Duyên nợ cuộc đời

Thư viện Quốc gia, một địa chỉ văn hóa hàng đầu của đất nước hôm ấy, có rất đông bạn bè, người thân, nhà báo, nhà văn, sinh viên, học sinh đã tới dự. Sảnh giữa trung tâm thư viện rộng là thế mà không đủ để bố trí ghế ngồi. Sau khi cuốn sách đến tay người đọc, cùng với những lời động viên, chia sẻ, tôi nhận được khá nhiều câu hỏi: 'Cuốn sách này được tác giả viết từ bao giờ?; Viết trong bao nhiêu lâu?'; 'Động lực nào thôi thúc tác giả đã viết ra cuốn sách dày dặn, nhiều trang như thế?'; 'Vì sao tác giả không cho công bố sớm hơn?'; 'Vì sao tác giả không viết thêm về những câu chuyện nhiều người đang muốn biết?'…

Một nhà báo có uy tín gọi cuốn sách này là “tập đại thành nhiều thể loại báo chí và văn học, từ bút ký, chân dung đến tiểu luận, tùy bút...” (Phan Quang). Dù là một cuốn sách “tập đại thành” và tôi đã tự kể, trải lòng mình trong một cuốn sách dày 652 trang khổ lớn, vậy mà nhiều người vẫn còn muốn nghe kể tiếp. Thật là một niềm vui không hề nhỏ đối với tác giả.

“Đi tìm một vì sao” - cuốn sách được đông đảo các thế hệ bạn đọc tìm đọc ngay sau khi ra mắt

“Đi tìm một vì sao” - cuốn sách được đông đảo các thế hệ bạn đọc tìm đọc ngay sau khi ra mắt

Tôi xin được chia sẻ đôi điều. Tôi đã ấp ủ muốn viết cuốn sách này từ khi còn đang công tác. Tôi tự hứa với mình khi nào được nghỉ hưu tôi sẽ viết để kể những câu chuyện mà mình đã trải qua, những con người, những sự việc mà mình đã gặp. Với tôi đó không chỉ là những câu chuyện, những kỷ niệm không thể nào quên mà còn là duyên nợ của cuộc đời, một may mắn không dễ gì có được. Ngay cả bây giờ dù tôi có ước ao cháy bỏng như thế nào thì những gì đã qua cũng không thể nào quay trở lại. Biết bao là ơn nghĩa của cuộc đời mà tôi đã được nhận, nay dù chẳng có ai đòi, nhưng tôi thấy mình cần phải trả ơn.

Từ rất lâu rồi, một cảm xúc hết sức tự nhiên, thường trực, luôn lay động trong tâm thức tôi: Nếu tôi không viết ra, không nhắc lại, tôi sẽ là người mang lỗi. Bởi thế, tôi muốn kể lại những câu chuyện của mình như một cách để báo đáp, trả ơn cuộc đời. Tôi viết cuốn sách này với một sự đam mê cháy bỏng và lớn lao. Và khi đã bắt tay vào thì càng không thể nào dừng lại được. Tôi đã dành ra một quãng thời gian khoảng bốn năm năm để viết. Trong đó có hai năm bị ngắt quãng vì đại dịch Covid-19. Những trang viết đầu tiên được bắt đầu khi tôi sắp nhận quyết định nghỉ hưu. Đã có những lo ngại xen lẫn sự hồi hộp khi tôi quyết định viết ra những câu chuyện có thật trong cuốn sách này. Tôi cảm nhận được một điều, đôi khi viết ra sự thật lại khó hơn rất nhiều là hư cấu và tưởng tượng!

Và một khó khăn nữa là, tự mình phải chọn lựa, viết điều gì và điều gì không nên viết. Một cuộc đời hơn bảy mươi năm có biết bao câu chuyện vui, buồn... Có rất nhiều chuyện dù muốn quên cũng không thể nào quên. Đã có lúc tôi ước ao, giá như mỗi khi ngồi vào bàn viết, những kỷ niệm đang tràn về cứ hiện lên trên trang giấy. Giống hệt như ngày xưa ấy. Vượt lên tất cả, tôi có niềm tin vào bạn đọc, như tôi đã từng trao gửi niềm tin vào những con người thiện lành trong những giờ phút tôi gặp khó khăn. Một vài câu chuyện kể về thời gian tôi làm Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam chỉ là đôi ba ví dụ. Tôi hiểu, ít ai muốn nhắc lại những chuyện buồn. Nhưng không nói những câu chuyện buồn thì lại không là sự thật. Tôi đã hồi hộp cho tới lúc được nghe các đồng chí cùng công tác một thời đọc xong cuốn sách.

Ông Phạm Quang Nghị những ngày ở chiến trường

Ông Phạm Quang Nghị những ngày ở chiến trường

Anh Trần Xuân Lộc, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam nói với tôi hôm tôi về tỉnh: “Nhận được sách tôi liền đọc một mạch phần anh viết về Hà Nam. Lúc đầu cũng chỉ định đọc phần ấy thôi, nhưng cuốn sách hấp dẫn quá nên tôi bèn đọc lại từ đầu. Mải mê đọc trời sáng lúc nào không biết...”. Anh Trần Mạnh Tiến, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên huấn tiến đến cạnh tôi với dáng vẻ trang nghiêm, từ tốn, nói nhỏ: “Em xin phép anh được nói đôi lời trước mọi người, được không?”.

Tôi thoáng có suy nghĩ, chắc trong nội dung cuốn sách phần viết về Hà Nam có điều gì không ổn nên anh muốn góp ý chăng. “Vâng, có gì xin anh cứ nói!”. Hóa ra không phải anh định phê bình, góp ý, mà là anh muốn nói lên cảm tưởng của mình: “Khi cầm cuốn sách dày cộp trên tay, tôi cứ nghĩ trong thời đại thông tin, báo chí, Facebook như hiện nay, đến đọc năm ba dòng đôi khi còn ngại. Nhưng khi tôi “bập vào” cuốn sách “Đi tìm một vì sao” thì không tài nào dứt ra được...”. Rồi anh bồi hồi nhắc lại những kỷ niệm của một thời đã qua. Tôi chợt tỉnh ra một điều, sự thật, lòng chân thành tự nó có sức mạnh và sự cảm hóa. Như nó đã cảm hóa chính tôi và nó đã đem đến cho tôi niềm tin và nghị lực.

Có một độc giả khá đặc biệt. Tên anh là Nhâm, một cựu chiến binh chống Mỹ, quê huyện Duy Tiên, Hà Nam, người mà tôi chưa từng quen biết. Qua báo chí anh được nghe giới thiệu về nội dung cuốn sách. Anh đã phóng xe máy lên Hà Nội, hỏi thăm đến tận nhà để xin tặng sách. Rất tiếc hôm ấy tôi lại đi vắng nhưng vợ tôi đã thay mặt tặng sách cho anh. Anh mừng lắm, cố nài nỉ gửi lại tặng cho tôi một chai vang Đà Lạt. Nhà thơ Hoài Vũ, tác giả của những bài thơ nổi tiếng “Vàm cỏ Đông”, “Gửi miền Hạ”... từ thành phố Hồ Chí Minh, giọng trầm ấm và xúc động nói qua điện thoại, rằng anh đang đọc đến đoạn tôi phải chia tay mẹ, chia tay người yêu để đi vào chiến trường B... Anh bảo, khi đọc những trang viết ấy anh nghẹn ngào, rơi nước mắt... Tôi cười, chia sẻ với anh: “Anh Hoài Vũ ơi, thì cũng giống anh đã chia tay cô gái miền Hạ, với tình cảm nhớ mong “Một thoáng hương tràm cho ta bên nhau”. Tôi và anh tuy ở hai miền Nam - Bắc, nhưng chúng ta đều giống nhau là gửi lại tình yêu riêng để ra đi đón nhận tình yêu Tổ quốc...”. Rồi cả hai chúng tôi cùng cười trên điện thoại. Cười mà trong lòng rưng rưng xúc động.

Nguyên Bí Thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị tại buổi lễ ra mắt sách “Đi tìm một vì sao”

Nguyên Bí Thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị tại buổi lễ ra mắt sách “Đi tìm một vì sao”

Nghệ sĩ nhân dân Trần Bình cũng điện thoại cho tôi. Anh kể, đang đóng cửa ngồi một mình trong phòng để đọc. Ngoài bảy mươi tuổi rồi, đã từng trải qua biết bao là vui buồn, sướng khổ, vậy mà bây giờ vừa đọc sách vừa khóc sụt sùi, vì những trang viết nhắc lại việc anh đã mừng vui, xúc động ra sao khi nghệ sĩ Ái Vân được về nước biểu diễn...

Thượng tướng Phương Minh Hòa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, qua tin nhắn đã gửi cho tôi những dòng nhận xét kèm theo tấm ảnh chụp nơi anh đặt cuốn “Đi tìm một vì sao” bên cạnh chiếc máy bay SU 30K mô hình mạ vàng ngay trên chiếc kệ ở đầu giường. Anh nói: Đây là “sách gối đầu giường của tôi...”.

Trung tướng phi công, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đức Soát cũng gửi cho tôi những dòng cảm tưởng vô cùng cảm động. Anh gọi đấy là cuốn sách của một con người “tận hiến cho sự nghiệp mình đã chọn”, “từng trang sách được chính tác giả rút ruột thể hiện”. Anh đã dùng những lời thật đẹp để nói về cả một thế hệ thanh niên thời chống Mỹ mà tôi đã được đồng hành: “Chào anh Nghị! Tôi rất xúc động khi đọc hết cuốn sách “Đi tìm một vì sao” của anh. Một con người, một cuộc đời tận hiến cho sự nghiệp mình đã chọn đã long lanh sáng trên từng con chữ, từng trang sách được chính tác giả rút ruột thể hiện. Sự nghiệp cách mạng đã thành công nhờ chính những người chiến sĩ cộng sản như anh đã miệt mài, tận tụy đóng góp đó. Một lần nữa cảm ơn anh!”.

Trung tướng Phí Quốc Tuấn, Chỉ huy trưởng Bộ Tư lệnh Thủ đô mỗi lần gặp tôi là mỗi lần anh say sưa kể về những câu chuyện, những trang văn mà anh đã nhớ, đã thuộc như kể về những kỷ niệm của chính mình. Còn rất nhiều, rất nhiều câu chuyện, lời văn cảm động từ các nhà báo, nhà văn, bạn bè, người thân và cả từ những người tôi chưa từng quen biết, đã gọi điện, nhắn tin, chúc mừng, cảm ơn. Có rất nhiều bài viết đăng trên Facebook đã thu hút hàng trăm lời bình luận... Tôi biết, trong bài viết này, dù là tóm tắt, tôi cũng không thể nào nhắc lại hết được những gì mọi người đã nói, đã viết ra.

Ảnh chụp từ tin nhắn của Thượng tướng Phương Minh Hòa - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam

Ảnh chụp từ tin nhắn của Thượng tướng Phương Minh Hòa - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam

Tôi xin kể thêm một chuyện, nói là vui hay buồn cũng được. “Đi tìm một vì sao” sau khi phát hành chưa được bao lâu thì trên thị trường sách “chợ đen” ngoài phố Đinh Lễ đã xuất hiện sách của tác giả bị in lậu. Mà không chỉ cuốn “Đi tìm một vì sao”. Tiện thể, nơi nào đó còn in luôn cả cuốn “Nơi ấy là chiến trường” đã được in cách nay hơn 3 năm. Tác giả nghe tin, tự mình ra phố sách Đinh Lễ, bỏ tiền mua sách in lậu (giá cao) của chính mình để làm kỷ niệm! Trò chuyện với người bán sách vỉa hè, bà ấy hết nhìn tác giả lại nhìn ảnh in trong sách, lại còn khen: “Ngày xưa trông bác đẹp trai nhỉ (!)”. Sách cầm trên tay... đúng là sách giả. Nhưng tác giả lại là... tác thật.

“Đi tìm một vì sao” ra mắt công chúng, đối tượng tìm đọc nhiều nhất là các cựu chiến binh, những người đã đi qua chiến tranh. Giống như tác giả, họ đã có những tháng ngày “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, đã trải qua biết bao là gian khổ, hy sinh, đói ăn, khát uống, sốt rét, ốm đau... Nhiều người cũng đã từng lội qua Đồng Tháp Mười, phải trốn bom pháo, trực thăng, máy bay phản lực Mỹ và họ cũng được tắm mình trong hương sen Đồng Tháp. Đọc “Đi tìm một vì sao” mọi người được sống lại những kỷ niệm và như được thấy có mình trong đó. Trong “Đi tìm một vì sao”, những gì tôi đã viết ra, chuyện chung, chuyện riêng, tên đất, tên người... tất cả đều là có thật. Ít nhất là 364 nhân vật có tên, trong đó có 237 người có họ tên đầy đủ (theo con số thống kê trong bài viết của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Kim Ngọc) cùng với hàng trăm tên các địa danh, sự kiện.

Tôi rất vui khi đón nhận những lời chia sẻ: “Cũng không nhiều người lắm khi viết hồi ký dám bỏ qua việc nhấn mạnh thành tích của mình. Cũng ít hồi ký tránh được việc phê phán sống sượng một ai đó có liên quan đến cuộc đời hoạt động của mình. Lại càng ít hơn những cuốn hồi ký không nhằm thanh minh cho những sai lầm của chính mình. Điều đó chứng tỏ bản lĩnh người viết đã ở một tầm hiếm hoi” (Đỗ Phấn). Đúng là trên từng trang viết, tôi luôn tự nhắc mình, không phải một đôi lần, mà là từng câu, từng chữ, “hãy cố tránh đừng tô vẽ, huênh hoang. Và cũng đừng có mà tranh công đổ lỗi”. Tôi ý thức được điều ấy không chỉ là “thói hư tật xấu”, mà còn là sự thiếu tôn trọng người đọc và cũng thiếu cả lòng tự trọng. Với tôi “viết là cơ hội nhúng bút vào sự thật” (Bùi Việt Thắng).

Có người hỏi: Còn những chuyện a, b, c, d... mọi người rất muốn nghe, sao tác giả không nhân cơ hội này mà viết ra? Thưa bạn đọc, trước khi đưa in “Đi tìm một vì sao” tôi đã phải “nghiến răng” cắt bớt gần trăm trang để cuốn sách đỡ dày, đỡ nặng. Lại còn phải chọn loại giấy thật nhẹ. Nếu viết thêm “năm ba câu chuyện hấp dẫn nữa”, cuốn sách có là nghìn trang cũng không đủ. Bạn đọc thân mến! Tôi đã định không kể, không viết thêm điều gì nữa. Nhưng lại vẫn còn câu hỏi: “Sách đã viết xong, đã được nghe nhiều ý kiến bạn đọc hồi âm. Vậy tác giả có thấy tiêng tiếc, nhơ nhớ những gì mà mình muốn viết nhưng lại không được viết ra không?”. Hỏi như thế quá bằng đi guốc vào tim gan tác giả còn gì. “Nhơ nhớ”, “tiêng tiếc” nhiều chứ.

Cái cảm giác thèm được viết thêm, thèm được “đẩy tới” dù chỉ năm ba dòng hoặc một vài trang là điều thường xuyên xuất hiện trong khi viết. Chuyện đang hay, đang hấp dẫn! Thế nhưng, chính vào những lúc ấy tôi lại tự bảo mình “thôi, dừng lại”. Tôi dừng lại, nhưng rất nhiều người đọc đã hiểu được cả những điều tôi không kể. Tôi không kể, còn bởi tôi luôn có niềm tin, cái gì là sự thật, là chân lý thì tự nó sẽ lấp lánh tỏa sáng. Nhất là ở thời đại thông tin, thời đại không có điều gì che giấu được. Như nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã viết: “Cùng với những ký ức chân thật và sống động ấy là những chiêm nghiệm sâu sắc mà chính tác giả nhận ra trong đời sống và mỗi câu chuyện thường ngày được ông kể đều chứa đựng trong đó những tầng sâu suy tưởng và những thông điệp”.

Tôi đã rất đắn đo khi viết ra những câu chuyện có thật, người thật, việc thật. Vui sướng biết bao, tôi đã được nhận lại những lời chia sẻ từ mọi người và bằng những tấm lòng chân thật! Một lần nữa tôi xin cảm ơn cuộc đời. Cảm ơn tất cả bạn bè, đồng chí, người thân, những người được nhắc tên và không được nhắc tên trong cuốn sách này. Xin cảm ơn những người đã đọc, đã viết những dòng chia sẻ về cuốn sách tri ân cuộc đời của tôi. Sau khi “Đi tìm một vì sao” ra mắt công chúng, tôi cố gắng tập hợp, chắc là không được đầy đủ, những tin, bài đã đăng trên báo chí và trên một số trang Facebook cá nhân để in trong tập sách này như là một kỷ niệm, một lời cảm ơn chân thành của tôi gửi tới mọi người.

Hà Nội, tròn một năm “Đi tìm một vì sao” ra mắt bạn đọc!

Tháng Tư, năm Quý Mão 2023

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/duyen-no-cuoc-doi-post552086.antd