Em rể - 'cánh tay đắc lực' giúp Trịnh Văn Quyết nâng khống vốn 660 lần
Trong số nhóm bị can có vai trò đồng phạm giúp anh em nhà Trịnh Văn khống vốn, nổi lên vai trò quan trọng của người anh họ, em rể.
Em rể đắc lực, khống vốn 700 triệu lên hơn 462 tỷ
Cơ quan CSĐT Bộ Công an tiếp tục bổ xung kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC, theo Kết luận, cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ vai trò của những đối tượng trong vụ án.
Trong đó, bị can Nguyễn Văn Mạnh (1977, quê Vĩnh Phúc, trú tại phường Mỹ Đình 2, Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) vốn là em rể của Trịnh Văn Quyết, được giao chức vụ Trưởng nhóm Vật tư cảnh quan, Phòng Mua sắm và cung ứng vật tư, Công ty TNHH MTV FLC Land.
Năm 2014, Trịnh Thị Minh Huế (em gái Trịnh Văn Quyết) nhờ Mạnh đứng tên là Chủ tịch HĐQT, đại diện theo pháp luật của Công ty CP Đầu tư và Xây dựng An Du và Công ty CP Đầu tư Fujikaen Việt Nam, nhưng Huế là người quản lý, điều hành mọi hoạt động của 2 Công ty trên.
Mặc dù không góp vốn nhưng theo yêu cầu của Huế, Mạnh vẫn đứng tên ký Hợp đồng ngày 15/4/2014 nhận chuyển nhượng khống 70.000 cổ phần của Công ty CP Liên doanh đầu tư Quốc tế KLF tại Công ty Vĩnh Hà (sau đổi tên thành Công ty CP Xây dựng Faros).
Trong 3 lần tăng vốn của Công ty CP Xây dựng Faros, từ ngày 28/4/2014 đến ngày 08/01/2016, Mạnh ký 49 chứng từ khống với tổng số tiền trên 1.300 tỷ đồng để Huế sử dụng làm thủ tục nộp tiền, chuyển tiền, rút tiền tạo dòng tiền góp vốn từ tài khoản của Nguyễn Văn Mạnh vào Công ty CP Xây dựng Faros, nâng khống giá trị vốn góp đứng tên Mạnh từ 700 triệu đồng tương lên hơn 462 tỷ đồng (660 lần), tương đương hơn 46 triệu cổ phần.
Theo chỉ đạo của Huế, Mạnh tiếp tục ký khống 16 hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, quyền mua cổ phần mang tên Mạnh cho 16 cá nhân, pháp nhân với tổng số tiền trên 484 tỷ đồng, thực tế Mạnh không được nhận tiền.
Ngoài ra, với danh nghĩa Chủ tịch HĐQT, người đại diện theo pháp luật của Công ty CP Đầu tư Fujikaen Việt Nam, mặc dù không điều hành công ty, không thỏa thuận giao dịch nhận tiền vay, ủy thác đầu tư nhưng theo sự chỉ đạo của Huế, từ ngày 16/11/2015 đến ngày 28/11/2016, Mạnh ký 6 Hợp đồng nhận ủy thác đầu tư, hợp tác kinh doanh khổng, nhận khống 405 tỷ đồng của Công ty CP Xây dựng Faros.
Việc làm trên để giúp Huế sử dụng làm căn cứ để tạo dòng tiền hạch toán kế toán hợp thức việc góp vốn khống, làm tăng vốn điều lệ của Công ty CP Xây dựng Faros từ 1,5 tỷ đồng lên trên 3.000 tỷ đồng trong 3 lần tăng vốn.
Kết luận còn chỉ ra, từ khoảng tháng 3/2016 đến tháng 5/2021, Mạnh ký 156 chứng từ, tổng giá trị gần 4.000 tỷ đồng để Huế sử dụng làm thủ tục nộp tiền, chuyển tiền, rút tiền tạo dòng tiền chạy qua các tài khoản của Mạnh, Công ty An Du, Công ty Fujikaen đến tài khoản của Công ty CP Xây dựng Faros, Công ty loncomplex và các công ty liên quan tạo dòng tiền, che giấu hạch toán kế toán hợp thức số vốn góp khống.
Thời điểm bắt đầu niêm yết, Nguyễn Văn Mạnh đứng tên sở hữu hơn 20 triệu cổ phiếu với giá trị trên 209 tỷ đồng được Huế đăng ký lưu ký vào tài khoản mang tên Mạnh sau đó sử dụng tài khoản của Mạnh để thực hiện việc mua bán chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư. Thực tế Mạnh không được sở hữu số cổ phiếu nói trên.
Tiếp tục dựng anh họ làm sếp
Đối với bị can Trịnh Văn Đại (SN 1966, quê Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc; trú tại phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội), là anh em họ của Trịnh Văn Quyết cũng có vai trò quan trọng giúp sức trong vụ án.
Đại được giao giữ chức Phó Trưởng phòng Vật tư của Công ty TNHH MTV FLC Land. Ngoài ra, Đại còn được Trịnh Thị Minh Huế nhờ đứng tên làm Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng Faros (từ ngày 24/4/2014 đến ngày 08/5/2015), Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng Faros (từ ngày 26/7/2020 đến ngày 31/12/2022); Giám đốc Công ty CP Vật tư thiết bị và xây dựng Đô Thành Hà Nội…
Giống như Mạnh, dù mang danh giám đốc nhưng trên thực tế Mạnh không có quyền hành, tất cả vẫn do Huế chỉ đạo phía sau.
Với danh nghĩa là Chủ tịch HĐQT, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Xây dựng Faros, Đại đã ký khống nghị quyết, hợp đồng, chứng từ để Huế sử dụng thực hiện hành vi nâng khống vốn điều lệ tại Công ty CP Xây dựng Faros.
Mặc dù không tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông, nhưng với danh nghĩa Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng và Đầu tư hạ tầng Vĩnh Hà (sau đổi tên thành Công ty CP Xây dựng Faros), Đại vẫn ký hợp thức Nghị quyết tăng vốn điều lệ từ 1,5 tỷ đồng lên 225 tỷ đồng làm căn cứ để Huế và đồng phạm thực hiện việc góp vốn khống ở lần tăng vốn thứ nhất.
Bên cạnh đó, Đại còn đứng tên ký 1 hợp đồng nhận chuyển nhượng khống cổ phần ngày 15/4/2014, để mua lại 50.000 cổ phần của Công ty CP Liên doanh đầu tư Quốc tế KLF tại Công ty Vĩnh Hà, với giá 500 triệu đồng nhưng không phát sinh thanh toán để trở thành cổ đông góp vốn của Công ty Vĩnh Hà.
Mặc dù không có tiền góp vốn nhưng theo chỉ đạo của Huế, từ ngày 27/5/2015 đến ngày 18/11/2015, Đại ký 20 giấy nộp tiền mặt với tổng số tiền 467 tỷ đồng, 14 ủy nhiệm chi với tổng số tiền hơn 460 tỷ đồng để Huế sử dụng làm thủ tục nộp tiền, chuyển tiền hợp thức việc góp vốn khống vào Công ty CP Xây dựng Faros, nâng khống số vốn góp vào Công ty CP Xây dựng Faros mang tên Đại từ 500 triệu đồng lên 468 tỷ đồng trong các lần tăng vốn.
Đại không góp vốn vào Công ty RTS nhưng theo chỉ đạo của Huế, anh ta vẫn đứng tên là cổ đông góp 579 tỷ đồng/800 tỷ đồng vào Công ty RTS (trong 800 tỷ đồng thì có 400 tỷ đồng là khống) giúp Trịnh Văn Quyết chỉ đạo sáp nhập vào Công ty CP Xây dựng Faros ngày 21/3/2016, hợp thức tăng khống vốn điều lệ của Công ty CP Xây dựng Faros từ 3.500 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng.
Chưa hết, với danh nghĩa Giám đốc Công ty CP Vật tư thiết bị và Xây dựng Đô Thành Hà Nội và Công ty CP đầu tư và Thương mại SCO, mặc dù không nhận tiền ủy thác đầu tư nhưng theo chỉ đạo của Huế, Đại ký 10 hợp đồng nhận tiền ủy thác đầu tư, vay vốn khống với Công ty CP Xây dựng Faros với tổng số tiền 499 tỷ để hợp thức rút tiền góp vốn ra khỏi Công ty CP Xây dựng Faros.
Để tiếp tục tạo dòng tiền hợp thức hạch toán kế toán, che giấu việc góp vốn khống, từ ngày 05/7/2016 đến ngày 07/5/2021, với danh nghĩa cá nhân và danh nghĩa Phó Tổng giám đốc Công ty CP Xây dựng Faros, giám đốc Công ty Đô Thành và Công ty SCO, Đại ký 173 chứng từ với tổng số tiền trên 3.100 tỷ đồng, để Huế làm thủ tục nộp tiền, rút tiền, chuyển tiền từ các tài khoản cá nhân, công ty tạo dòng tiền để hạch toán kế toán.
Trước khi Công ty Faros được niêm yết, theo chỉ đạo của Huế, Đại trả lại hơn 46 triệu cổ phần đứng tên Đại tại Công ty CP Xây dựng Faros cho Trịnh Văn Quyết bằng hình thức ký khống 5 hợp đồng chuyển nhượng cổ phần cho Quyết và 4 cá nhân do Huế chỉ định nhưng không phát sinh thanh toán.
Cơ quan điều tra đánh giá, với hành vi trên, Đại cùng những người liên quan đã giúp sức cho Trịnh Văn Quyết và đồng phạm nâng khống vốn điều lệ của Công ty CP Xây dựng Faros, sau đó niêm yết, bán cổ phiếu chiếm đoạt 3.600 tỷ đồng của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.