Ðể phát thanh thêm hấp dẫn
Nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống truyền thanh phường, xã, thị trấn là yêu cầu được đặt ra thường xuyên, liên tục. Phải làm gì để nội dung phát thanh ngày càng hấp dẫn? Hà Nội Ngày nay ghi lại một số ý kiến đề xuất từ cơ sở.
Ông Lê Khương Duy, cán bộ văn hóa xã Cổ Đô (huyện Ba Vì):
Cần đa dạng hóa hình thức thông tin, tuyên truyền
Đài Truyền thanh xã Cổ Đô trước năm 2010 là hệ thống truyền thanh có dây được lắp theo hệ thống lưới điện của địa phương. Qua nhiều năm vận hành, hệ thống đã xuống cấp nghiêm trọng. Năm 2010, theo chương trình xây dựng nông thôn mới, truyền thanh xã được làm mới với hệ thống không dây. Tuy nhiên, sau 10 năm sử dụng, hệ thống này cũng đã xuống cấp.
Nhận thấy sự bất cập này, cuối năm 2019, được sự quan tâm của UBND huyện Ba Vì, Đài Truyền thanh xã Cổ Đô được xây mới bằng hệ thống có dây và được bố trí theo từng cụm loa riêng để thuận tiện cho việc sửa chữa.
Qua đánh giá, hiện tại Đài truyền thanh xã đang hoạt động tốt, đảm bảo công tác tuyên truyền chủ chương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các nhiệm vụ của địa phương, có đóng góp quan trọng trong việc truyền tải thông tin đến với người dân, giúp người dân kịp thời nắm bắt được các hoạt động, sự kiện được triển khai tại địa phương nói riêng và của huyện, thành phố Hà Nội nói chung... Hiện tại, đài phát 2 buổi trong ngày từ thứ hai đến thứ sáu theo khung giờ: Sáng từ 5h45 phút đến 6h15 phút, chiều từ 17h đến 17h30 phút.
Để Đài truyền thanh xã hoạt động hiệu quả hơn, trong thời gian tới, tôi cho rằng cần tiếp tục đề cao vai trò hoạt động của Đài truyền thanh xã, có cơ chế, chính sách phù hợp đối với hoạt động của các Đài truyền thanh xã, có cơ chế đặc thù về đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ quản lý, vận hành Đài truyền thanh. Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền, thực hiện tốt công tác khen thưởng nhằm kịp thời động viên các cá nhân, mô hình hoạt động hiệu quả trong công tác quản lý, vận hành và tuyên truyền ở cơ sở...
Bà Trần Thị Nga - Chủ tịch UBND phường Kim Giang (quận Thanh Xuân):
Nên phát thanh vào thời gian hợp lý, nội dung ngắn gọn
Thực tế chứng minh rằng hệ thống phát thanh phường vẫn phát huy hiệu quả, đặc biệt là những lúc cần tuyên truyền, phổ biến thông tin rộng rãi đến từng người dân, nhất là như trong những ngày có dịch Covid-19. Nếu chỉ thực hiện việc phát tài liệu từ các cuộc họp hoặc đưa thông tin liên quan lên các trang mạng xã hội, thông tin sẽ không đến được với từng người dân một cách nhanh chóng và hiệu quả như khi thực hiện truyền tin qua hệ thống truyền thanh cơ sở.
Qua hệ thống phát thanh phường, những thông điệp xuyên suốt của Chính phủ, Thành phố Hà Nội và UBND quận lan tỏa đến từng người dân, từng hộ gia đình, góp phần nâng cao ý thức phòng, chống dịch trong toàn dân, từ đó huy động mọi người chung tay sớm khống chế đại dịch. Ở thời điểm dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, phường chỉ có 10 chiếc loa nên đã phải dùng thêm loa kéo để có thể tới từng ngõ ngách, phổ biến kiến thức phòng, chống dịch đến từng nhà. Hay như ở thời điểm hiện tại, truyền thanh phường là phương tiện rất hiệu quả trong việc đưa các thông tin liên quan đến cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp như việc lập danh sách cử tri, thời điểm niêm yết danh sách cử tri, thông báo ngày bầu cử...
Có thể thấy trong các hình thức tuyên truyền thì truyền thanh xã, phường, thị trấn vẫn là một trong số hình thức truyền tải thông tin sâu rộng đến nhân dân, giúp lượng lớn người dân kể cả ở khu vực nội và ngoại thành nắm bắt, cập nhật thông tin theo ngày, theo giờ. Chính vì thế, tại nhiều hội nghị, đã có nhiều ý kiến đề xuất thiết lập lại và hoàn chỉnh hệ thống phát thanh xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, để hệ thống loa phường hoạt động hiệu quả hơn, cần khắc phục những nhược điểm trước đây bằng cách phát tin vào khung giờ hợp lý với thời lượng ngắn gọn, thông tin chọn lọc hơn, âm thanh vừa đủ. Đặc biệt là cần tìm vị trí lắp loa phù hợp để âm thanh và tiếng ồn đỡ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Bà Nguyễn Việt Chinh, phát thanh viên Đài truyền thanh phường Vĩnh Phúc (quận Ba Đình):
Mong được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ
Tại phường Vĩnh Phúc, hệ thống truyền thanh phường được đưa vào hoạt động trở lại vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, góp phần quan trọng vào việc đưa thông tin đến với người dân một cách nhanh chóng, kịp thời. Khi trên địa bàn có địa điểm nằm trong lịch trình di chuyển của bệnh nhân Covid-19, phường lập tức thông báo trên hệ thống loa, qua đó, người dân biết được thông tin và khai báo y tế kịp thời, đồng thời phát huy hiệu quả chế độ giám sát trong nhân dân thông qua việc phát giác những người về từ vùng có dịch nhưng không khai báo.
Tuy nhiên, do số cụm loa được phép hoạt động trở lại chỉ bằng 1/5 so với thời điểm năm 2017 nên thông tin không thể “phủ kín” các địa bàn dân cư, tổ dân phố. Hiện nay, UBND quận Ba Đình đã yêu cầu các phường rà soát, báo cáo nhu cầu phát thanh để cho các cụm loa ở vị trí phù hợp hoạt động trở lại, đảm bảo trải đều các địa bàn, tổ dân phố. Hiện tại, phường tổ chức phát thanh 5 buổi/tuần, mỗi buổi từ 15 đến 20 phút, chủ yếu phục vụ tuyên truyền cho công tác bầu cử và các nhiệm vụ chính trị quan trọng khác.
Để phát huy hiệu quả hệ thống truyền thanh phường, theo tôi, cần có một người chuyên trách công tác phát thanh chứ như hiện tại nhiệm vụ của nhân sự tại các đài phường thường là kiêm nhiệm với mức phụ cấp thấp (khoảng 1 triệu đồng/tháng), trong khi đó, để chương trình phát thanh có chất lượng thì phải đầu tư xây dựng chương trình bài bản sao cho thông tin ngắn gọn, đầy đủ và gần gũi với người dân.
Thêm vào đó, giờ phát thanh thường vào các khung giờ không thuộc giờ hành chính nên những người thực hiện khá vất vả. Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả của hệ thống truyền thanh phường, cần đảm bảo bảo trì, bảo dưỡng để hệ thống loa hoạt động ổn định, đa đạng hóa nội dung và cách thức thể hiện chương trình phát thanh. Và quan trọng nhất là công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho người thực hiện cần được thực hiện bài bản. Có như thế thì hệ thống phát thanh mới phát huy được hết hiệu quả trong công tác tuyên truyền nói chung.