EU: Các quốc gia láng giềng Ukraine yêu cầu thay đổi thỏa thuận thương mại với Kiev
Ngày 5/6 sắp tới có thể đánh dấu bước ngoặt lớn trong quan hệ thương mại EU-Ukraine, khi các nước láng giềng yêu cầu siết lại ưu đãi khiến nông dân nội khối lao đao.

Cờ Liên minh châu Âu và cờ Ukraine tại Brussels, Bỉ. Ảnh: THX/TTXVN
Liên minh châu Âu (EU) đang đối mặt với thời hạn quan trọng vào ngày 5/6 tới đây, khi các biện pháp tự do hóa thương mại tạm thời dành cho Ukraine chính thức kết thúc. Theo Đài phát thanh RFE/RL, tình hình này đang làm nóng cuộc tranh luận giữa các quốc gia thành viên về khung thương mại mới phù hợp với Hiệp định liên kết EU - Ukraine.
Biện pháp tự do hóa thời chiến sắp hết hạn
Kể từ tháng 6/2022, EU đã ban hành Biện pháp thương mại tự chủ (ATM) nhằm đình chỉ thuế nhập khẩu và hạn ngạch đối với hàng hóa Ukraine, nhằm hỗ trợ nền kinh tế quốc gia đang bị xung đột tàn phá. Các biện pháp này đã mang lại hiệu quả rõ rệt cho Kiev: kim ngạch xuất khẩu của Ukraine sang EU trong năm 2024 chiếm gần 60% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng đáng kể so với mức 39,1% của năm 2021.
Tuy nhiên, theo thiết kế ban đầu, ATM chỉ có tính chất tạm thời và có thể gia hạn tối đa hai lần. Với thời hạn cuối cùng đang đến gần, Brussels và Kiev đang gấp rút đàm phán để tìm kiếm giải pháp thay thế.
Phương án dự phòng hiện tại là quay trở lại khuôn khổ Hiệp định liên kết EU - Ukraine có hiệu lực từ năm 2017, với trọng tâm đàm phán là Điều 29 của hiệp định này - điều khoản quy định khả năng tự do hóa thuế quan qua lại giữa hai bên.
Phản ứng và đề xuất từ các quốc gia biên giới
Trong khi Ukraine mong muốn duy trì điều kiện thương mại ưu đãi, nhiều quốc gia láng giềng trong EU như Ba Lan, Slovakia, Hungary và Romania đang thúc đẩy việc áp dụng các quy định chặt chẽ hơn.
Nông dân tại các quốc gia này từ lâu đã phản đối các biện pháp ATM, với lý do rằng lượng hàng nông sản Ukraine tràn vào đã gây quá tải hệ thống kho lưu trữ địa phương và đẩy giá nông sản xuống thấp, tạo ra cạnh tranh không lành mạnh. Tình trạng này đã dẫn đến nhiều cuộc biểu tình và chặn biên giới trong năm 2023 và 2024.
Để giải quyết vấn đề, Ủy ban châu Âu đã thử nghiệm một số giải pháp như niêm phong các lô hàng nông sản Ukraine để chuyển hướng khỏi các quốc gia tuyến đầu, và ban hành các biện pháp "phanh khẩn cấp" đối với một số mặt hàng nhập khẩu vượt quá số lượng trung bình. Các biện pháp này đã được áp dụng với các mặt hàng xuất khẩu yến mạch, trứng, đường và mật ong của Ukraine trong năm qua.
Trong một bức thư chung gửi đến Ủy ban châu Âu, các bộ trưởng nông nghiệp Bulgaria, Hungary, Romania và Slovakia đã nêu rõ: "Việc chế độ ATM sắp hết hạn phải là cơ hội để đánh giá lại và hiệu chỉnh lại quan hệ thương mại của chúng ta với Ukraine. Điều cần thiết là phải đảm bảo rằng các thỏa thuận thương mại trong tương lai phản ánh một cách tiếp cận cân bằng, đáp ứng lợi ích của tất cả các bên mà không gây tổn hại quá mức đến nền kinh tế của các quốc gia thành viên (EU) lân cận (Ukraine)".
Các đề xuất cụ thể từ các quốc gia này bao gồm: Quay trở lại với hạn ngạch thuế quan trước xung đột, áp dụng các điều khoản bảo hộ song phương cho tất cả sản phẩm nông nghiệp, cho phép các quốc gia thành viên tuyến đầu áp dụng biện pháp bảo vệ bổ sung, bổ sung điều khoản xem xét lại thỏa thuận sau hai năm để ngăn ngừa sự bóp méo thị trường.
Ngoài ra, các bộ trưởng trên còn đề xuất thiết lập ngưỡng giá nhập khẩu tối thiểu đối với một số mặt hàng, được mô tả như một biện pháp "răn đe đối với việc nhập khẩu hàng nông sản vào các quốc gia thành viên EU với giá thấp hơn giá thành sản phẩm nông nghiệp sản xuất trong nước" - thực chất là một rào cản thương mại nhằm bảo vệ nông dân địa phương.
Họ cũng yêu cầu Ukraine phải tuân thủ các quy định về vệ sinh, kiểm dịch thực vật, sức khỏe cộng đồng và môi trường phù hợp với các tiêu chuẩn EU, điều mà Ukraine sẽ phải đáp ứng nếu muốn gia nhập EU trong tương lai.

Xe tải xếp hàng tại cửa khẩu Korczowa ở biên giới Ba Lan - Ukraine, ngày 29/12/2023. Ảnh: PAP/TTXVN
Lập trường của Ukraine
Về phía Ukraine, Thủ tướng Denys Shmyhal đã bày tỏ quan điểm rõ ràng trong bức thư gửi Ủy ban Châu Âu: "Nếu không có sự tự do hóa thương mại đa ngành được đảm bảo và liên tục, Ukraine sẽ không thể xây dựng lại các ngành công nghiệp của mình, tạo việc làm và sinh kế cho người dân để phục hồi nền kinh tế. Nói một cách đơn giản, Ukraine cần thương mại với EU. Trước tiên là để tồn tại, sau đó là để phát triển".
Ông Shmyhal cảnh báo rằng việc không đạt được thỏa thuận thương mại ưu đãi có thể khiến Ukraine thiệt hại khoảng 3 tỷ euro mỗi năm và có thể làm giảm 1% GDP của nước này.
Ukraine nhấn mạnh rằng bất kỳ thỏa thuận mới nào cũng nên "bao gồm một số lượng tối thiểu các ngoại lệ" và lưu ý rằng "thị phần của các sản phẩm Ukraine trên thị trường châu Âu vẫn tương đối nhỏ. Đối với nhiều nhóm sản phẩm, ngay cả những nhóm được coi là nhạy cảm, thì con số này vẫn chưa đến 1% tổng lượng tiêu thụ của EU".
Việc đưa ra thỏa thuận mới còn bị ảnh hưởng bởi các yếu tố chính trị, đặc biệt là cuộc bầu cử tổng thống Ba Lan sắp diễn ra vào ngày 18/5 và có thể kéo dài đến vòng hai vào ngày 1/6. Điều này khiến các nhà hoạch định chính sách EU lo ngại rằng vấn đề thương mại với Ukraine có thể trở thành "củ khoai tây nóng chính trị" (nông nghiệp trở thành vấn đề chính trị nóng) trong chiến dịch tranh cử.
Với thời hạn 5/6 đang đến gần, Thủ tướng Shmyhal đã đề xuất một giải pháp tạm thời: "Nếu không thể đạt được giải pháp kịp thời trước ngày 5/6, hai bên cần tìm ra giải pháp chung ngắn hạn để hoạt động xuất khẩu hiện tại của Ukraine có thể tiếp tục cho đến khi Thỏa thuận liên kết được cập nhật".
Với những áp lực từ các bên liên quan và thời hạn đang cận kề, EU đang đứng trước thách thức khó khăn trong việc cân bằng giữa việc hỗ trợ Ukraine trong thời chiến và bảo vệ lợi ích nông dân của các quốc gia thành viên - một bài toán kinh tế-chính trị phức tạp mà cả Brussels và Kiev phải giải quyết trong những tuần tới.