và các ngày lễ, kỷ niệm về giới… Đối với những đoàn viên gặp khó khăn đột xuất, hoặc gặp khó khăn về nhà ở thì CĐCS tiếp tục đề nghị LĐLĐ tỉnh để quan tâm hỗ trợ; hầu hết các đề nghị đều được LĐLĐ tỉnh xem xét hỗ trợ kịp thời, từ đó đoàn viên, NLĐ tại đơn vị luôn đồng hành với mọi hoạt động do công đoàn triển khai và xem công đoàn là chỗ dựa tinh thần vững chắc của mình.

Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh An Giang Nguyễn Hữu Giang cho biết, hiện tại nguồn tài chính công đoàn tỉnh đã được phân phối lại tập trung cho CĐCS với tỷ lệ 75% kinh phí công đoàn và 70% đoàn phí công đoàn. Do đó, nguồn tài chính công đoàn của cấp trên còn lại chỉ đảm bảo chi hoạt động thường xuyên và tích lũy rất ít, nếu những năm trước các công đoàn cấp trên không có tích lũy dần nhiều năm liền, khi có phát sinh các chính sách của Tổng LĐLĐ Việt Nam như vừa qua thì việc chi hỗ trợ đoàn viên, NLĐ, DN sẽ không có nguồn để thực hiện. Nguồn tài chính công đoàn là nguồn lực để đảm bảo cho mọi hoạt động của tổ chức công đoàn. Trong đó, cần tập trung nguồn lực tài chính để chi trực tiếp chăm lo, bảo vệ, đào tạo đoàn viên và NLĐ trong tình hình hiện nay. Công đoàn Việt Nam cần ban hành nhiều chính sách chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, NLĐ mang tính dài hạn và ổn định.

Là người có nhiều năm gắn bó với lĩnh vực tài chính công đoàn dưới nhiều vị trí… ông Nguyễn Hữu Giang cho rằng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, quan hệ lao động tại các DN ngoài Nhà nước ngày càng phức tạp, việc duy trì 2% kinh phí công đoàn của Công đoàn Việt Nam là rất cần thiết. Vì đó là điều kiện cơ bản nhất để đáp ứng nhu cầu cần được quan tâm, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng ngày càng cao của đoàn viên, NLĐ. Cùng với đó, Công đoàn Việt Nam cần có giải pháp thu tài chính công đoàn đúng, đủ và kịp thời, sử dụng nguồn lực tài chính hiệu quả hơn, tiết kiệm hơn, tập trung kinh phí hướng về cơ sở và đoàn viên, NLĐ; tăng tỷ trọng chi chăm lo, bảo vệ đoàn viên, NLĐ trong tổng chi thường xuyên của các cấp công đoàn.

Thảo luận về kinh phí công đoàn, cơ quan soạn thảo đề xuất 2 phương án. Phương án 1 giao Chính phủ quy định cụ thể tỷ lệ sử dụng kinh phí công đoàn giữa công đoàn cấp trên với CĐCS và tổ chức của NLĐ tại DN. Phương án 2 xác định cụ thể công đoàn cấp trên sử dụng 25%, CĐCS và tổ chức của NLĐ tại DN sử dụng 75%. Tổng LĐLĐ Việt Nam (cơ quan soạn thảo) đề xuất lựa chọn phương án 1 vì đây là phương án tối ưu nhất, theo đó, Chính phủ chỉ quy định đối với những nơi “đã có tổ chức của NLĐ tại DN”, còn những nơi khác thì vẫn giữ như hiện hành.

MỸ HẠNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/duy-tri-nguon-thu-kinh-phi-cong-doan-2--a398274.html