eMagazine: Cúc Phương - Vườn Quốc gia hàng đầu châu Á

VQG Cúc Phương có địa bàn rộng, hiểm trở, bị chia cắt bởi các dãy núi đá vôi, xung quanh vùng đệm có hơn 90.000 người dân sinh sống, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mường, đời sống kinh tế chậm phát triển, dân trí thấp. Vì vậy công tác quản lý, bảo vệ rừng của Vườn gặp không ít khó khăn.

Gần 40 năm gắn bó với cánh rừng già Cúc Phương, anh Bùi Văn Dần, Trạm Kiểm lâm số 9, Hạt Kiểm lâm VQG Cúc Phương không nhớ nổi mình đã bị thương bao nhiêu lần khi đi tuần tra rừng. Anh Dần kể lại: "Phải yêu tha thiết mới có đủ nghị lực để gắn bó với rừng. Bởi kiểm lâm là nghề không chỉ vất vả, hy sinh mà rất nguy hiểm. Sự nguy hiểm không chỉ đến từ các đối tượng lâm tặc mà còn những tai nạn khi đi rừng như bị sốt rét, đường dốc trơn trượt ngã bị thương, có chiến sỹ lạc đường 3-4 ngày trong rừng, đến khi anh em tìm thấy chỉ còn thở thoi thóp...".

Anh Bùi Văn Dần, Trạm Kiểm lâm số 9, cùng đồng đội tuần tra rừng.

Vất vả là thế nhưng các anh vẫn kiên trì bám trụ để giữ "lá phổi xanh" cho đất nước. Cứ tính trung bình mỗi ngày anh phải đi bộ hơn 10 km trong rừng để tuần tra thì gần 40 năm nay, hàng ngàn km rừng đã in dấu chân anh.

Hiện Hạt kiểm lâm VQG Cúc Phương có 13 trạm với 54 biên chế. Anh Tạ Đức Biên, Phó Hạt trưởng Hạt kiểm Lâm VQG Cúc Phương, nhớ lại: Những năm 90 của thập niên trước, để mưu sinh nhiều người đã dựa vào khai thác các nguồn lợi từ rừng vì vậy hiện tượng săn bắt, chặt xẻ, buôn bán trái phép động, thực vật rừng, đốt nương làm rẫy, lấn chiếm đất rừng trái phép... thường xuyên diễn ra. Những người kiểm lâm khi đó phải đối mặt với rất nhiều hiểm nguy, bị hành hung, đe dọa bởi các đối tượng vi phạm.

Trước tình trạng này, Ban Giám đốc Vườn đã có nhiều giải pháp để tạo sinh kế cho người dân như: hướng dẫn bà con làm nông nghiệp, cung cấp cây, con giống, hỗ trợ các thôn bản xây dựng các công trình phúc lợi, tạo công ăn việc làm, phát triển du lịch cộng đồng... Thông qua các hoạt động đó, cán bộ, chiến sỹ kiểm lâm đã lồng ghép, tuyên truyền, vận động bà con chung tay tạo nên "tấm lá chắn vững chắc" bảo vệ rừng. Hiện nay, Vườn đang giao khoán cho khoảng 300 hộ dân bảo vệ hơn 4000 héc ta rừng.

Với những nỗ lực không mệt mọi của lực lượng kiểm lâm và sự chung tay của cộng đồng địa phương, đến nay tại VQG Cúc Phương đã chấm dứt hoàn toàn nạn phá rừng làm rẫy, số vụ vi phạm lâm luật giảm 70% so với trước đây, mức độ thiệt hại về tài nguyên rừng rất nhỏ. Đặc biệt không có điểm nóng phá rừng xảy ra trên địa bàn. Đây chính là nền tảng quan trọng để Vườn bảo vệ, phát triển hệ sinh thái rừng và đa dạng sinh học.

Đến nay, với diện tích hơn 22.000 héc ta, Cúc Phương đã lưu giữ và bảo tồn hơn 2.000 loài thực vật thuộc 117 bộ và hơn 2.000 loài động vật quý hiếm, đặc biệt là Voọc Mông Trắng, Báo Gấm, Gấu Ngựa...

VQG Cúc Phương là một trong những viên ngọc quý về sinh thái rừng trên thế giới. 4 năm liên tiếp được Tổ chức World Travel Awards vinh danh là VQG hàng đầu châu Á. Nơi đây, từ lâu đã là "mái ấm" của hệ sinh thái động, thực vật đa dạng, phong phú và vô cùng quý hiếm.

Từ năm 1985, VQG Cúc Phương đã xây dựng vườn cây thực vật với diện tích 167 héc ta và là một trong ba vườn thực vật đầu tiên của Việt Nam được ghi trong danh mục Vườn thực vật Quốc tế. Năm 2013, VQG Cúc Phương đã hợp tác với Hội Động vật Frankfurt (CHLB Đức) triển khai dự án bảo tồn các loài thú Linh trưởng quý hiếm của Việt Nam. Bên cạnh đó, còn có 2 chương trình cứu hộ lớn khác nữa là: Bảo tồn thú ăn thịt và Tê tê, bảo tồn Rùa. Đây cũng là đơn vị đi đầu trong công tác nghiên cứu và chăm sóc Tê tê trong môi trường nuôi nhốt, được thế giới ghi nhận, đánh giá cao.

VQG Cúc Phương thường xuyên phối hợp với các tổ chức quốc tế trong công tác nghiên cứu khoa học

Để đạt được những thành quả trên, có nhiều công sức của những con người bảo tồn lặng thầm, trong đó có cả những tình nguyện viên đến từ nước ngoài. Malik van Rees và Felik Stellmacher là hai bạn trẻ đến từ CHLB Đức, họ mới 18 tuổi nhưng những việc làm của họ tại Khu bảo tồn linh trưởng không chỉ thể hiện tình yêu thiên nhiên mà còn là sự dấn thân, ý thức trách nhiệm cao với cộng đồng. Vượt qua những khác biệt về múi giờ, về khí hậu, về văn hóa, họ đã đồng hành cùng các chuyên gia, các công nhân người bản địa ở mái nhà chung Cúc Phương, ngày ngày cần mẫn chăm sóc cho những bạn linh trưởng ở đây.

Từ nỗi đau khi mắt thấy những cây đại thụ ngã xuống, tai nghe tiếng kêu nhói lòng của các loài động vật, trong trái tim những người bảo tồn dần khởi sinh tình yêu thiên nhiên, truyền động lực để họ gắn bó và bảo tồn hệ sinh thái của Vườn. Nhờ những con người tại đây mà Vườn Quốc gia Cúc Phương không chỉ là nơi sinh sống mà còn hồi sinh nhiều cá thể đang gặp nguy cấp.

Không chỉ làm nhiệm vụ bảo tồn, Cúc Phương còn quan tâm đến việc huấn luyện để giúp các cá thể quý hiếm đủ khả năng quay về tự nhiên và tái hoang dã. Trong nhận thức của những người công tác tại đây, rừng mới là nơi các cá thể quý hiếm thuộc về và trao trả chúng cho Mẹ thiên nhiên là việc cần thiết để bù đắp cho hệ sinh thái.

Các hoạt động cứu hộ, bảo tồn tại VQG Cúc Phương

Đây cũng là cơ sở quan trọng để VQG Cúc Phương đưa sáng ra sáng kiến làm du lịch sinh thái với các sản phẩm du lịch độc đáo như Tour "Về Nhà", "Hành trình hồi sinh", Hội xuân "Thêm xanh cho cánh rừng già"… tất cả đều nhất quán với phương châm: "Mỗi khách tham quan là một sứ giả lan tỏa tình yêu thiên nhiên!".

Ông Nguyễn Văn Chính, Giám đốc VQG Cúc Phương tham gia tái thả động vật hoang dã

Anh Phạm Kiên Cường, Giám đốc Trung tâm giáo dục môi trường và dịch vụ chia sẻ: Tôi tin rằng, mỗi người khi chứng kiến khoảnh khắc "trở về nhà" của các loài động vật sẽ tạo ấn tượng rất mạnh, nhen lên trong họ tình yêu thiên nhiên và họ sẽ kể với người thân với cộng đồng, từ đó hình thành nên một cộng đồng cùng chung tay bảo vệ môi trường.

Cách tiếp cận đó đã góp phần quan trọng, định vị thương hiệu du lịch Cúc Phương trong lòng du khách trong nước và quốc tế. Đồng thời là một kênh quan trọng để nâng cao nhận thức, truyền đi thông điệp về tình yêu thiên nhiên, bảo vệ thiên nhiên và ứng xử thuận lẽ với thiên nhiên.

Với sự hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước và Chương trình Bảo vệ và Phát triển rừng, nhiều năm qua VQG Cúc Phương đã thực hiện hỗ trợ phát triển sinh kế nhằm nâng cao đời sống của người dân địa phương, từ đó giảm áp lực vào nguồn tài nguyên. Đến nay, đã hỗ trợ kinh phí cho 62 thôn giáp ranh xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển du lịch sinh thái, cung cấp kỹ thuật, giống cây trồng vật nuôi phát triển kinh tế nhằm giảm áp lực vào nguồn tài nguyên của Vườn.

62 thôn, bản được VQG Cúc phương hỗ trợ sinh kế.

Đặc biệt, VQG Cúc Phương đã hợp tác với tổ chức IUCN, Planeterra, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), WWF, Ban quản lý các dự án lâm nghiệp thực hiện các dự án hỗ trợ phục hồi du lịch sinh thái tại một số thôn, bản trong vùng lõi của VQG. Dự án tập trung vào đánh giá tiềm năng du lịch sinh thái, đào tạo nguồn nhân lực cho người dân địa phương, khôi phục và xây dựng sản phẩm địa phương lồng ghép các thế mạnh về du lịch của thôn, bản, tập huấn an toàn du lịch, kết nối các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, kết nối hoạt động du lịch tại đây.

Thời gian tới,VQG Cúc Phương tập trung bảo tồn hiệu quả và cải thiện quản lý công bằng, phát triển năng lực quản lý, hợp tác và đầu tư. Gắn kết các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của địa phương thông qua phát triển du lịch sinh thái nhằm cải thiện đời sống của người dân. Khuyến khích cộng đồng dân tộc Mường địa phương tham gia vào các hoạt động bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học của Vườn.

Thực hiện: Song Nguyễn, Anh Tuấn, Hoàng Hiệp

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/emagazine-cuc-phuong-vuon-quoc-gia-hang-dau-chau-a/d20221130093450856.htm