Duyên dáng áo dài

Từ lâu, áo dài đã là trang phục truyền thống, là nét văn hóa đặc trưng của phụ nữ Việt Nam. Áo dài có mặt trong các sự kiện chính trị, văn hóa, ngoại giao trọng đại quốc tế; trong các dịp lễ trọng của đất nước, trong đời sống thường ngày. Áo dài đi vào thơ, vào nhạc, vào phim ảnh, và trở thành trang phục độc quyền của phụ nữ Việt Nam tại các cuộc thi sắc đẹp trong nước và nước ngoài.

Theo Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm (Bộ VH-TT-DL), tiền thân áo dài được gọi là áo ngũ thân cổ đứng, được định hình từ thời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1739 - 1765). Tới năm 1836 - 1837, vua Minh Mạng sau chuyến tuần du ra Bắc Hà, tận mắt nhìn thấy người dân Bắc vẫn giữ kiểu ăn mặc cũ (tức vẫn mặc áo tứ thân) đã quyết định tiến hành cải cách trang phục triệt để. Từ đó, áo dài được phổ biến rộng trong cả nước.

Áo dài Việt Nam qua các thời kỳ có sự biến đổi với nhiều kiểu dáng, chất liệu từ hiện đại đến phá cách. Đó là biến chuyển thành áo cưới, với 2 tà hoặc 4 tà dài tha thướt, đính nhiều phụ kiện lộng lẫy. Đó là thay thế nút bấm, cài từ cổ vòng qua ngực xuống eo bằng kéo khóa sau lưng áo. Đó còn là áo cách tân với tà ngắn hơn, thay đổi ở cổ áo, tay áo; mặc với quần âu hoặc quần mặc chung với áo dài; giúp người mặc dễ di chuyển. Cũng chính vì sự cách điệu này mà áo dài ngày càng được phụ nữ Việt diện nhiều hơn trong đời sống hàng ngày. Đối với không ít phụ nữ Việt, chiếc áo dài là của hồi môn được trao truyền từ đời bà, đời mẹ và giữ gìn như kỷ vật.

Ở Tuyên Quang dăm năm trở lại đây, áo dài xuất hiện ngày càng nhiều. Nếu như trước đây chỉ xuất hiện vào dịp lễ trọng, thì hiện nay áo dài được chị em chưng thường xuyên: Lúc đi đám cưới, dự tiệc, họp lớp, đi lễ chùa, đi du lịch… Trong nhiều trường học, công sở, áo dài trở thành đồng phục. Chất liệu may áo dài cũng vô cùng phong phú. Người trẻ thường thích vải trơn, vải hoa in, hoa vẽ, lụa, đũi đính hoa vải… Người có tuổi thích vải lụa, nhung với hoa thêu tay, thêu công nghiệp, đính phụ kiện đá, cườm… Có rất nhiều sự lựa chọn để diện áo dài. Nếu mua thì giá áo từ vài ba trăm nghìn đến vài ba chục triệu. Nếu thuê cũng rất nhiều giá phải chăng, vừa thuận tiện, vừa dễ thay đổi.

Đặc biệt, gần đây nở rộ phong trào check in tại các điểm du lịch, danh lam thắng cảnh…, áo dài xuất hiện cùng chị em như một trang phục tất nhiên, với tất cả niềm tự hào, hãnh diện về trang phục truyền thống của dân tộc. Áo dài đi vào những bộ sưu tập của chị em như một kỷ niệm đời người. Mỗi khi mặc áo dài, ai nấy đều đẹp hơn, duyên dáng, thanh lịch hơn. Lưu lại những bức ảnh với áo dài là cách để lưu giữ hình ảnh chính mình trong mỗi quãng đường đời, đồng thời thể hiện tình cảm, ý thức của bản thân đối với trang phục độc đáo của dân tộc.

 Ảnh: Quang Minh

Ảnh: Quang Minh

Trên địa bàn thành phố hiện có hàng chục cửa hiệu may đo, bán và cho thuê áo dài. Chị Nguyễn Quỳnh Lan, chủ hiệu may áo dài Tâm Lan ở phường Tân Quang là người có duyên nợ với áo dài. Mỗi khi ra nước ngoài du lịch hay thăm người nhà, thậm chí cả khi khiêu vũ giao lưu với tỉnh bạn, chị lại diện áo dài truyền thống như một niềm tự hào, để quảng bá về đất nước, cái đẹp của người phụ nữ Việt. Chị tâm sự, được thiết kế áo dài phục vụ khách là niềm vui đến say mê mỗi ngày. Gần đây nghe có bài báo nước láng giềng tự nhận áo dài là trang phục truyền thống của họ, chị rất ngạc nhiên và bất bình. Bởi áo dài Việt Nam có từ đời xửa xưa, đã đi vào phim ảnh, nhạc họa nước ta như một quốc phục. Chắc họ muốn xâm lăng mình theo cách này. Nên bản thân chị thấy cần phải quảng bá áo dài Việt rộng rãi hơn nữa. Mỗi chị em Việt cũng cần lãnh trách nhiệm này.

Từ nhiều năm trước, khi tham dự cuộc triển lãm về chuyên đề lịch sử Trung Quốc, thấy một chiếc áo dài Việt Nam 100%, nhưng lại được ghi chú là trang phục thời cận hiện đại của Trung Quốc; nhà thiết kế Sỹ Hoàng và bà Nguyễn Thế Thanh (nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP.HCM) đã đau đáu về một bảo tàng dành riêng để tôn vinh nét đẹp của tà áo dài Việt Nam. Sau đó bảo tàng áo dài - một bảo tàng tư nhân tại thành phố Hồ Chí Minh ra đời để tôn vinh nét đẹp áo dài Việt Nam.

Đau đáu với áo dài Việt, nhiều nhà thiết kế đã dày công nghiên cứu, sáng tạo và tổ chức các trình diễn áo dài ở trong nước và nước ngoài để tôn vinh, quảng bá áo dài Việt. Nhiều địa phương trong cả nước đã tổ chức các lễ hội áo dài như một hoạt động văn hóa tầm cỡ để khẳng định và tôn vinh áo dài Việt. Mới đây, thành phố Huế cho biết sẽ tổ chức Ngày áo dài để góp phần khẳng địnhh, đề cao lòng tự tôn dân tộc.

Tuy nhiên, các nhà thiết kế cho rằng nhà nước phải công bố áo dài là quốc phục, để ai đó có ý đồ ăn cắp ý tưởng sẽ không thực hiện được. Áo dài được công nhận quốc phục Việt Nam là mong ước lớn nhất của các nhà thiết kế thời trang áo dài.

Xuân đã về trên khắp quê hương. “Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố/ Đã thấy tâm hồn quê hương ở đó…” - Cùng với gió xuân, tà áo dài Việt Nam đang tung bay tô điểm bức tranh Việt trong mùa xuân thêm tuyệt diệu.

Ngọc Mai

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/van-hoa/tinh-hoa-van-hoa/duyen-dang-ao-dai-127366.html