'Em biết chạy xe trên 50cm3 là sai nhưng...'

Ngoài các bãi giữ xe tự phát, nhiều trường THPT trên địa bàn TP.HCM vẫn nhận giữ xe trên 50cm3 cho học sinh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 31/CT-TTg về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh (HS) trong tình hình mới (ngày 21-12-2023). Trong đó, Thủ tướng chỉ đạo Bộ GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục phối hợp chặt chẽ với địa phương yêu cầu các hộ dân giữ xe xung quanh khu vực trường học cam kết không nhận trông, giữ xe trên 50cm3của HS.

Video: “Em biết chạy xe trên 50cm3 là sai nhưng...”

Tuy nhiên, không chỉ các bãi giữ xe tự phát giữ xe trên 50cm3 cho HS mà tình trạng này xảy ra ngay trong bãi giữ xe của nhà trường.

Học sinh gửi xe phân khối lớn tại trường

Ghi nhận của PV trước cổng Trường THPT Trần Văn Giàu (phường 13, quận Bình Thạnh) vào giờ tan học, rất nhiều HS chạy xe máy điện không đội mũ bảo hiểm, chở ba, chạy xe máy trên 50cm3... từ bãi giữ xe của trường đi ra.

 Học sinh Trường THPT Trần Văn Giàu, quận Bình Thạnh chạy xe trên 50 cm3, không đội mũ bảo hiểm. Ảnh: MINH - HIỀN

Học sinh Trường THPT Trần Văn Giàu, quận Bình Thạnh chạy xe trên 50 cm3, không đội mũ bảo hiểm. Ảnh: MINH - HIỀN

Trao đổi với PV, hầu hết HS cho biết do nhà xa, đi học muộn. “Em biết đi xe trên 50cm3 là sai nhưng nhà xa quá, đi xe buýt không tiện, đi xe công nghệ thì quá mắc nên em đành tự chạy xe. Em rất sợ khi chạy xe ngoài đường vì nếu bị CSGT bắt sẽ gửi thông báo về trường, sẽ bị hạ hạnh kiểm nên để đối phó, em thường chọn đi đường hẻm, mặc áo khoác che đồng phục, thậm chí chờ lúc tan tầm, đông đúc mới dám về” - em THL, HS tại trường, chia sẻ.

Tình trạng này cũng xảy ra tại Trường THPT Lê Thị Hồng Gấm (thuộc phường Võ Thị Sáu, quận 3), HS điều khiển xe trên 50 cm3 chở bạn không đội mũ bảo hiểm. Nhiều em còn đùa cợt, dàn hàng ba khi tham gia giao thông.

 Học sinh chạy xe trên 50 cm3, không đội mũ bảo hiểm khi ra khỏi trường THPT Lê Thị Hồng Gấm. Ảnh: Minh - Hiền

Học sinh chạy xe trên 50 cm3, không đội mũ bảo hiểm khi ra khỏi trường THPT Lê Thị Hồng Gấm. Ảnh: Minh - Hiền

Chị HTK, phụ huynh có con học tại đây, cho biết hằng ngày chứng kiến cảnh HS chở ba, không đội nón bảo hiểm, chạy xe trên 50cm3 lạng lách đánh võng nên rất lo lắng, bất an về sự an toàn của các HS.

“Thiết nghĩ nhà trường và các phụ huynh nên mạnh tay tuyên truyền, nhắc nhở con em khi điều khiển phương tiện giao thông để tuân thủ đúng quy định pháp luật” - chị K nói.

Tại nhà xe của HS ở hai trường mà PV ghi nhận, có rất nhiều loại xe trên 50cm3 cả xe số và xe tay ga, thậm chí có cả xe SH, Vision, Air Blade ... Vào giờ tan tầm, HS không đội mũ bảo hiểm, chở ba, đi xe phân khối lớn... nhưng không có bảo vệ, giám thị nhắc nhở.

Khó khăn trong khâu xử lý

Trao đổi với PV, ông Hoàng Đức Thịnh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Văn Giàu, cho biết nhà trường vẫn thực hiện đúng quy định về an toàn giao thông (ATGT) và tuyên truyền theo hướng dẫn, chỉ đạo của Sở GD&ĐT TP.HCM. “Vào buổi họp phụ huynh đầu năm học, nhà trường đều cho phụ huynh và HS ký cam kết về ATGT, yêu cầu tuân thủ đúng các quy định về Luật Giao thông đường bộ” - ông Thịnh nói.

Để đối phó, em thường chọn đi đường hẻm, mặc áo khoác che đồng phục, thậm chí chờ lúc tan tầm, đông đúc mới dám về.

“Nhà trường có cử giáo viên quan sát việc HS thực hiện ATGT ở khu vực xung quanh trường. Nếu phát hiện HS vi phạm ATGT, giáo viên sẽ ghi nhận, báo cáo giám thị để phối hợp với cha mẹ HS nhắc nhở các em chấp hành đúng luật. Nếu vi phạm nhiều lần sẽ xem xét, đánh giá hạnh kiểm” - ông Thịnh thông tin.

 Bãi giữ xe của học sinh tại trường THPT Trần Văn Giàu với rất nhiều xe trên 50cm3. Ảnh: Minh - Hiền

Bãi giữ xe của học sinh tại trường THPT Trần Văn Giàu với rất nhiều xe trên 50cm3. Ảnh: Minh - Hiền

Trong cuộc họp phụ huynh vào ngày 13-1, nhà trường đã tiếp tục tuyên truyền về việc điều khiển xe trên 50cm3 là không phù hợp và đưa ra thời gian cụ thể để cho phụ huynh có sự điều chỉnh.

“Dự kiến kế hoạch từ nay đến tháng 3-2024 để phụ huynh có sự chuẩn bị những phương án phù hợp về phương tiện cho con em. Vì không phải phụ huynh nào cũng có tài chính như nhau để sắm cho con em một chiếc xe mới nên cần phải có thời gian để họ điều chỉnh” - ông Thịnh chia sẻ.

Ông Vũ Quốc Phong, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Thị Hồng Gấm, cũng cho biết nhà trường thường xuyên quán triệt công tác ATGT cho phụ huynh và HS.

“Cụ thể nhà trường đã có những hoạt động tuyên truyền, nhắc nhở về ATGT đến HS và phụ huynh thông qua các buổi sinh hoạt ngoại khóa, mạng xã hội, chương trình giảng dạy. Đồng thời, giáo viên chủ nhiệm mỗi lớp cũng thường xuyên trao đổi với HS và phụ huynh, nhắc nhở các quy định về ATGT” - ông Phong thông tin.

Cũng theo ông Phong, nếu HS vi phạm ATGT sẽ bị ảnh hưởng đến hạnh kiểm. Trường cũng yêu cầu phụ huynh ký cam kết không cho các em điều khiển xe phân khối lớn, chấp hành Luật Giao thông đường bộ.•

Học sinh vi phạm ATGT sẽ bị xem xét đánh giá hạnh kiểm

Từ ngày 30-9-2023 đến 9-1-2024, cùng với xử lý vi phạm, Công an huyện huyện Đạ Huoai, Lâm Đồng đã gửi thông báo 99 trường hợp HS, sinh viên vi phạm ATGT về các trường học, cơ sở giáo dục. Theo đó, sau khi nhận thông báo HS vi phạm luật giao thông từ công an, các trường trên địa bàn sẽ tiến hành đánh giá, xếp loại hạnh kiểm của HS.

Trước đó, ngày 12-12-2023, Pháp Luật TP.HCM đã đưa tin về việc Công an tỉnh Phú Thọ đề nghị hạ hạnh kiểm HS vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Cụ thể, lực lượng công an sẽ gửi thông báo HS vi phạm ATGT đến nhà trường và đề nghị hạ hạnh kiểm HS vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Đồng thời xử phạt các trường hợp giao xe cho người chưa đủ tuổi theo quy định.

TRẦN MINH - THẢO HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/em-biet-chay-xe-tren-50cm3-la-sai-nhung-post772387.html