Elon Musk: Gã tỷ phú nghiện rủi ro và những mục tiêu điên rồ
Trong cuốn tiểu sử, Walter Isaacson đã hé lộ quá trình lách luật khó tin đằng sau thành công không tưởng của Elon Musk: sản xuất 5.000 chiếc Model S mỗi tuần.
Trong quá trình thúc đẩy tăng cường sản xuất tại nhà máy pin Nevada, Musk đã rút ra được rằng có một số nhiệm vụ nhất định, đôi khi rất đơn giản, mà con người có thể làm tốt hơn robot. Chúng ta có thể sử dụng mắt để quan sát xung quanh căn phòng và tìm đúng công cụ mình cần. Sau đó, chúng ta đi tới, nâng nó lên bằng các ngón tay, tìm đúng vị trí sử dụng và dùng cánh tay hướng dẫn nó đến đó. Rất dễ dàng đúng không? Nhưng đối với robot thì không, dù camera của nó có tốt đến đâu.
Tại Fremont, nơi mỗi dây chuyền lắp ráp có 1.200 thiết bị robot, Musk đã nhận ra điều tương tự như anh đã nhận thấy ở Nevada về mối nguy hiểm của việc theo đuổi tự động hóa không ngừng nghỉ…
Sau khi loại bỏ tự động hóa và các cải tiến khác, nhà máy Fremont đã sản xuất được 3.500 chiếc sedan Model 3 mỗi tuần vào cuối tháng 5 năm 2018. Con số đó thật ấn tượng, nhưng vẫn kém xa so với con số 5.000 chiếc mỗi tuần mà Musk đã hứa sẽ đạt được vào cuối tháng 6.
Những người bán khống, cùng các gián điệp và máy bay không người lái của họ, khẳng định rằng một nhà máy với hai dây chuyền lắp ráp như vậy không đời nào đạt được con số đó. Họ cũng biết rằng Tesla không có cách nào để xây dựng thêm một nhà máy nữa hoặc xin được giấy phép để làm điều đó trong ít nhất một năm. “Những người bán khống nghĩ rằng họ có thông tin hoàn hảo”, Musk nói, “và tất cả họ đều hả hê trên mạng rằng, ‘Haha, Tesla tiêu rồi’”.
“Cái lều” và quá trình lách luật khó tin của Musk
Musk thích lịch sử quân sự, đặc biệt là những câu chuyện về quá trình phát triển máy bay chiến đấu. Tại cuộc họp ở nhà máy Fremont ngày 22 tháng 5, anh đã kể lại một câu chuyện về Thế chiến II. Khi chính phủ cần gấp rút chế tạo máy bay ném bom, họ đã thiết lập dây chuyền sản xuất tại bãi đậu xe của các công ty hàng không vũ trụ ở California. Anh đã thảo luận ý tưởng này với Jerome Guillen, người mà anh sẽ sớm đề bạt làm chủ tịch mảng ôtô của Tesla, và họ quyết định rằng họ có thể làm điều gì đó tương tự.
Có một điều khoản trong bộ luật phân vùng Fremont dành cho cái gọi là “cơ sở sửa chữa phương tiện tạm thời”. Nó cho phép các trạm xăng dựng lều để họ có thể thay lốp hoặc bộ giảm thanh. Nhưng nó không quy định kích thước tối đa. “Hãy lấy một trong những giấy phép đó và bắt đầu dựng một chiếc lều khổng lồ”, anh bảo Guillen. “Chúng ta sẽ nộp phạt sau”.
Chiều hôm đó, các công nhân Tesla bắt đầu dọn dẹp đống đổ nát bao phủ một bãi đậu xe cũ phía sau nhà máy. Không có thời gian để lát lại phần bê tông bị nứt nên họ chỉ lát một dải dài và bắt đầu dựng lều xung quanh nó.
Một trong những nhà xây dựng cơ sở át chủ bài của Musk, Rodney Westmoreland, đã bay đến để điều phối việc xây dựng, và Teller đã gom một số xe tải kem đến để phân phát đồ ăn vặt cho những người làm việc dưới trời nắng nóng. Trong hai tuần, họ đã hoàn thành một công xưởng dạng lều dài 305 m và rộng 46 m, đủ lớn để chứa một dây chuyền lắp ráp tạm thời. Thay vì robot, mỗi trạm đều có nhân công con người đảm nhiệm công việc.
Vấn đề là họ không có băng chuyền để di chuyển những chiếc xe chưa hoàn thiện qua lều. Tất cả những gì họ có là một hệ thống cũ dành cho các bộ phận chuyển động, nhưng nó không đủ mạnh để di chuyển thân xe. Musk nói: “Chúng tôi đã đặt nó trên một con dốc nhỏ và trọng lực có đủ sức mạnh để di chuyển những chiếc ôtô với tốc độ phù hợp”.
4 giờ chiều ngày 16 tháng 6, chỉ ba tuần sau khi Musk nảy ra ý tưởng, dây chuyền lắp ráp mới đã đưa những chiếc sedan Model 3 ra khỏi chiếc lều tạm bợ. Neal Boudette của tờ New York Times đã đến Fremont để đưa tin về hoạt động của Musk và anh ấy đã tận mắt nhìn thấy chiếc lều đang dựng lên ở bãi đậu xe. “Nếu lối suy nghĩ thông thường khiến sứ mệnh của bạn trở nên bất khả thi, thì bạn cần suy nghĩ khác biệt”, Musk tuyên bố.
Tiệc mừng sinh nhật
Sinh nhật lần thứ 47 của Musk, ngày 28 tháng 6 năm 2018, đến ngay trước thời hạn mà anh đã hứa sẽ đạt được sản lượng 5.000 ôtô mỗi tuần. Anh dành phần lớn thời gian trong ngày ở xưởng sơn của nhà máy chính. Tại sao nó chững lại? Anh sẽ hỏi như vậy mỗi khi dây chuyền chậm lại, sau đó sẽ đi đến điểm tắc nghẽn, rồi đứng đó cho đến khi các kỹ sư đến và khắc phục tình trạng này.
12 tiếng sau, vừa qua 2 giờ 30 phút sáng, Musk cuối cùng cũng rời khỏi nhà máy và quay trở lại phòng họp. Nhưng phải mất một giờ nữa anh mới ngủ được ở đó. Anh đã theo dõi cuộc phóng tên lửa SpaceX tại Cape Canaveral trên một trong những màn hình của phòng họp. Nó mang theo một trợ lý robot cùng với các vật dụng bao gồm 60 gói cà phê Death Wish siêu caffein dành cho các phi hành gia trên Trạm Vũ trụ Quốc tế. Lần phóng này đã diễn ra hoàn hảo, đánh dấu lần thành công thứ 15 của sứ mệnh vận chuyển hàng hóa mà SpaceX thực hiện cho NASA.
Ngày 30 tháng 6, hạn chót cho lời hứa 5.000 ôtô mỗi tuần, là thứ bảy; khi Musk thức dậy trên ghế dài trong phòng họp vào buổi sáng hôm đó và nhìn vào màn hình, anh nhận ra rằng họ sẽ thành công. Anh làm việc trong dây chuyền sơn vài giờ, sau đó vội vã rời khỏi nhà máy, vẫn mặc áo bảo hộ, lên máy bay để kịp đến Tây Ban Nha làm phù rể trong đám cưới của Kimbal ở một ngôi làng Trung cổ tại Catalonia.
Vào 1 giờ 53 phút sáng chủ nhật, ngày 1 tháng 7, một chiếc Model 3 màu đen đã được đưa ra khỏi nhà máy với biểu ngữ giấy trên kính chắn gió ghi “chiếc thứ 5.000”. Khi Musk nhận được bức ảnh chụp nó trên iPhone của mình, anh đã gửi một tin nhắn tới tất cả công nhân Tesla: “Chúng ta đã làm được rồi!!... Tạo ra những giải pháp hoàn toàn mới mà người ta cho là không thể. Căng thẳng trong những căn lều. Dù có thế nào thì nó cũng đã thành công… Tôi nghĩ chúng ta vừa trở thành một công ty ôtô thực sự”.