Duy trì nguồn thu kinh phí Công đoàn 2% là cần thiết

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 18-6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).

Nhiều ý kiến của các đại biểu cho rằng, cần nâng cao vai trò của Công đoàn cơ sở cũng như khẳng định, việc duy trì nguồn thu kinh phí Công đoàn 2% là cần thiết.

Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai phát biểu tại phiên thảo luận sáng 18-6. Ảnh: CTV

Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai phát biểu tại phiên thảo luận sáng 18-6. Ảnh: CTV

* Biên chế số lượng cán bộ Công đoàn còn ít

Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Như Ý (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) nêu ý kiến về quy định tăng quyền chủ động của tổ chức Công đoàn trong công tác cán bộ tại khoản 3, khoản 4 của Điều 26.

Theo đại biểu, qua quá trình thực hiện, cơ chế cấp ủy địa phương giao biên chế cho tổ chức Công đoàn địa phương trong gói biên chế được cấp trên giao cho khối Đảng, MTTQ và đoàn thể chính trị - xã hội dẫn đến sự không đồng bộ về biên chế trong cùng một cấp Công đoàn.

Thực tế cho thấy, không phải địa bàn có đông dân cư và nhiều đảng viên thì đương nhiên có nhiều công nhân, viên chức, lao động. Bên cạnh đó, việc phân bổ biên chế do cấp ủy địa phương quyết định trong khi đảm bảo nguồn tài chính lại do Công đoàn cấp trên, dẫn tới thiếu đồng bộ trong việc phân bổ nhân lực và nguồn lực đảm bảo; tình trạng không điều tiết được từ nơi thừa sang nơi thiếu trong phạm vi cả nước cũng như trong phạm vi của tỉnh, thành phố…

Cùng tại một tỉnh, cần điều động một chủ tịch Công đoàn huyện có nhiều kinh nghiệm sang công tác tại địa bàn có quan hệ lao động phức tạp cũng không thể thực hiện được, vì nơi đi và nơi đến do 2 cấp ủy quản lý cán bộ.

Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý cho rằng, cơ chế giao biên chế như trên dẫn đến từ năm 2021 trở về trước, phương thức giao biên chế Công đoàn của các cấp ủy địa phương không thống nhất.

Trong bối cảnh xuất hiện cạnh tranh Công đoàn, đẩy mạnh hội nhập quốc tế và sự phát triển nhanh về số lượng doanh nghiệp, người lao động, đoàn viên Công đoàn, nhiệm vụ của Công đoàn đặc thù và ngày càng nặng nề, nhưng biên chế Công đoàn lại rất thấp so với các tổ chức chính trị - xã hội khác.

Theo đó, MTTQ Việt Nam được giao 16.116 biên chế; hội nông dân là 14.436 biên chế; hội liên hiệp phụ nữ là 15.509 biên chế; Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là 16.080 biên chế. Trong khi đó, tổng số biên chế Công đoàn địa phương được các tỉnh ủy, thành ủy tạm giao năm 2024 là 5.119 biên chế (bằng khoảng 1/3).

Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý chia sẻ, thực tiễn, cán bộ Công đoàn cơ sở đa số hoạt động kiêm nhiệm, chịu sự chi phối từ chủ doanh nghiệp do họ là người lao động, nhận lương từ doanh nghiệp. Đây là thực tế khó khăn của cán bộ Công đoàn cơ sở, nhất là ở những doanh nghiệp có đông công nhân lao động.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang phát biểu giải trình các vấn đề đại biểu Quốc hội đã nêu. Ảnh: Mediaquochoi

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang phát biểu giải trình các vấn đề đại biểu Quốc hội đã nêu. Ảnh: Mediaquochoi

* Duy trì nguồn thu kinh phí Công đoàn 2% là cần thiết

Thảo luận về việc đóng phí Công đoàn, các đại biểu Quốc hội đồng thuận cao với việc duy trì nguồn thu kinh phí Công đoàn 2% vì nhiều lý do. Các ý kiến cho rằng, từ nhiều thập niên qua, kinh phí Công đoàn được thực hiện chủ yếu ở các nước khối xã hội chủ nghĩa.

Việc luật hóa và duy trì nguồn thu kinh phí Công đoàn 2% thể hiện sự ưu việt của chế độ chủ nghĩa xã hội. Kinh phí Công đoàn được sử dụng tại Công đoàn cơ sở là chủ yếu để trực tiếp chăm lo cho đoàn viên, người lao động.

Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý phân tích, hệ thống tổ chức Công đoàn gồm 4 cấp. Cấp trung ương là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Cấp tỉnh, ngành trung ương là Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Công đoàn ngành trung ương và tương đương.

Cấp trên trực tiếp cơ sở là liên đoàn lao động cấp huyện, Công đoàn ngành địa phương, Công đoàn các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao, Công đoàn tổng công ty, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở khác. Cấp cơ sở là Công đoàn cơ sở.

Với hệ thống tổ chức Công đoàn nêu trên, việc phân chia tỷ lệ nguồn thu kinh phí Công đoàn là cần thiết và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các cấp Công đoàn.

Về đề xuất tỷ lệ phân phối Công đoàn cơ sở được sử dụng 75% từ 2% số thu kinh phí Công đoàn có căn cứ từ thực tiễn thu, chi tài chính Công đoàn của Công đoàn Việt Nam giai đoạn 2012-2023 và hiện đang vận hành ổn định.

Mặt khác do hiện chưa có đánh giá thực tiễn sử dụng nguồn kinh phí Công đoàn của tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp nên đề nghị việc đề xuất tỷ lệ phân phối Công đoàn cơ sở được sử dụng 75% từ số thu 2% kinh phí Công đoàn thể hiện sự chủ động, công khai, minh bạch của tổ chức Công đoàn.

Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý đề nghị chọn phương án 1 giao Chính phủ quy định chi tiết để đảm bảo sự điều hành linh hoạt trong từng thời kỳ. Bởi quy định tại luật sẽ đảm bảo tính pháp lý cao nhưng khi nguồn thu, chi tài chính Công đoàn có biến động (không cân đối được thu chi mà nguồn tài chính tích lũy không đảm bảo) nếu cần điều chỉnh tỷ lệ thì phải sửa luật, dẫn đến không đáp ứng kịp thời hoạt động của hệ thống Công đoàn.

Thanh Hải (ghi)

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/tin-moi/202406/duy-tri-nguon-thu-kinh-phi-cong-doan-2-la-can-thiet-5aa347d/