Duyên nợ của những người làm báo vẽ tranh
Một nhóm các nhà báo có tên tuổi, bằng những cơ duyên khác nhau, họ đã cầm cây cọ lên để tô điểm thêm cho cuộc sống bằng bức tranh đa sắc màu với nhiều gam màu phong phú, có khi rực rỡ, có khi trầm buồn, đem lại cho người yêu thích hội họa những góc nhìn đa chiều. Họ chính là Nhóm 99, gồm 8 nhà báo, họa sĩ, với 130 tác phẩm bằng nhiều chủ đề: tĩnh vật, phong cảnh, chân dung, trừu tượng, sinh hoạt đời thường..., từ các chất liệu sơn dầu, acrylic, màu nước, lụa, bút sắt..., hiện diện sinh động tại Triển lãm Tranh 99, diễn ra từ ngày 18 đến 26/6, nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2024).
Chia sẻ ấn tượng của mình tại buổi khai mạc triển lãm, nhà báo Trần Trọng Dũng - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phụ trách phía Nam bày tỏ: “Đây có thể là những tác phẩm không chuyên nghiệp, nhưng qua đó, các nhà báo thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, con người cháy bỏng của mình. Đó cũng chính là điều mà công chúng mong muốn nhìn thấy, bởi nhà báo chính là người luôn nuôi dưỡng ngọn lửa tình yêu quê hương đất nước không chỉ qua các tác phẩm báo chí, mà còn qua hội họa, nhiếp ảnh hay các bộ môn nghệ thuật khác”.
Trong số 8 nhà báo tham gia triển lãm tranh lần này, có người chưa dám nhận mình là họa sĩ, mà chỉ coi mình là người có “duyên nợ” với hội họa, yêu thích thế giới sắc màu, muốn nhờ ngôn ngữ thẩm mỹ nói lên những gì mà con chữ chưa thể nói hết. Nhưng cũng chính nhờ vậy mà 130 bức tranh được trưng bày tại triển lãm vừa mang dáng dấp chuyên nghiệp, vừa thể hiện sự đa dạng, phong phú và hồn hậu, rất đời.
Trong Nhóm 99 nhà báo Nguyễn Tiến Lễ không còn xa lạ với nhiều độc giả. Anh từng công tác tại Cơ quan TTXVN khu vực phía Nam từ năm 1977 - 2016, trải qua nhiều cương vị. Anh tự học vẽ từ năm 2017 và đã tham gia 3 triển lãm tại Hội Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh. Tham gia triển lãm, anh lựa chọn 20 bức tranh vẽ phong cảnh, sinh hoạt, tĩnh vật với các chất liệu acrylic, màu nước và trên giấy dó..., để hòa cùng niềm vui, thú đam mê hội họa với các đồng nghiệp.
Còn nhà báo, họa sĩ sơn mài truyền thống Ngô Thành Nhân lại mang đến triển lãm 5 bức tranh sơn dầu, acrylic..., trong đó có bức Hạ Long trên khổ lớn và một số bức vẽ về thành phố Hồ Chí Minh hiện đại. Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Ngô Thành Nhân từng công tác tại Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, viết báo, làm sách và vẽ tranh. Anh có tranh được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Huế và Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng. Anh cũng nhận được nhiều giải thưởng quốc gia về hội họa. Xem tranh của Ngô Thành Nhân, người xem vô cùng thích thú bởi cách vẽ tinh tế, nhiều lớp mà nhẹ nhàng, khi mơ màng, khi ẩn dụ, thể hiện vẻ đẹp thiên nhiên ban sơ của anh. Nhiều mảng màu đậm nhạt nhấn nhá, rồi buông thả cho thấy chuyên môn của một họa sĩ lâu năm và tâm hồn lãng tử của một nhà báo.
Nhà báo, họa sĩ Vũ Kim Sơn nguyên là phóng viên chiến trường của Thông tấn xã Giải Phóng, đi chiến trường B năm 1972 và là nghệ sĩ nhiếp ảnh tên tuổi của Báo Ảnh Việt Nam. Với hơn 40 năm tác nghiệp qua khắp miền đất nước, Kim Sơn có nhiều tác phẩm tập trung chủ yếu đề tài phong cảnh, sinh hoạt đời thường. Kim Sơn vẽ tranh từ năm 2000, với góc nhìn nghệ thuật về ánh sáng, bố cục từ một chuyên gia nhiếp ảnh, do đó, các tác phẩm của anh thường chỉn chu đến từng chi tiết. Anh đã tham gia và tạo ấn tượng tốt trong 3 triển lãm nhóm. Còn họa sĩ Nguyễn Nghiêm từng là phóng viên Đài Truyền thanh quận Tân Bình (1985-1990), nguyên giảng viên cơ hữu Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, giảng viên thỉnh giảng mỹ thuật công nghiệp của một số trường đại học lại gây ấn tượng cho người xem khi mang đến triển lãm lần này 15 bức tranh với chủ đề phong cảnh đẹp đến ngỡ ngàng.
Là người “rẽ ngang” sang hội họa bắt đầu từ năm 2003, nhà báo Đỗ Hương mang đến triển lãm lần này những bức tranh hoa và phong cảnh tĩnh với lối vẽ thử nghiệm mới. Dù trước đó, năm 1978, chị từng là một người vẽ tranh cổ động và bản đồ khi ở Trường Sĩ quan thông tin, sau này trở thành "tay máy" có nghề của Tạp chí Kiến trúc, rồi gắn bó với tờ Thể thao ngày nay tại thành phố Hồ Chí Minh, chị mới bắt tay vào vẽ chuyên nghiệp. Thời gian đầu, chị vẽ sơn dầu với lối vẽ cổ điển, tiếp đó, chị vẽ acrylic và lụa.
Một gương mặt nữ nữa tham gia triển lãm là nhà báo Hồng Nga - người phụ nữ của ánh sáng sân khấu, từng được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập Người chụp ảnh sân khấu nhiều nhất Việt Nam. Chị yêu thích hội họa từ nhỏ, bắt đầu vẽ năm từ năm 2000 và đã tham gia triển lãm nhiều lần với nhóm Hương Cỏ, Những nhà nhiếp ảnh vẽ tranh, Giấc mơ màu... tại Hội Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh công việc bận rộn của một Phó Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh thành phố Hồ Chí Minh, chị vẫn dành thời gian để vẽ tranh. "Tôi yêu thích màu sắc và mê vẽ", chị tâm sự và cho biết, tại triển lãm này đã mang đến 7 bức tranh tĩnh vật, phụ nữ, phong cảnh. Tranh của Hồng Nga mềm mại, sinh động, tạo nên nét đẹp riêng biệt, dù là vẽ hoa hay phong cảnh.
Trong số các họa sĩ lão làng, nhà báo - nhà văn Huỳnh Dũng Nhân có lẽ là người có tác phẩm hội họa muộn màng nhất. Đã có hơn 40 năm làm báo cho đến ngày về hưu và phục hồi sau một lần bị bệnh tai biến, trở về từ giường bệnh, anh cầm cây cọ vẽ như để giải tỏa bao nhiêu năng lượng chất chứa từ trong lòng mình. Anh vẽ liên tục trong nhiều ngày, không ngừng nghỉ như để chạy đua với thời gian. Sau 3 năm vừa dưỡng bệnh, vừa vẽ, Huỳnh Dũng Nhân đã vẽ hơn 3.000 bức tranh, chủ yếu là chân dung bạn bè, đồng nghiệp, văn nghệ sĩ nổi tiếng. Anh từng tổ chức 3 triển lãm tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Hà Nội).
Ở triển lãm tranh lần này, bộ tranh chân dung Người tôi yêu mến của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân được xem là một điểm nhấn đặc biệt. Đó là chân dung các nhà báo nhiều thế hệ, văn nghệ sĩ - những người gắn bó thân thiết hoặc để lại ấn tượng sâu sắc, được anh vẽ như là đang trò chuyện với các nhân vật, gây ấn tượng mạnh đến người xem.
Riêng Tiểu Tân là họa sĩ trẻ nhất nhóm tác giả, đang công tác tại Ban Văn hóa văn nghệ, Báo Sài Gòn giải phóng. Từ năm 2021 đến nay, chị tham gia 9 triển lãm do Hội Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, 1 triển lãm tranh màu nước quốc tế Mùa thu 2021 do Hiệp hội Màu nước quốc tế, Cauu lạc bộ Màu nước Sài Gòn tổ chức. Đặc biệt, 2 năm liên tiếp, tranh của Tiểu Tân được Hội đồng nghệ thuật - Hội Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh chọn vào triển lãm thành quả Trại sáng tác và sáng tác mới (2023, 2024) tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh. Tại triển lãm này, Tiểu Tân giới thiệu 20 tác phẩm, cả tranh lụa và màu nước, chủ đề phong cảnh, tĩnh vật, chân dung... Tiểu Tân cho biết thêm, sau chuyến công tác ở Trường Sa về, chị đang thực hiện bộ tranh Thao thức Trường Sa, sẽ được tổ chức tại Báo Sài Gòn giải phóng.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/duyen-no-cua-nhung-nguoi-lam-bao-ve-tranh-post477370.html