Duyên phận với Soọng cô

Họ có giọng hát ngọt ngào như nước suối đầu nguồn, có câu ví ấm áp như ánh nắng ban mai. Họ là những người mang nặng duyên phận với câu hát Soọng cô. Nhiều người dân tộc Sán Dìu nhận xét về 2 chị em nghệ nhân Miêu Thị Nguyệt và Trịnh Ngọc Thông, xóm Na Quán, xã Nam Hòa (Đồng Hỷ) như thế.

Buổi tập văn nghệ của các thành viên Câu lạc bộ hát Soọng cô xóm Na Quán, xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ (ảnh chụp trước ngày 16/3/2020).

Buổi tập văn nghệ của các thành viên Câu lạc bộ hát Soọng cô xóm Na Quán, xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ (ảnh chụp trước ngày 16/3/2020).

Duyên phận - Tất cả những mê đắm đời người được gói gọn bằng 2 từ ấy. Bởi giữa dòng chảy cuộc đời có bao đổi thay, chuyện áo cơm đời thường làm mai một đi nhiều phong tục, tập quán đẹp, trong đó có câu hát Soọng cô. Và giữa quên lãng đời thường ấy, còn có những con người vượt lên tất thảy khó khăn để gìn giữ nét đẹp văn hóa dân tộc mình. Họ lặng thầm chép lại bằng chữ Hán cổ, cất giữ trên ban thờ và dạy truyền khẩu cho con cháu trong nhà. Nhờ thế mà chị em bà Nguyệt, ông Thông thuộc nhiều câu hát Soọng cô. Họ có thể đối ví từ ngày này sang ngày khác mà lời không cạn. Nhiều người tham gia cuộc hát tâm đắc: Chị em họ là kho tàng sống đang lưu giữ hàng nghìn câu hát của dân tộc Sán Dìu.

Bà Nguyệt sinh ra, mắt nhìn thấy ánh nắng mặt trời thì tai nghe được câu hát Soọng cô. Ông Thông cũng thế, lẫm chẫm biết đi đã bi bô tập câu hát ví của dân tộc mình. Nghe nhiều thành mê, rồi miệng hát nằm lòng câu ví, chủ yếu là bài hát về các mùa trong năm, về chào hỏi, mừng nhà mới, đám cưới, chúc thọ, tình yêu… Ông Thông kể: Mấy đời nhà tôi lấy được vợ cũng nhờ biết hát soọng cô. Còn bà Nguyệt khoe: Phải 3 mùa xuân, ông nhà cùng đám bạn bên huyện Đại Từ sang hát đối mới “chinh phục” được tôi về làm vợ.

Không chỉ tốt nết, hát hay, bà Nguyệt còn là một thôn nữ năng động, tích cực tham gia các hoạt động phong trào tại địa phương. Bà chí thú việc xã, lại lo làm lụng cùng chồng nuôi 5 người con. Công việc bận rộn, bà không có điều kiện đứng sau các cuộc hát ví để ứng lời cho các cô gái. Hơn thế, những người biết hát ví cũng ngày một hiếm, nên câu hát soọng cô giống như cây củi được đốt từ loài gỗ quý, đã cháy hết nhưng dưới tro còn hòn than ấm, âm ỉ chờ đợi cơ hội đến là bùng lên thành ngọn lửa. Bà Nguyệt và ông Thông là hòn than hồng ấy. Và mỗi người lại có cách bùng cháy lên ngọn lửa Soọng cô của riêng mình.

Tháng 5-2010, bà Nguyệt vinh dự về thủ đô Hà Nội dự Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ Nhất. Nhờ đó, bà được gặp gỡ, giao lưu với các đại biểu là người dân tộc thiểu số trên cả nước. Giữa vườn thổ cẩm, bà nhận ra mình cần có trách nhiệm tham gia, gìn giữ và phát huy những nét đẹp bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Để thực hiện được điều đó, bà đến từng nhà trong xóm vận động mọi người cùng tham gia. Ban đầu ai cũng thấy ngại, vì hát Soọng cô theo lệ tục chỉ dành cho nam, nữ chưa lập gia đình. Còn những người đã lên thiên chức ông, bà thì không ai đi hát giao duyên, mà chỉ đứng sau các cuộc hát. Bà suy tư nói với mọi người: Mình gọi chệch đi là hát giao lưu. Hát để giữ hơi ấm cho nét đẹp cộng đồng người Sán Dìu. Rồi qua hoạt động văn nghệ để truyền dạy lại cho các thế hệ sau này tiếng nói của dân tộc mình.

Bà Miêu Thị Nguyệt sưu tầm, chép lại gần 7.000 bài hát Soọng cô.

Bà Miêu Thị Nguyệt sưu tầm, chép lại gần 7.000 bài hát Soọng cô.

Nghe bà nói phải, nhiều người phấn chấn rủ nhau đến nhà bà để gặp gỡ, trò chuyện và tập hát Soọng cô. Việc bà làm được các già làng nhất mực ủng hộ, như cụ Trần Thị Lý, cụ Miêu Thị Kẻm đã tiếp lửa cho bà bừng cháy niềm đam mê hát ví bằng cách trao truyền nhiều bài hát cổ. Cùng bà trên “hành trình” ấy còn có ông Thông. Ông không chỉ thuộc nằm lòng nhiều ca từ, mà còn là chủ sở hữu của những cuốn sách do các cụ ghi chép lại các phong tục tập quán và câu hát ví bằng chữ Hán cổ. Thấy chị tâm huyết, ông tự dăn mình không thể đứng ngoài cuộc. Ông ngồi vào bàn cặm cụi đọc lời bài hát bằng chữ Hán, rồi chép lại trên trang vở bằng tiếng dân tộc Sán Dìu.

Nhìn từng cuốn sách bằng giấy bản nhàu nát, màu giấy ố đen vì thời gian, mấy ai không cảm phục đức tính kiên trì và niềm đam mê câu hát ví của ông. Nhớ lại mấy mươi năm trước, nhiều người cao tuổi ở Nam Hòa còn nhớ đến một thanh niên vóc dáng thư sinh luôn đứng đầu đám hát bên trai làng, đó là ông Thông. Ông có giọng hát của con chim họa mi trên lưng núi, vốn ca từ của ông nhiều như lá cây trên rừng. Nhắc lại chuyện xưa, ông khiêm tốn: Bài hát ví của dân tộc Sán Dìu có 4 câu, mỗi câu có 7 từ, quan trọng ở người tham gia cuộc hát ví là biết linh hoạt vận dụng phù hợp vào từng ngữ cảnh. Hát ví của người Sán Dìu cũng như hát quan họ của người Bắc Ninh. Có lời chào hỏi đánh tiếng xa, gần; mời trầu và lời mới ca ngợi Đảng, Bác Hồ, mừng đất nước đổi mới. Tôi đã dịch lại toàn bộ 5.000 bài hát ví từ chữ Hán cổ, với tổng số 20.000 câu hát vào sổ tay. Còn bà Nguyệt cho biết: Tôi sưu tầm chép lại được gần 7.000 bài hát, với gần 28.000 câu ví.

2 chị em người nghệ nhân hát Soọng cô Na Quán đã tâm huyết chép lại lời ca của dân tộc Sán Dìu vào từng cuốn sổ tay. Từng nét, từng từ nắn nót như sợ câu hát bị rơi vào lãng quên. Họ miệt mài soạn lời hát thành 2 thứ tiếng. Tiếng của dân tộc Sán Dìu và tiếng của dân tộc Kinh. Họ dạy cho con em mình ngôn ngữ mẹ đẻ từ tiếng dân tộc Kinh. Cách dạy song ngữ đã tạo được cho lớp trẻ tinh thần phấn chấn, hứng thú học nói, học hát và thấm hiểu hơn về nét đẹp văn hóa trong câu hát ví của dân tộc mình.

Phạm Ngọc Chuẩn

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/van-hoa/duyen-phan-voi-soong-co-270457-98.html