Duyên dáng cườm đá người Cor
Người Cor ở huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) luôn tự hào về bộ trang sức cườm đá của mình. Trải qua thời gian, những tưởng nghề làm cườm đá bảy mầu đã mai một; tuy nhiên hiện nay, cườm đá đã phát triển trở lại và có lớp trẻ tiếp nối nghề xưa.
Trải qua nhiều biến đổi của xã hội, cuộc sống của người Cor hiện nay ngày càng phát triển. Con trẻ được học tập lên cao để trở về phục vụ, đóng góp cho quê hương. Những đứa trẻ người Cor từ khi mới sinh ra đã tiếp xúc với nét văn hóa truyền thống của mình, đó là sợi cườm đá.
Theo tục lệ người Cor bao đời qua, người mẹ hoặc người bà sẽ trực tiếp đeo lên đầu đứa trẻ mới ra đời một sợi cườm lấy từ bộ cườm đá của mẹ đứa trẻ. Đó là một niềm tin, một sự gửi gắm tình cảm của người đi trước đến thế hệ sau về tương lai mạnh khỏe, ý chí kiên cường. Phong tục tưởng chừng đơn giản đó đã tồn tại hàng thế kỷ qua và trong cuộc sống hiện tại vẫn còn được gìn giữ.
Bà Hồ Thị Non, trú tại thị trấn Trà Xuân (Trà Bồng), người duy nhất còn nắm rõ nét đặc trưng của cườm đá bảy mầu cho biết, một bộ cườm đá đầy đủ của chị em phụ nữ Cor có ba phần gồm vòng nhỏ nhất đeo trên đầu, vòng đeo ở cổ và vòng lớn nhất được đeo ở lưng.
Được tạo thành từ hàng nghìn hạt cườm đá nhỏ bằng nửa hạt gạo, việc phối mầu cho cườm đá cần đủ bảy mầu sắc, dù họa tiết hay tính xen kẽ các mầu có thể khác nhau. Ngày bà Non còn nhỏ, những bộ cườm đá trong gia đình bà có kích thước lớn cho nên khối lượng cả bộ nặng hơn. Thời kỳ đó, cườm đá được người Cor xem như vật quý nhất trong nhà, được xếp ngang với trang sức vàng. Từ lễ hội, đám cưới, đám hỏi đến các ngày cúng trong làng hay khi đi đưa tang người mất đều phải có sự xuất hiện của bộ cườm đá.
Từng công tác tại Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Trà Bồng, bà Non hiểu rõ các điệu múa, phong tục truyền thống của người Cor. Bộ trang sức cườm đá bảy mầu từng thất lạc trong một thời gian do không còn người làm. Từ năm 2008, bà Non dành thời gian đến gặp các cụ bà người Cor còn sống để tìm cách khôi phục cườm đá bảy mầu. Sau hàng tháng trời tổng hợp thông tin, cách làm sản phẩm, tìm nguồn nguyên liệu cườm đá, bà Non hiểu được lý do vì sao lớp thế hệ sau dần quên đi cườm đá. Đó là bởi vì nghề này đòi hỏi tính kỹ lưỡng, tỉ mỉ và bền chí trong suốt một tháng ngồi làm.
Giới thiệu về 10 bộ cườm đang trong công đoạn thắt dây vải trang trí, bà Non cho biết, thời gian gần đây, những người tìm mua cườm đá đòi hỏi loại hạt cườm càng nhỏ càng tốt. Những bộ cườm hạt nhỏ này dùng trong đội văn nghệ địa phương, kết hợp với điệu múa Cà đáo của người Cor nên cần khối lượng nhẹ mà vẫn đủ số lượng sợi và số mầu cần có. 12 chị em trong một đội múa đồng diễn với cườm đá bảy mầu tạo nên không gian sinh hoạt cộng đồng vừa đậm nét truyền thống vừa uyển chuyển.
Để rút ngắn quá trình làm sản phẩm, đặc biệt là công đoạn cho hạt cườm vào dây cước cần nhiều thời gian nên các chị Hồ Thị Tâm, Hồ Thị Giang sống gần nhà bà Non đang nhận làm bước này. Nhờ đó, lượng sản phẩm cườm làm ra kịp cung cấp cho những nơi có nhu cầu. 9 tháng đầu năm nay, bà Non cùng chị Tâm, chị Giang đã hoàn thiện hàng chục bộ cườm đá gửi đến các nơi lân cận. Cũng qua đây, các chị đã có cơ hội học được những kinh nghiệm, bí quyết làm ra bộ cườm.
“Tôi đã tìm lại được giá trị truyền thống, hiểu được quy trình khó nhọc để làm một bộ trang sức cườm đá thì cách duy nhất để bảo vệ là dạy nghề cho con cháu. Mai này chúng mới là thế hệ gìn giữ bản sắc dân tộc. Làm sao để cườm bền chắc, cách phối hợp, sáng tạo tính nghệ thuật cho bộ cườm phù hợp để trình diễn như thế nào, tôi đều hướng dẫn các cháu hiểu để cùng làm”, bà Non khẳng định.
15 năm gắn bó với nghề làm cườm đá, sản phẩm do chính tay bà Non làm ra đã có mặt ở tất cả các xã của huyện Trà Bồng. Ngoài ra, cộng đồng người Cor ở vùng cao huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) đều đặn liên hệ đặt mua bộ cườm đá truyền thống này để sử dụng trong các đợt sinh hoạt cộng đồng.
Với chất liệu bằng đá, đã từng có một bộ cườm của người phụ nữ Cor truyền đến đời cháu vẫn còn sáng bóng. Mỗi gia đình xem cườm đá là vật hồi môn cho con khi lập gia đình. Thời gian trước, người dân huyện Trà Bồng dùng cây quế để trao đổi, mua bộ cườm đá.
Sau kỳ lễ hội, bộ cườm được vệ sinh, giặt bằng nước sạch và đặt trang trọng ở nơi kín đáo nhất trong nhà. Giờ đây, hành trình vực dậy cườm đá bảy mầu của bà Non đã có những kết quả khả quan. Bản sắc truyền thống, trong đó có trang sức cườm đá bảy mầu của người Cor tỉnh Quảng Ngãi đã và đang góp thêm một mảnh ghép vào hệ thống di sản văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/duyen-dang-cuom-da-nguoi-cor-post777143.html