Em là cô gái ngành Y
Khúc giao mùa của tháng 3 lại về, tháng 3 với những tình yêu thương nồng nàn mang theo sắc xuân tràn ngập trên những nẻo đường, mang đến cho con người những cảm nhận về không khí ấm áp của đất trời. Và cũng là tháng để tri ân tới những người phụ nữ mà chúng ta yêu quý.
Người phụ nữ Việt Nam trải qua bao nhiêu gian khó vẫn luôn kiên cường bất khuất. Họ là biểu tượng của sự dịu dàng cùng đức hy sinh. Ở các bệnh viện nói chung, Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc của tôi nói riêng bác sĩ, điều dưỡng là nữ chiếm tỷ lệ 80% so với nhân lực của bệnh viện. Để được khoác trên mình chiếc áo blouse trắng chúng tôi phải mất thời gian học dài và vất vả. Tuổi thanh xuân được đánh đổi bằng những đêm trực thức trắng chăm sóc người bệnh. Không hề than thở chúng tôi vẫn ân cần chăm sóc người bệnh. Những hành động nhỏ bé của chúng tôi đã tạo nên các nguồn cảm hứng thơ ca: "Nhẹ nhàng bàn tay ai, dịu dàng khuôn mặt ai, kìa em bước tới rồi mảnh mai màu áo trắng...".
Khi dịch chưa bùng phát có nhiều người bệnh muốn được thấy khuôn mặt của các chị sau chiếc khẩu trang và chiếc áo choàng trắng. Để giữa những xô bờ của cuộc sống họ có duyên gặp lại nhau dành cho nhau những lời tri ân. Bởi trong quá trình điều trị bệnh họ cảm nhận được sự ân cần của người thầy thuốc qua từng lời nói, qua từng ánh mắt khiến họ lưu luyến mãi không quên.
Và rồi những trông gai khắc nghiệt trước mắt không ngăn nổi những bông hoa bluose trắng tỏa nắng tháng 3. Đã có những bông hoa nở rực rỡ lan tỏa hương thơm nhẹ nhàng bởi những điều trân quý. Đó là những cán bộ y, bác sĩ tại khoa Thận nhân tạo của Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc. Những người bệnh ở đây hầu hết là người bệnh mạn tính và nghèo khó. Bệnh viện được coi như ngôi nhà thứ hai của họ.
Mơ ước của người bệnh nơi đây là có được sức khỏe để giúp đỡ gia đình. Chắp cánh cho những ước mơ đó là sự chăm sóc nhiệt tình của bác sĩ và điều dưỡng của khoa. Không chỉ vậy các chị còn kêu gọi mạnh thường quân giúp đỡ người bệnh có hoàn cảnh khó khăn. Có những mạnh thường quân giúp đỡ bằng hiện vật, nhưng tiếc rằng người bệnh thận có chế độ ăn riêng nên những thực phẩm đó người bệnh không dùng được. Các chị lại kêu gọi anh em, bạn bè, người thân mua lại giành tiền để cho người bệnh thêm thắt đồng nào hay đồng ấy. Đó là những phiên chợ không đồng hay những món quà làm từ bàn tay của các chị.
Có lần tôi dẫn đoàn từ thiện đến trao quà tết cho người bệnh nghèo. Chị Trần Thị Đức - Điều dưỡng trưởng nói với tôi: "Em ơi! chờ chị nhé, có một người bệnh của chị đang đi gánh gạch, chỉ còn 10 phút nữa là đến ca chạy thận của chị ý. Đoàn đi rồi chị ý không được thì tội lắm".
Nghe vậy mà ai cũng cảm thấy thương. Dù đoàn không đợi được nhưng vẫn gửi lại quà nhờ chị trao giúp. Chia tay rồi chị vẫn với gọi tôi: Khoa chị nhiều người bệnh còn nghèo lắm, có chương trình gì thì nhớ lưu tâm nhé!
Các chị ấy nhiệt tình là thế, chăm sóc người bệnh như chăm sóc người thân. Các chị làm cho tôi nhớ tới một câu của nhà văn vĩ đại Victor Huygo: "Bên cạnh những ánh sáng lung linh của các vì sao còn có ánh sáng êm dịu và huyền bí của tâm hồn người phụ nữ". Nhẹ nhàng thôi, nhưng rất đời thường sâu lắng và tình cảm. Luôn lo nghĩ cho người khác đó là đức tính tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam xưa và nay.
Đúng là như vậy trong chiến tranh có liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã hy sinh tuổi trẻ và xương máu xông pha nơi chiến trường để bảo vệ độc lập cho Tổ quốc. Còn ở thời bình khi dịch bệnh bùng phát các nữ y, bác sĩ sẵn sàng gác bỏ việc riêng để tham gia chống dịch, cùng đất nước đẩy lùi dịch bệnh đem lại sức khỏe cho người dân.
Giờ đây khi cả nước đang dần bước vào giai đoạn "bình thường hóa với dịch" cũng là lúc người thầy thuốc vô cùng vất vả. Tỷ lệ ca mắc COVID -19 tại các tỉnh tăng cao, số lượng người bệnh tại các bệnh viện dã chiến cũng tăng theo. Gánh nặng đặt lên đôi vai nhỏ bé của các chị vô cùng lớn. Đến đây, tôi chợt nhớ câu thơ của nhà thơ Huy Cận đã từng viết:
"Chị em tôi tỏa nắng vàng lịch sử
Nắng cho đời nên nắng cũng cho thơ....."
Công việc ngành y dù có đầy vất vả, gian nan và thử thách song những cô gái ngành Y vẫn đi vào lịch sử vẻ vang, mang lại cho đời sự sống mới. Họ là những người mẹ, người chị, người vợ mang đầy sự dịu dàng, sự hy sinh, cống hiến vừa tràn đầy yêu thương, vừa kiên cường bất khuất, sẵn sàng xông pha mọi chiến trường để đem lại sự an toàn, sức khỏe và bình yên cho người dân.
Điều dưỡng Dương Thị Xuân Hương - BVĐK tỉnh Vĩnh Phúc
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//em-la-co-gai-nganh-y-169220307094923818.htm