Elon Musk quyền lực 'vô tiền khoáng hậu'

Tỷ phú Elon Musk đã thị phạm quyền lực mạnh mẽ khi tạo ra nhiều biến động lớn trong các cơ quan liên bang.

 Các quan chức Nhà Trắng từ chối cho biết liệu Elon Musk có được miễn trừ lệnh cấm xung đột lợi ích hay không. Ảnh: New York Times.

Các quan chức Nhà Trắng từ chối cho biết liệu Elon Musk có được miễn trừ lệnh cấm xung đột lợi ích hay không. Ảnh: New York Times.

Trong hai tuần đầu tiên làm việc cho chính phủ, tỷ phú Elon Musk và đội ngũ của ông đã có lúc tiếp cận được các dữ liệu mật trong hệ thống của Bộ Tài chính, loại bỏ các công chức liên bang ngáng đường và thậm chí là đóng cửa Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID).

Được ủng hộ và trao quyền bởi Tổng thống Donald Trump, tỷ phú Musk đã khởi động cuộc chiến chống lại bộ máy quan liêu trong chính quyền liên bang, được cho là đã, đang và sẽ để lại những hệ quả sâu rộng.

Quyền lực "vô tiền khoáng hậu"

Các động thái nhanh chóng và dứt khoát của ông Musk được cho là đã thị phạm quyền lực hiếm thấy ở cấp độ cá nhân, tờ New York Times nhận định.

Tốc độ và quy mô mà chiến dịch cải tổ do ông Musk triển khai đã khiến nhiều công chức liên bang choáng váng. Họ phải liên tục trao đổi thông tin để bắt kịp tình hình.

Các nhân viên cấp cao của Nhà Trắng đôi khi cũng cảm thấy họ không bắt kịp những diễn biến mới, New York Times dẫn lời hai quan chức giấu tên cho biết.

Một quan chức trong chính quyền Tổng thống Trump thậm chí nói rằng tỷ phú Musk có quyền hạn hoạt động ở mức hầu như không ai có thể kiểm soát.

Tỷ phú Musk, lãnh đạo của Tesla, SpaceX và X, đang làm việc với năng lượng dồn dập và đều đặn, điều mà các nhân viên của ông vốn đã quen thuộc.

Tỷ phú gốc Nam Phi đã chuyển một số giường vào văn phòng nhân sự liên bang nằm gần Nhà Trắng để bản thân và các nhân viên của ông có thể ngủ lại khi làm việc vào tối muộn, New York Times dẫn một nguồn tin nội bộ cho biết.

"Anh ấy (Musk) là một người giỏi cắt giảm chi phí", Tổng thống Trump nói với báo giới hôm 2/2 (giờ địa phương). "Thỉnh thoảng chúng tôi có những bất đồng nhưng nhìn chung anh ấy đang làm việc hiệu quả. Anh ấy là một người thông minh".

 Kể từ khi nhậm chức vào ngày 20/1, Tổng thống Donald Trump đã trao cho tỷ phú Elon Musk quyền lực rộng khắp nhằm cải tổ và cắt giảm chi tiêu chính phủ trên phạm vi rộng khắp. Ảnh: New York Times.

Kể từ khi nhậm chức vào ngày 20/1, Tổng thống Donald Trump đã trao cho tỷ phú Elon Musk quyền lực rộng khắp nhằm cải tổ và cắt giảm chi tiêu chính phủ trên phạm vi rộng khắp. Ảnh: New York Times.

Ông Musk, đồng lãnh đạo Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE), phát biểu hôm 1/2 rằng tinh thần làm việc bất kể cuối tuần của ông là một "siêu sức mạnh" giúp ông vượt qua trở ngại.

"Rất ít người trong bộ máy chính phủ thực sự làm việc vào cuối tuần. Điều này như thể đối thủ 'rời sân' trong 2 ngày vậy!", CEO của Tesla viết trên X.

Trong lịch sử Mỹ, tỷ phú Musk là trường hợp "vô tiền khoáng hậu" khi ông không phải là nhân viên toàn thời gian của chính phủ song lại sở hữu quyền lực định hình lại lực lượng lao động liên bang, theo New York Times.

Nhiều quan chức cấp cao của chính phủ bày tỏ cảm giác bất lực về tốc độ và phạm vi của chiến dịch cải tổ mà ông Musk lãnh đạo.

Ngày 3/2 (giờ địa phương), ông Trump phát biểu một cách thận trọng: "Elon (Musk) không thể và sẽ không làm bất kỳ điều gì không được chúng tôi chấp thuận. Chúng tôi chỉ đồng ý khi những điều ông ấy đề xuất hợp lý, còn không hợp lý thì thôi".

"Lò đốt" DOGE

Tỷ phú Musk không chỉ định hình vấn đề chính sách mà còn có tiếng nói đáng kể trong các quyết định nhân sự khi đã thuyết phục thành công Tổng thống Trump bổ nhiệm Troy Meink làm Tham mưu trưởng Không quân, New York Times dẫn ba nguồn tin nội bộ cho biết.

Ông Meink từng điều hành Văn phòng Trinh sát Quốc gia thuộc Lầu Năm Góc và giúp ông Musk ký hợp đồng trị giá hàng tỷ USD cho SpaceX để giúp xây dựng và triển khai một mạng lưới vệ tinh do thám cho chính phủ liên bang.

 Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent cấp quyền truy cập hệ thống thanh toán liên bang cho đội ngũ của ông Musk. Ảnh: New York Times.

Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent cấp quyền truy cập hệ thống thanh toán liên bang cho đội ngũ của ông Musk. Ảnh: New York Times.

Kể từ khi ông Trump nhậm chức, tỷ phú Musk và đội ngũ thân cận đã tiếp quản Cơ quan Dịch vụ Kỹ thuật số Mỹ, trưng dụng Văn phòng Quản lý Nhân sự và giành quyền truy cập hệ thống thanh toán liên bang, qua đó có khả năng giám sát và thậm chí là hạn chế các khoản chi tiêu của chính phủ.

Các nguồn tin nội bộ cũng nói với New York Times rằng lãnh đạo Cơ quan Dịch vụ Công (GSA) đã thảo luận về việc cắt giảm 50% ngân sách cơ quan trước "cơn bão" cải tổ của ông Musk.

Một trong những động thái của ông Musk khiến cả thế giới sửng sốt là quyết định đóng cửa USAID.

 Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) phân phối viện trợ trên hơn 130 quốc gia. Ảnh: New York Times.

Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) phân phối viện trợ trên hơn 130 quốc gia. Ảnh: New York Times.

"Chúng tôi đã dành cuối tuần qua để ném USAID vào lò đốt", tỷ phú gốc Nam Phi viết trên X hôm 3/2. "Đáng lẽ đã có thể đi tiệc tùng nhưng chúng tôi chọn làm việc ấy".

Chuỗi hành động của ông Musk đã đánh động nhiều cơ quan giám sát chính phủ. Họ đặt câu hỏi liệu ông Musk có đang vi phạm quy định liên bang về sự phân bổ quyền lực hai nhánh hành pháp và lập pháp.

Ít nhất bốn vụ kiện đã được đệ trình lên tòa án liên bang về những động thái của tỷ phú Musk và các động thái của chính quyền mới, theo New York Times.

"Trước khi Quốc hội và các tòa án có thể hành động, Elon Musk sẽ khiến cả chính quyền biến động", một quan chức giấu tên nói với New York Times.

Đại Hoàng

Nguồn Znews: https://znews.vn/elon-musk-quyen-luc-vo-tien-khoang-hau-post1529167.html