{Emagazine} Ninh Bình-Dấu son trong bản hùng ca Việt-Lào (Kỳ cuối)

Hội đàm giữa hai tỉnh Ninh Bình và U-Đôm-Xay (Nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào) năm 2024.

Hội đàm giữa hai tỉnh Ninh Bình và U-Đôm-Xay (Nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào) năm 2024.

Thực hiện Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa tỉnh Ninh Bình và tỉnh U-Đôm-Xay (Lào), và văn bản đề nghị của tỉnh U-Đôm-Xay về cử cán bộ, học sinh, sinh viên sang học tập tại Ninh Bình, thời gian qua, công tác đào tạo du học sinh Lào luôn được tỉnh Ninh Bình chú trọng với nhiều chính sách góp phần hỗ trợ tỉnh nước bạn phát triển đội ngũ cán bộ, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong tình hình mới. Lực lượng này đã và đang là "cầu nối" văn hóa, cầu nối ngôn ngữ, cầu nối nghĩa tình gắn kết tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa Ninh Bình với tỉnh U-Đôm-Xay nói riêng, hai nước Việt - Lào nói chung.

Thaosoang Vilailak- Du học sinh Lào, sinh viên năm thứ 2, Khoa Kinh tế-Trường Đại học Hoa Lư cho biết: Từ khi học cấp 3, em đã tìm hiểu và biết đến mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa tỉnh U-Đôm-Xay và tỉnh Ninh Bình. Mong muốn được tìm hiểu, khám phá nhiều hơn về lịch sử, văn hóa, truyền thống, con người của mảnh đất mới, em đã quyết tâm dành học bổng để được du học ở vùng đất Cố đô Hoa Lư tươi đẹp.

Được sự giúp đỡ của các thầy cô, sinh viên Ninh Bình, các sinh viên Lào học tập tại Trường Đại học Hoa Lư đã nhanh chóng hòa nhập, tiếp cận với chương trình đào tạo tiên tiến.

Được sự giúp đỡ của các thầy cô, sinh viên Ninh Bình, các sinh viên Lào học tập tại Trường Đại học Hoa Lư đã nhanh chóng hòa nhập, tiếp cận với chương trình đào tạo tiên tiến.

Cũng như nhiều sinh viên Lào khi lần đầu xa nhà đến Việt Nam học tập, sinh sống, Thaosoang Vilailak đã gặp không ít khó khăn, chủ yếu là những rào cản do sự khác biệt về ngôn ngữ và một số trở ngại về phong tục, tập quán sinh hoạt. Nhưng khó khăn ấy cũng sớm được tháo gỡ nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của các thầy, cô giáo và các sinh viên Trường Đại học Hoa Lư.

Thầy giáo Hoàng Đức Hoan, Trưởng Ban Quản lý nội trú, Trường Đại học Hoa Lư cho biết: Để giúp các du học sinh Lào nhanh chóng tiếp cận với môi trường học tập, sinh hoạt, Hội đồng trường, Ban Giám hiệu Trường Đại học Hoa Lư đã quan tâm chỉ đạo bố trí nơi ăn ở, sinh hoạt riêng biệt, thuận lợi cho các du học sinh Lào. Đặc biệt, Trường chú trọng lựa chọn các thầy cô nhiệt tình, trách nhiệm, tâm huyết tham gia giảng dạy tiếng Việt cho các sinh viên Lào, qua đó giúp các sinh viên nâng cao khả năng giao tiếp tiếng Việt, tiếp thu tốt kiến thức chuyên ngành. Đối với các bộ môn chuyên ngành, các sinh viên Việt Nam và các thầy cô trong Khoa cũng đều cử các sinh viên có năng lực tốt để hướng dẫn, hỗ trợ các du học sinh Lào với phương châm "bạn giúp bạn". Nhờ thế, phần lớn lưu học sinh đã vượt qua khó khăn ban đầu về ngôn ngữ, văn hóa để tiếp cận với chương trình đào tạo tiên tiến của Trường.

Với tình cảm, trách nhiệm, trong nhiều năm qua, tỉnh Ninh Bình đã quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất, nơi ăn, chốn ở cho các du học sinh lào. Theo đó, Trường Đại học Hoa Lư đã triển khai tu bổ, nâng cấp các phòng ở thuộc khu ký túc xá đảm bảo đúng theo đúng tiêu chuẩn phòng ở dành cho lưu học sinh nước ngoài. Các phòng ở được trang bị đầy đủ tiện nghi (giường, tủ, bàn học, bình nóng lạnh, Internet tốc độ cao và các đồ dùng sinh hoạt khác) đáp ứng các điều kiện sinh hoạt, học tập của lưu học sinh Lào.

Tại Trường Đại học Hoa Lư, các lưu học sinh Lào luôn được quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi về nơi ăn, nghỉ, học tập.

Tại Trường Đại học Hoa Lư, các lưu học sinh Lào luôn được quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi về nơi ăn, nghỉ, học tập.

Về trang thiết bị, tài liệu học tập: Cơ sở đào tạo có đầy đủ các trang thiết bị học tập, như: máy tính, máy chiếu, phòng học ngoại ngữ (Lap), phòng thực hành, thí nghiệm, thư viện điện tử phục vụ sinh viên học tập, nghiên cứu.

Với sự hỗ trợ của các giảng viên cùng các bạn sinh viên Việt Nam, tiếng Việt của các sinh viên Lào đã nhanh chóng được cải thiện. Sau 1 năm học tiếng, đa số các em đã tự tin tiếp thu kiến thức chuyên ngành, quyết tâm học thật tốt để đáp ứng yêu cầu công việc trong tương lai khi tốt nghiệp trở về quê hương.

Trong suốt quá trình học chuyên ngành, các giảng viên tại Trường Đại học Hoa Lư đã tổ chức dạy bổ trợ, phân công học sinh Việt Nam kèm cặp, giúp đỡ, củng cố, nâng cao kiến thức cho du học sinh Lào. Đây là điều kiện tốt để các sinh viên Lào vươn lên đạt được kết quả cao. Không ít bạn đã đạt được học bổng. Bên cạnh đó, nhà trường cũng tăng cường để các em được đi thực tập, tìm hiểu thực tế tại tỉnh, giúp các em có thêm kinh nghiệm để áp dụng vào công việc sau này.

Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường luôn đặc biệt quan tâm để các em có điều kiện học tập tốt nhất từ nơi ăn, chỗ ở, đảm bảo đúng chế độ, chính sách. Nhà trường cũng quan tâm tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, tăng cường giao lưu giữa du học sinh Lào và học sinh trong tỉnh, giúp các em hiểu hơn về nét đẹp văn hóa, phong tục, tập quán giữa hai tỉnh, hai đất nước.

Giao lưu văn hóa Việt-Lào tại Trường Đại học Hoa Lư.

Giao lưu văn hóa Việt-Lào tại Trường Đại học Hoa Lư.

Từ đất nước Lào anh em, những lưu học sinh Lào sang du học tại Ninh Bình mang theo bao hoài bão, khát vọng; họ được học tập, nâng đỡ, đùm bọc, yêu thương và mảnh đất này đã trở thành mái nhà thứ hai nuôi dưỡng họ trên hành trình trưởng thành. Sau khi tốt nghiệp trở về nước, nhiều lưu học sinh Lào đã vận dụng kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng của mình, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn trong nhiều ngành nghề đạt hiệu quả cao.

Em Va Yiha, Du học sinh Lào, sinh viên năm cuối Khoa Kinh tế - Trường Đại học Hoa Lư chia sẻ: Đối với em, việc lựa chọn Khoa Kinh tế để theo học là một ngành học khó, so với các bạn sinh viên Việt Nam cùng lớp em phải nỗ lực rất nhiều lần để có thể theo kịp chương trình. Tuy vậy, em luôn nhận được sự hỗ trợ của nhà trường nên đã từng bước vượt qua khó khăn.

Cũng theo em Va Yiha: Trước khi sang Ninh Bình, em chỉ nghĩ đây là nơi giúp học tập, rèn luyện kỹ năng để về phát triển đất nước. Nhưng một thời gian học tập, mảnh đất nơi đây đã thực sự để lại trong em những ấn tượng sâu đậm về tình cảm của người dân Cố đô-nơi kết nghĩa với tỉnh U-Đôm-Xay. Người Ninh Bình chân thành, thẳng thắn, nhân hậu và đậm nét văn hóa Cố đô mà không nơi nào có được. Chính sự yêu thương, hỗ trợ của các thầy cô và bạn bè tại Trường Đại học Hoa Lư đã giúp em và các sinh viên Lào trở nên xích lại gần nhau, yêu thương gắn bó. Nhiều bạn sinh viên Ninh Bình cũng đã rất thích thú và mong muốn tìm hiểu văn hóa Lào khi tham gia các chương trình văn hóa, văn nghệ và Tết cổ truyền của Lào. Điều này khiến chúng em vô cùng cảm kích. Từ mái trường này chúng em đã có thêm mái nhà thứ hai trên mảnh đất Ninh Bình kết nghĩa.

Hàng năm, UBND tỉnh Ninh Bình cấp từ nguồn ngân sách của tỉnh để chi cho hoạt động đào tạo lưu học sinh Lào. Ngoài kinh phí chi đào tạo theo quy định của Nhà nước, trong quá trình đào tạo lưu học sinh Lào, Nhà trường còn dành trích một phần kinh phí từ nguồn thu sự nghiệp để hỗ trợ tiền thi chứng chỉ tiếng Việt B2; chi trang phục hàng năm, chi cấp cơ sở vật chất; chi tiền quà các ngày lễ lớn; chi các hoạt động tham quan, học tập hàng năm cho các sinh viên Lào.

Bên cạnh đó, các lưu học sinh Lào luôn được tạo điều kiện thuận lợi để tham gia các hoạt động ngoài giờ (văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao do nhà trường tổ chức), giúp các em nhanh chóng hòa nhập, thích nghi với môi trường học tập mới. Từ đó giúp các sinh viên Lào nâng cao ý thức chấp hành tốt các nội quy, quy chế của cơ sở đào tạo, nỗ lực vươn lên trong học tập, hòa đồng với sinh viên Việt Nam.

Từ năm 2011 đến tháng 3/2024, theo chương trình hợp tác giữa hai tỉnh, đến nay Trường Đại học Hoa Lư đã đào tạo 8 khóa với 80 sinh viên đã tốt nghiệp ra trường trở về tỉnh U-Đôm-Xay công tác, làm việc. Chuyên ngành được đào tạo của 8 khóa lưu học sinh Lào đã tốt nghiệp bao gồm các ngành: Giáo dục Mầm non, Kế toán, Quản trị kinh doanh, Du lịch và Việt Nam học.

Chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo du học sinh Lào, Trường Đại học Hoa Lư đã góp phần quan trọng thực hiện hiệu quả nội dung Biên bản ghi nhớ việc hợp tác giữa tỉnh Ninh Bình và tỉnh U-Đôm-Xay, qua đó góp phần củng cố, tăng cường hơn mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào.

Tiếp nối truyền thống đoàn kết đặc biệt, "chia ngọt sẻ bùi", "đồng cam cộng khổ", trong giai đoạn xây dựng và phát triển đất nước, Ninh Bình với các địa phương của Lào, đặc biệt là tỉnh U-Đôm-Xay đã có sự hợp tác toàn diện, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai bên. Qua đó góp phần làm sâu sắc hơn mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam-Lào.

Ngày 6/6/1979, tỉnh Hà Nam Ninh (nay là 3 tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình) chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với tỉnh U-Đôm-Xay (Lào). Sau khi tái lập tỉnh (năm 1992), tỉnh Ninh Bình vẫn duy trì mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp với tỉnh U-Đôm-Xay. Đặc biệt, ngày 8/10/2011, tỉnh Ninh Bình và tỉnh U-Đôm-xay chính thức ký kết Biên bản ghi nhớ chương trình hợp tác giữa hai bên trên các lĩnh vực: giáo dục, hợp tác đầu tư, văn hóa, thể thao, du lịch và xây dựng các khu, cụm công nghiệp. Sự kiện này đã mở ra cơ hội hợp tác rộng mở, góp phần thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai địa phương tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đi vào chiều sâu trên nhiều lĩnh vực.

Ngoài quan hệ hợp tác với tỉnh U-đôm-xay, tỉnh Ninh Bình còn mở rộng quan hệ với Thủ đô Viêng Chăn, tỉnh Hủa Phăn.

Với mong muốn hợp tác, giúp bạn việc nào phải làm thật tốt việc đó, hàng năm, Ninh Bình và các tỉnh của Lào thường xuyên trao đổi các đoàn cấp cao, tham dự các sự kiện, ngày lễ trọng đại của hai bên; tổ chức các đoàn thăm và làm việc, trao đổi kinh nghiệm. Trong quá trình hợp tác, tỉnh Ninh Bình đã có nhiều hoạt động giúp đỡ các địa phương của Lào như: Hỗ trợ tỉnh U-Đôm-Xay xây dựng công trình Nhà văn hóa hữu nghị Việt-Lào (nơi tỉnh bạn sử dụng để tổ chức các sự kiện lớn như Đại hội Đảng bộ tỉnh) 2 tỷ đồng; hỗ trợ tỉnh U-Đôm-Xay 500 triệu đồng phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 (năm 2021); hỗ trợ tỉnh U-Đôm-Xay 1 tỷ đồng để khắc phục hậu quả do bão lũ gây ra (năm 2023); hỗ trợ Thủ đô Viêng Chăn 2 tỷ đồng để phát triển cơ sở hạ tầng… Các hoạt động ý nghĩa này không chỉ đóng góp cho phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương nước bạn mà còn góp phần thúc đẩy quan hệ giữa hai nước ngày càng bền chặt.

Nhà văn hóa hữu nghị Viêt-Lào (tỉnh U-Đôm-Xay).

Nhà văn hóa hữu nghị Viêt-Lào (tỉnh U-Đôm-Xay).

Tổng lãnh sự Nguyễn Đăng Hùng thay mặt tỉnh Ninh Bình trao hỗ trợ cho tỉnh U-đôm-xay 500 triệu đồng đồng để hỗ trợ chính quyền và nhân dân tỉnh U-đôm-xay tăng cường khả năng phòng, chống dịch Covid-19 (năm 2019).

Tổng lãnh sự Nguyễn Đăng Hùng thay mặt tỉnh Ninh Bình trao hỗ trợ cho tỉnh U-đôm-xay 500 triệu đồng đồng để hỗ trợ chính quyền và nhân dân tỉnh U-đôm-xay tăng cường khả năng phòng, chống dịch Covid-19 (năm 2019).

Ghi nhận sự hỗ trợ tích cực của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Ninh Bình với tỉnh U-đôm-xay, Đảng, Nhà nước Cộng hòa DCND Lào đã tặng thưởng Huân chương cao quý của Đảng, Nhà nước Cộng hòa DCND Lào cho nhiều tập thể, cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong việc giữ gìn, phát huy truyền thống đoàn kết, hỗ trợ, giúp đỡ tỉnh U-Đôm-Xay trong thời gian qua.

Tháng 3 năm 2024, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước Cộng hòa DCND Lào, đồng chí Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh U-Đôm-Xay Bun-Không-Lả-Chiêm-Phon trao Huân chương Tự do hạng Ba cho các cá nhân của tỉnh Ninh Bình.

Tháng 3 năm 2024, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước Cộng hòa DCND Lào, đồng chí Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh U-Đôm-Xay Bun-Không-Lả-Chiêm-Phon trao Huân chương Tự do hạng Ba cho các cá nhân của tỉnh Ninh Bình.

Trong giai đoạn hiện nay, mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, với bối cảnh quan hệ quốc tế phức tạp và lợi ích đan xen, dựa trên những nét tương đồng về tư tưởng, mục tiêu và lợi ích, quan hệ Việt Nam-Lào vẫn luôn được hai Đảng, hai Nhà nước và Nhân dân hai nước đề cao, duy trì và phát triển bền vững. Đường lối, quan điểm, chính sách trên một lần nữa được đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn khẳng định, nhấn mạnh rõ hơn trong cuộc hội đàm giữa hai tỉnh Ninh Bình và U-Đôm-Xay tại Ninh Bình (tháng 3/2024): Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Ninh Bình xác định việc tăng cường, đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác toàn diện với các địa phương của Lào, trong đó có tỉnh U-Đôm-Xay là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, luôn được ưu tiên hàng đầu.

Tại buổi hội đàm, lãnh đạo hai tỉnh đã thống nhất đánh giá: Trong những năm qua, mối quan hệ hữu nghị hợp tác giữa tỉnh Ninh Bình với tỉnh U-Đôm-Xay không ngừng được tăng cường, củng cố và đạt được những kết quả tích cực. Hai bên thường xuyên trao đổi thông tin, tình hình; quan tâm đến các sự kiện chính trị - xã hội quan trọng của mỗi bên; thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác trên các lĩnh vực; tuyên truyền để nhân dân có nhận thức sâu sắc về mối quan hệ hữu nghị giữa hai tỉnh.

Trong khi đó, đồng chí Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh U-Đôm-Xay Bun-Không-Lả-Chiêm-Phon khẳng định: Việc hợp tác ngày càng đạt hiệu quả, toàn diện trên các lĩnh vực. Trong đó tỉnh Ninh Bình đã giúp đỡ tỉnh U-Đôm-Xay phát triển kinh tế-xã hội, nhất là lĩnh vực giáo dục-đào tạo

Những thành tựu của mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị đặc biệt giữa Ninh Bình với tỉnh U-Đôm-Xay nói riêng và với các địa phương của Lào nói chung trong suốt chặng đường vừa qua là nền tảng và động lực quan trọng để Ninh Bình tiếp tục chung tay vun bồi mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đặc biệt Việt- Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/-emagazine-ninh-binh-dau-son-trong-ban-hung-ca-viet-lao-ky/d20240811110814948.htm