Elon Musk hé lộ hồ sơ Twitter, cựu CEO thừa nhận khiến công ty làm điều sai trái với internet
Jack Dorsey áy náy về những gì được tiết lộ trong Twitter Files (hồ sơ Twitter) và nói rằng dưới sự lãnh đạo của mình, ông đã dẫn dắt nền tảng truyền thông xã hội này làm 'điều sai trái với internet và xã hội'.
Bài đăng đầu tiên phác thảo suy nghĩ của Jack Dorsey (đồng sáng lập và cựu Giám đốc điều hành Twitter) về các nguyên tắc mạng xã hội mà ông tin tưởng. Cụ thể như sau:
(1) Các nền tảng xã hội đó phải kiên cường trước sự kiểm soát của chính phủ và doanh nghiệp.
(2) Chỉ tác giả ban đầu mới có thể xóa nội dung do họ sản xuất.
(3) Sự kiểm duyệt được triển khai tốt nhất bằng lựa chọn thuật toán.
Twitter khi tôi lãnh đạo nó và Twitter ngày nay không đáp ứng bất kỳ nguyên tắc nào trong số này. Đây là lỗi của một mình tôi.
Jack Dorsey nói rằng ông "đã từ bỏ việc thúc đẩy các nguyên tắc khi một nhà hoạt động giấu tên mua cổ phần Twitter vào năm 2020".
Năm đó, tờ The New York Times đưa tin quỹ phòng hộ của nhà hoạt động Elliott Management đã mua lại 1 tỉ USD cổ phần của Twitter và kêu gọi lật đổ Jack Dorsey. Song chưa rõ liệu Jack Dorsey có đề cập đến Elliott Management trong bài đăng của mình hay không.
Jack Dorsey tin rằng các công ty truyền thông xã hội đã tích lũy quá nhiều quyền lực và việc Twitter quyết định cấm tài khoản cựu Tổng thống Donald Trump dưới sự lãnh đạo của chính ông là bằng chứng cho thấy quyền lực đó đã đạt đến mức cực đoan.
“Như tôi đã nói trước đây, chúng tôi đã làm điều đúng đắn với hoạt động kinh doanh của công ty đại chúng vào thời điểm đó, nhưng lại là điều sai lầm với internet và xã hội”, Jack Dorsey viết.
Twitter Files đã cung cấp một số thông tin chi tiết về các hoạt động kiểm duyệt nội dung của gã khổng lồ truyền thông xã hội dưới sự lãnh đạo của Jack Dorsey, được tiết lộ qua email và tài liệu nội bộ do Elon Musk cung cấp cho các nhà báo độc lập như Matt Taibbi, Bari Weiss.
Có trong Twitter Files là các cuộc tranh luận giữa các nhân viên về việc có nên cấm ông Trump vì kích động bạo lực sau khi người ủng hộ cựu Tổng thống Mỹ tấn công vào Điện Capitol vào ngày 6.1.2021 hay không.
Theo Twitter Files, nền tảng này đã hạn chế phạm vi tiếp cận câu chuyện về máy tính xách tay của Hunter Biden (con trai ông Biden) do tờ New York Post đăng tải.
Twitter Files hé lộ công ty chấp nhận yêu cầu từ cả chiến dịch Biden và chính quyền Trump để xóa nội dung khỏi nền tảng.
Phần đầu tiên của Twitter Files tuyên bố rằng "các nhóm nhân viên của Twitter xây dựng danh sách đen, ngăn chặn các tweet không được yêu thích xuất hiện trên xu hướng và chủ động hạn chế khả năng hiển thị của toàn bộ tài khoản hoặc thậm chí các chủ đề theo xu hướng, tất cả đều trong bí mật mà không thông báo cho người dùng".
Các tài khoản Twitter bị cấm bí mật (hạn chế phân phối và đề xuất các tweet) có người dẫn chương trình trò chuyện cánh hữu Dan Bongino, tiến sĩ Jay Bhattacharya (giáo sư Đại học Stanford), nhà hoạt động bảo thủ Charlie Kirk (điều hành tài khoản Libsoftiktok).
Elon Musk muốn chỉ ra rằng những người tiền nhiệm của ông tại Twitter đã tham gia kiểm duyệt nội dung.
Phần thứ 4 của Twitter Files nêu bật sự hỗn loạn trong công ty truyền thông xã hội sau cuộc bạo loạn ở Điện Capitol hôm 6.1.2021. Theo đó, Jack Dorsey đi nghỉ ở Polynesia thuộc Pháp khi ông Trump bị đình chỉ tài khoản.
Jack Dorsey đã giao phần lớn trách nhiệm xử lý các tình huống cho Yoel Roth (cựu giám đốc phụ trách an toàn và tin cậy của Twitter) và Vijaya Gadde (cựu giám đốc pháp chế của Twitter).
Dù một số nội dung có trong Twitter Files hé lộ chi tiết bổ sung và thảo luận nội bộ về các hoạt động kiểm duyệt nội dung của nền tảng, nhiều quyết định chính sách xung quanh lệnh cấm ông Trump và lý do đằng sau chúng từng đã được báo cáo hoặc thừa nhận trong tuyên bố của Jack Dorsey trước Thượng viện hoặc lời khai tại Quốc hội sau ngày 6.1.2021.
Phản ứng dữ dội về nội dung do Twitter Files tiết lộ đã dẫn đến việc gia tăng các mối đe dọa với Yoel Roth.
Trong một loạt các tweet, Elon Musk đã thêm vào những lời chỉ trích với Yoel Roth, đăng đoạn trích của một bài báo được viết bởi Jack Dorsey, trong đó ông dường như ủng hộ một phiên bản Grindr thân thiện với thanh thiếu niên dành cho những người đồng tính trẻ tuổi và đồng ý với các tweet gọi Yoel Roth là "kẻ đáng sợ".
Những mối đe dọa đã trở nên tồi tệ đến mức Yoel Roth buộc phải rời khỏi nhà vì lo sợ cho sự an toàn của mình.
"Các cuộc tấn công hiện tại nhằm vào các đồng nghiệp cũ của tôi có thể nguy hiểm và không giải quyết được gì. Nếu bạn muốn đổ lỗi, hãy hướng nó vào tôi và hành động của tôi, hoặc sự thiếu sót của tôi", Jack Dorsey tuyên bố.
Những tháng gần đây, Jack Dorsey đã gửi lời xin lỗi sau khi Elon Musk sa thải một nửa nhân viên Twitter vì đã phát triển "quy mô công ty quá nhanh", thừa nhận việc đóng cửa nền tảng video clip ngắn Vine là hối tiếc lớn nhất của ông và đồng ý với quyết định của Giám đốc điều hành Tesla về việc đảo ngược lệnh cấm ông Trump.
Hồi tháng 4, Jack Dorsey nói rằng ông có một phần lỗi vì thực sự gây tổn hại cho internet.
Lời xin lỗi mới nhất của Jack Dorsey trái ngược với tuyên bố ban đầu khi Twitter cấm tài khoản Trump, nói rằng đó là "quyết định đúng đắn" và lời khai trước Quốc hội năm 2021 của ông, trong đó thừa nhận một số trách nhiệm với thông tin sai lệch lan truyền trên Twitter góp phần vào cuộc tấn công vào Điện Capitol ngày 6.1.2021 nhưng nói "hệ sinh thái rộng lớn hơn" phải được xem xét, không chỉ Twitter.
Theo J.M. Berger, nhà nghiên cứu về chủ nghĩa cực đoan trên mạng xã hội như Twitter, khi Jack Dorsey đồng sáng lập Twitter vào năm 2006 thì cách tiếp cận kiểm duyệt nội dung của ông được coi là ủng hộ tự do ngôn luận và công ty đã bị lôi kéo vào việc kiểm duyệt nội dung.
J.M. Berger nói với trang Insider: “Vì quan điểm cá nhân Jack Dorsey về quyền tự do ngôn luận và bất kể sự thông cảm nào của ông về mặt ý thức hệ, Twitter đã phải bị kéo vào thời đại kiểm duyệt nội dung. Twitter thực sự là nền tảng cuối cùng trong số ba nền tảng lớn thực hiện bất kỳ hình thức kiểm duyệt mạnh mẽ nào".
Những sai sót trong các quyết định gây tranh cãi mà Jack Dorsey đưa ra khi cố gắng kiểm duyệt nội dung Twitter, chẳng hạn như cấm tài khoản ông Trump hoặc kiểm duyệt câu chuyện về máy tính xách tay của Hunter Biden, đã khiến các nhà phê bình, bao gồm cả Elon Musk, phẫn nộ.
Kể từ khi mua lại Twitter với giá 44 tỉ USD hôm 28.10 và trích dẫn những sai sót của Jack Dorsey, Elon Musk đã thực hiện một cách tiếp cận nghiêm ngặt hơn với "chủ nghĩa chuyên chế tự do ngôn luận" và giảm bớt việc kiểm duyệt nội dung trên nền tảng.
"Cách kiểm duyệt nội dung của Twitter đã thay đổi kể từ khi Elon Musk tiếp quản công ty và chắc chắn nghiêng về phe cực hữu", J.M. Berger nhận định, đồng thời nói thêm rằng ông tin tỷ phú 51 tuổi người Mỹ đang "cố ý trao quyền cho những kẻ cực đoan cánh hữu".
Jack Dorsey, Elon Musk và đại diện Twitter đã không trả lời ngay lập tức câu hỏi của Insider về vấn đề trên.