Ðể sản phẩm nông nghiệp địa phương trở thành quà tặng, lưu niệm
ĐBP - Thường thì đặt chân đến mỗi nơi xa, du khách đều có nhu cầu chọn mua những sản phẩm đặc trưng về làm kỷ niệm hoặc quà tặng cho người thân, bạn bè. Vì vậy việc phát triển dịch vụ du lịch gắn với các sản phẩm quà tặng, lưu niệm, nông sản, đặc sản địa phương luôn được coi trọng, vừa có lợi ích về kinh tế vừa góp phần lan tỏa hình ảnh địa phương đi xa hơn. Nhưng tại Ðiện Biên, việc gắn kết giữa 2 nội dung này vẫn chưa được khai thác hiệu quả.
Sản phẩm địa phương được trưng bày tại hội nghị điển hình tiên tiến huyện Nậm Pồ năm 2020. Ảnh: Đức Thành
Theo cách hiểu chung, sản phẩm lưu niệm và quà tặng du lịch đều là những sản phẩm hàng hóa mang đậm dấu ấn cuộc sống, đặc trưng cho điểm đến trong chuyến đi của khách du lịch. Dạo quanh các điểm di tích thường xuyên đón khách trên địa bàn tỉnh ta, thực sự sản phẩm quà tặng, lưu niệm bày bán phục vụ nhu cầu khách du lịch còn nghèo nàn, không đa dạng và chưa thực sự đặc trưng. Như tại Sở Chỉ huy chiến dịch Ðiện Biên Phủ chủ yếu là các gian hàng bày thuốc dân gian từ cây rừng; chân Di tích Ðồi A1 có trưng bày, giới thiệu một số mặt hàng quà tặng, lưu niệm nhưng rất ít và không có những sản phẩm nổi danh của địa phương. Khi đi du lịch, khách hay chọn mua quà tặng, đặc sản ngay tại các điểm mà mình đến tham quan. Trên địa bàn thành phố cũng có những điểm trưng bày, bán đa dạng các loại sản phẩm văn hóa, nông nghiệp của tỉnh nhà hoặc giới thiệu chuyên một sản phẩm đặc trưng nhưng không có nhiều du khách có thời gian để tìm kiếm. Trong khi đó, Ðiện Biên có rất nhiều đặc sản có chất lượng tốt, được đánh giá cao, đã khẳng định được thương hiệu như: Gạo, mật ong, chè Tủa Chùa, cà phê Mường Ảng, thổ cẩm dân tộc Lào, thổ cẩm dân tộc Thái... Tuy nhiên hầu hết các sản phẩm này chưa được khách du lịch biết đến, tìm mua có lẽ bởi khâu kết nối trong tiêu thụ sản phẩm với ngành Du lịch chưa được đánh giá đúng tầm.
Công ty TNHH Safe Green có sản phẩm gạo Nàng Hiên được công nhận sản phẩm OCOP của tỉnh năm 2019. Ðể đa dạng sản phẩm, dễ vận chuyển và dễ giới thiệu đến bạn bè gần xa, Công ty có nhiều cách đóng gói gạo khác nhau, đặc biệt có sản phẩm đóng hộp vuông vức với trọng lượng 1kg gạo/hộp. Xét về khía cạnh quà tặng, sản phẩm này đạt mọi tiêu chí gọn nhẹ, đẹp mắt, sang trọng, lại có chất lượng cao, chuẩn gạo Ðiện Biên - đặc sản nổi tiếng từ lâu. Tuy nhiên bà Hoàng Thị Hiên, Giám đốc Công ty TNHH Safe Green cho biết: Lâu nay, Công ty tập trung tìm đầu ra cho sản phẩm ở các tỉnh miền xuôi, còn bỏ ngỏ thị trường nội tỉnh. Chỉ có một số hội thảo, sự kiện của các cơ quan, đơn vị tự tìm đến đặt hộp gạo làm quà tặng cho đại biểu. Công ty vẫn chưa có hoạt động gì kết nối với các công ty du lịch hay các điểm du lịch. Việc này sẽ được Công ty quan tâm vào thời gian tới.
Mật ong tự nhiên Ðiện Biên cũng là một trong những sản phẩm chất lượng, được đánh giá cao và xuất bán nhiều nơi nhưng khi khách đến du lịch thì không biết tìm mua ở đâu đảm bảo, uy tín, được kiểm định, chứng nhận. Ðây cũng là trăn trở của Hợp tác xã Ong mật Ðiện Biên (xã Núa Ngam, huyện Ðiện Biên). Hợp tác xã có 2 sản phẩm được chấm điểm cao nhất trong chương trình OCOP 2019 là mật ong hoa ban và mật ong bánh tổ nhưng vẫn đang trong thời gian loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm. Từ khi xây dựng sản phẩm, việc tiêu thụ, đặc biệt tiêu thụ trong tỉnh còn chậm, gặp nhiều khó khăn, chưa kết nối gửi được ở nhiều quầy hàng du lịch. Một vài nơi gửi thì cũng không bán được là bao.
Những năm qua, trong những chuyến đi xúc tiến du lịch, Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cũng thường mời các đơn vị có sản phẩm đặc trưng tham gia hoặc ký gửi sản phẩm mang đi giới thiệu. Qua đó góp phần để thêm nhiều người biết đến các sản phẩm văn hóa, nông nghiệp, đặc sản Ðiện Biên nhưng mới kết nối tiêu thụ ngoại tỉnh là chủ yếu chứ cũng chưa đi sâu vào mảng quà tặng, lưu niệm du lịch nội tỉnh. Kỳ vọng hiện tại đang được đặt vào công trình Trung tâm Giao lưu văn hóa và Xúc tiến du lịch (bên cạnh Di tích Hầm Ðờ - cát) đang được xây dựng, dự kiến hoàn thành trong năm. Một trong những mục đích của công trình là trở thành nơi trưng bày giới thiệu sản phẩm du lịch, các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc tỉnh Ðiện Biên. Thông tin từ Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch cho biết: Ðơn vị đã phối hợp với Văn phòng Ðiều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh để mời các chủ thể sản phẩm OCOP tham gia, đưa sản phẩm đến trưng bày, giới thiệu sau khi công trình hoàn thành, đi vào hoạt động, nhằm tạo không gian sản phẩm quà tặng, đặc sản địa phương đa dạng, phong phú, chất lượng phục vụ du khách.
Ðể các sản phẩm đặc trưng của Ðiện Biên có thể trở thành sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch thì các chủ thể sản phẩm, công ty du lịch cùng cơ quan quản lý cần ngồi lại với nhau, bàn bạc, chia sẻ, phối hợp chặt chẽ hơn. Mong cho trong những năm tới, chỉ cần nhìn qua một món quà đặc trưng nào đó, người ta sẽ dễ dàng nhận ra sản phẩm đó đến từ mảnh đất Ðiện Biên.