Ecuador: Bạo lực băng đảng leo thang khiến nhiều người rời bỏ đất nước
Quá mệt mỏi với nạn bạo lực băng đảng leo thang, hàng nghìn người Ecuador đang tìm cách di cư để thoát khỏi nguy cơ trở thành nạn nhân của những vụ giết người.
Khi Thị trưởng cũng phải trốn chạy
Vào ngày đầu tiên làm thị trưởng, Luis Chonillo cho biết, ông đã phải chạy trốn khỏi những kẻ sát thủ.
Chonillo đang trên đường đến cuộc họp Hội đồng thành phố đầu tiên với tư cách là Thị trưởng của Durán, một thành phố nhỏ nhưng đầy rẫy băng đảng, nằm ngay kế bên Guayaquil, thủ phủ của tỉnh duyên hải Guayas (Ecuador).
Đột nhiên, các tay súng bịt mặt xuất hiện. Chúng nã đạn như mưa vào xe chở Chonillo và bắn chết hai cảnh sát bảo vệ. Tài xế của ông, trong cơn hoảng loạn, đâm vào một chiếc xe tải. Lao khỏi ô tô, viên thị trưởng chạy xuống một con đường đất, trốn thoát vào nhà một người dân.
“Chúa đã cho tôi một cơ hội khác,” Chonillo kể lại vụ chết hụt khiến ông cùng gia đình phải chạy trốn đến một quốc gia không được tiết lộ. “Với cách bọn chúng phục kích chúng tôi, lẽ ra tôi đã không thể sống sót”.
Từng là một trong những quốc gia an toàn nhất ở Mỹ Latin, nay Ecuador trở thành một trong những quốc gia nguy hiểm nhất khu vực. Theo Bộ Nội vụ Ecuador, các vụ giết người ở nước này đã tăng gấp 4 lần kể từ năm 2019, đạt mức kỷ lục 4.800 vụ vào năm ngoái và thúc đẩy làn sóng di cư của người dân, chủ yếu đến Mỹ.
Cơ quan Tuần tra Biên giới Mỹ cho biết, kể từ tháng 10/2022, thời điểm bắt đầu năm tài chính 2023, đến nay có khoảng 68.000 người Ecuador đã đến biên giới phía nam của Mỹ, tăng gấp hơn 10 lần so với con số 5.727 người trong giai đoạn đầu năm.
Bạo lực băng đảng đã gia tăng đáng kể từ năm 2020 và những khó khăn kinh tế do đại dịch COVID-19 là nguyên nhân chính cho làn sóng di cư ấy. Billy Navarrete, giám đốc Ủy ban Bảo vệ Nhân quyền có trụ sở tại Guayaquil, cho biết: “Mọi người đang tìm cách rời đi vì họ không thấy bất kỳ khả năng nào để cải thiện tình hình.
Nỗi sợ hãi lan tràn
Vụ tàn sát ở Guayaquil, thành phố có 3 triệu dân, nơi các băng đảng tranh giành quyền kiểm soát các tuyến đường vận chuyển ma túy đến khắp Ecuador, giống như những cảnh trong cuộc chiến tranh ma túy ở miền bắc Mexico.
Những kẻ ám sát bắn chết các công tố viên và nhân viên thực thi pháp luật. Thi thể nạn nhân bị treo trên cầu, trong khi các băng nhóm ưa thích thủ đoạn kích nổ bom xe và tuyển dụng trẻ em làm sát thủ.
Nhiều phương tiện truyền thông địa phương nói rằng những lời đe dọa giết người đã khiến họ phải ngừng xuất bản tên của các phóng viên viết về tội phạm. Gần đây các binh sĩ đã phải đứng gác bên ngoài các trường học ở Duran sau khi một băng nhóm đe dọa giết học sinh.
Tại thành phố biển Esmeraldas hồi tháng 4 vừa qua, những tay súng đeo mặt nạ đã vãi đạn vào một cảng cá, khiến 9 người thiệt mạng. Vụ thảm sát xảy ra khi các băng đảng muốn kiểm soát kho bãi ở cảng cá này, qua đó sử dụng làm cơ sở cất giấu cocaine.
Ở Guayaquil, các vụ giết người đã tăng khoảng 65% trong 5 tháng đầu năm 2023 so với một năm trước đó, khiến nơi đây trở thành một trong những thành phố bạo lực nhất thế giới. Guayaquil đang trên đà vượt Juarez (Mexico) và Port-au-Prince (Haiti) về tỷ lệ giết người, theo đánh giá của Hội đồng Công dân về An ninh Công cộng và Tư pháp Hình sự - một tổ chức Mexico chuyên theo dõi các thành phố nguy hiểm nhất thế giới.
“Chúng tôi chưa bao giờ trải qua những gì đang xảy ra lúc này”, Jorge Wated, một doanh nhân từng lãnh đạo lực lượng chuyên trách của chính phủ Ecuador thu thập các thi thể trong đại dịch COVID-19, nói. Ông cho biết số người chết bởi bạo lực băng đảng “cũng nhiều như đang có một đại dịch khác vậy”.
Không chỉ trên đường phố, các nhà tù ở Ecuador cũng bị các băng đảng biến thành nơi giết chóc. Tù nhân chém đối thủ của họ thành nhiều mảnh trong các cuộc bạo loạn kéo dài hàng giờ. Theo ghi nhận của Ủy ban Bảo vệ Nhân quyền Ecuador, 430 tù nhân đã chết trong các vụ thảm sát vào năm 2021 và 2022.
Một cựu lính canh 23 tuổi tại nhà tù Litoral ở Guayaquil nói với Wall Street Journal trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại rằng anh vẫn ám ảnh việc phải thu dọn tay chân của các nạn nhân. Hằng đêm, anh thường xuyên thức dậy với mồ hôi đầm đìa vì ác mộng. Các băng đảng trong tù thậm chí yêu cầu anh làm việc cho chúng. Anh không dám từ chối sau khi nhận được tin nhắn đe dọa với hình ảnh của bạn gái mình.
Vào tháng 10, người lính canh ấy đã trốn khỏi Ecuador để đến Mỹ, sau khi bị một băng đảng khác trong tù đe dọa lấy mạng. “Chúng nói với tôi rằng chúng sẽ giết tôi và cả gia đình tôi,” anh kể lại. “Và chắc chắn chúng sẽ làm như thế”.
Cocaine làm thay đổi tất cả
Trong nhiều năm, Ecuador dường như được một phép màu bảo vệ. Bạo lực từ việc buôn bán ma túy hiếm khi tràn vào Ecuador mặc dù quốc gia này nằm giữa hai nhà sản xuất cocaine hàng đầu thế giới là Colombia và Peru.
Nhưng sau khi Colombia cấm dùng máy bay phun thuốc để diệt trừ cây coca vào năm 2015, sản xuất cocaine ở quốc gia này tăng vọt. Một phần lớn lượng ma túy khổng lồ được sản xuất tại Colombia đi qua Ecuador do công tác quản lý biên giới lỏng lẻo và hải quan tại các cửa khẩu yếu kém.
Antoine Vella, một chuyên gia về buôn bán cocaine tại Văn phòng Liên hợp quốc về ma túy và tội phạm, cho biết: “Hiện tại, rủi ro đã trở nên quá cao vì có quá nhiều cocaine chảy ra khỏi Colombia qua ngả Ecuador”.
Theo các quan chức thực thi pháp luật Ecuador, nước này vì thế trở thành địa bàn tập kết “hàng trắng” của mafia Mexico và mafia Albania. Các băng đảng Mexico chủ yếu vận chuyển cocaine đến Mỹ, trong khi những nhóm “giang hồ” Albania điều phối các chuyến hàng từ Ecuador đến châu Âu.
Bạo lực băng đảng ở Ecuador bùng phát mạnh kể từ khi thủ lĩnh quyền lực của Choneros, một băng mafia có liên hệ với tổ chức tội phạm khét tiếng Sinaloa của Mexico, bị giết vào tháng 12/2020, khiến băng nhóm này tan rã. Các băng đảng nhỏ hơn từng là một phần của Choneros - chẳng hạn như Wolves, Chone Killers và Los Tiguerones, bắt đầu chiến đấu để giành địa bàn.
Mario Pazmino, cựu giám đốc tình báo quân đội Ecuador, cho biết những tập đoàn tội phạm Mexico đã khuyến khích sự phân mảnh băng đảng tại Ecuador. Ông Pazmino giải thích: “Sinaloa và đối thủ của tổ chức này, Jalisco gây áp lực buộc các băng đảng ở Ecuador phải độc lập và hợp tác với chúng. Điều này cho phép chúng thu nhận và lợi dụng được nhiều băng đảng địa phương hơn”.
Max Campos, cựu Thứ trưởng Nội vụ trong chính quyền của Lasso, cho biết các băng đảng cũng làm hỏng cơ quan thực thi pháp luật. Minh chứng là vụ một nhóm cảnh sát giao thông ở thành phố ven biển Manta đã bị giết từng người một sau khi họ tịch thu rồi biển thủ 7 triệu USD từ một tay trùm ma túy khi tuần tra giao thông.
Năm ngoái, cảnh sát đầu tiên đã bị bắn vào đầu khi đang chơi bóng đá. Những kẻ ám sát đã bắn một cảnh sát khác khi anh ta đang lái xe, và người thứ ba được tìm thấy đã chết dưới gầm cầu với những vết đâm. Người thứ tư bị bắn hạ khi đang lau xe.
Sĩ quan thứ năm đã bị giết vào tháng 5 vừa qua ở Guayaquil, nơi anh ta chọn làm địa điểm lánh nạn. Hai ngày sau, các tay súng rải đạn vào đám tang của viên cảnh sát này, giết chết thêm 4 người và làm bị thương khoảng 16 người khác.
“Thật kinh khủng”, thị trưởng của Manta, Agustin Intriago, nói vào ngày hôm đó. “Những gì đã xảy ra ở Manta ngày hôm nay không chỉ là một vụ trả thù cá nhân”.
Áp lực lên cao, niềm tin xuống đáy
Tình trạng vô luật pháp trên đường phố đã gây ra phản ứng dữ dội của công chúng nhằm vào chính phủ Tổng thống Guillermo Lasso. Trong bối cảnh đang sa lầy trong cuộc khủng hoảng chính trị sau khi đã giải tán Quốc hội và kêu gọi tổ chức bầu cử nhanh vào cuối năm nay, ông Lasso càng chịu thêm áp lực vì tình trạng bạo loạn băng đảng tràn lan.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với The Wall Street Journal, Tổng thống Lasso cho biết chính phủ Ecuador đang tăng cường trấn áp, với số vụ bắt giữ ma túy tăng gấp 5 lần, đồng thời phân loại bạo lực băng đảng là hành động chiến tranh chống lại nhà nước do các nhóm khủng bố gây ra.
“Chính phủ đang phản ứng mạnh mẽ”, ông Guillermo Lasso nói. “Những kẻ thực hiện các hành động khủng bố này giờ đây đã trở thành mục tiêu quân sự. Với nỗ lực của các lực lượng an ninh quốc gia, chúng sẽ bị tiêu diệt.” Bên cạnh đó, Tổng thống Lasso hồi tháng 4 đã ký sắc lệnh cho phép dân thường mang súng để tự vệ, khiến người dân Ecuador đổ xô đi mua súng và học cách sử dụng.
Cộng đồng quốc tế cũng nỗ lực hỗ trợ Ecuador để ngăn chặn nơi đây trở thành cửa khẩu ma túy mới ở Nam Mỹ. Một quan chức Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Quito cho biết, nước này đang hỗ trợ Ecuador trong cuộc chiến chống lại những kẻ buôn bán ma túy, bao gồm giúp thành lập một tòa án mới ở Quito để xử lý các vụ án tội phạm có tổ chức và đào tạo các đơn vị chống ma túy chuyên biệt.
Nhưng đối với người dân địa phương, thành công của những kế hoạch này có vẻ rất xa vời. “Tình hình vẫn cứ xấu đi”, Miguel Mero, một tài xế taxi, bi quan nói, đồng thời cho biết mới đây anh vẫn thấy hai xác chết treo cổ trên cầu dành cho người đi bộ ở Duran, nơi đám thanh niên xăm trổ công khai hít ma túy rẻ tiền trên phố.
Mero tiết lộ thêm, một băng đảng đã đề nghị tặng anh chiếc ô tô mới để đổi lấy việc vận chuyển cocaine. Một băng khác muốn sử dụng một mảnh đất mà anh sở hữu để cất giấu ma túy. “Nhưng tôi luôn nói không, dù biết cũng sẽ gặp nguy hiểm khi làm thế” - anh kể lại. “Một khi đã dính vào chúng thì bạn không thể thoát ra được. Nếu bạn muốn rút lui, điều đầu tiên chúng làm là giết một thành viên trong gia đình: vợ, con, anh em và cha mẹ của bạn”.