Sầu riêng Thái Lan đến thời bị khách Trung chán ghét
Sầu riêng và các 'tour du lịch sầu riêng' tại Thái Lan từng được khách Trung Quốc yêu thích, nhưng đang dần bị quay lưng.

Thái Lan nỗ lực níu chân du khách tại những gian hàng sầu riêng nhưng dường như chưa mang lại hiệu quả. Ảnh: Sohu.
Theo Sohu, sầu riêng từng là loại trái cây được du khách yêu thích tại chợ đêm xe lửa Ratchada của Bangkok. Cảnh tượng đông nghẹt du khách Trung Quốc xếp hàng trước quầy sầu riêng với những đồng nhân dân tệ trên tay diễn ra mỗi ngày.
Thời hoàng kim nhanh chóng sụp đổ
Để chiều lòng du khách, các khu chợ đêm tràn ngập những biển hiệu bằng tiếng Trung ngọt ngào như "bao chín, bao ngọt", "ngọt hơn mối tình đầu". Những lời ví von đầy ngọt ngào cùng cùng với phần thịt sầu riêng vàng ươm khiến những thực khách Trung Quốc không thể kiểm soát được ví tiền của mình. Các tiểu thương Thái Lan cũng không ngần ngại học tiếng Trung, thậm chí đeo QR code thanh toán WeChat Pay và Alipay như dây chuyền trước ngực để mời chào khách.
Dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan năm 2018 cho thấy cứ 10 quả sầu riêng xuất khẩu thì có tới 6 được tiêu thụ bởi người tiêu dùng Trung Quốc. Những cảnh tượng khách hàng mua theo thùng, xếp hàng thử sầu riêng từng khiến nông dân Thái Lan gọi khách Trung Quốc là "thần tài biết đi".

Tấm biển với nội dung: 'Không sờ, nếu sờ phải mua' được khách du lịch Trung Quốc chụp lại. Ảnh: Sohu.
Người trồng trái cây ở Chiang Mai thậm chí từng phát minh ra "gói sầu riêng ăn thoải mái" dành cho người Trung Quốc - với 500 baht, bạn có thể ăn bao nhiêu tùy thích tại vườn. Những tour “du lịch sầu riêng” cũng được người dân Trung Quốc rất yêu thích, đóng góp không nhỏ trong việc kích cầu du lịch.
Tuy nhiên, không ai có thể ngờ rằng cũng tại khu chợ đêm đó thời gian gần, phong cách lại thay đổi đột ngột. Những khẩu hiệu ngọt ngào đó đã trở thành những lời cảnh báo gây khó chịu: "Đừng ấn vào quả sầu riêng", “Nếu chạm vào phải bồi thường 100 baht". Đáng nói, những tấm biển cấm chỉ viết bằng tiếng Trung, không hề có tiếng Thái hay tiếng Anh.
Những người bán trái cây Thái Lan cho biết họ cảm thấy khó chịu với cách khách du lịch Trung Quốc lựa chọn trái cây. Một số khách du lịch thích ấn vào quả sầu riêng hoặc lắc mạnh để kiểm tra xem nó đã chín chưa trước khi mua, điều này tất nhiên sẽ làm giảm chất lượng của quả và ảnh hưởng đến doanh số bán hàng.
Theo người bán hàng, tất cả khách Trung Quốc trước khi mua sầu riêng đều ấn và véo quả, khiến cho những quả không được lựa chọn rất nhanh hỏng. Khi phải tiếp quá nhiều khách và nhắc nhở liên tục, những người bán hàng đã đưa ra những biển cảnh báo cụ thể để bảo vệ mặt hàng của họ.
Tuy nhiên việc các tấm biển được viết chỉ bằng tiếng Trung đã làm bùng nổ sự bất mãn trong cộng đồng du khách Trung Quốc. Họ cảm thấy bị đối xử bất công,bởi thói quen khi mua trái cây tươi, việc vỗ nhẹ vào lớp vỏ để kiểm tra là rất phổ biến.
Sự phẫn nộ đã lên đến đỉnh điểm khi một số khách du lịch buộc phải mua cả quả sầu riêng sau khi chỉ chạm vào gai bằng đầu ngón tay; thậm chí một vườn cây ăn quả ở tỉnh Chonburi bị phát hiện thu gấp đôi giá vé vào cửa đối với du khách Trung Quốc. Nhiều du khách Trung Quốc đã phát hiện và chụp lại những tấm biển được họ coi là "không văn minh", "thiếu lịch sự" với người mua hàng.
Những hành động vô lý này đã được quay thành video ngắn và đăng tải trên mạng xã hội Trung Quốc, trực tiếp gây ra làn sóng tẩy chay kêu gọi "loại bỏ sầu riêng Thái Lan khỏi giỏ hàng" và ngừng du lịch đến Thái Lan.
Sửa sai liệu còn kịp?
Theo Shohu, sự phẫn nộ đã khiến lượng khách du lịch Trung Quốc sụt giảm mạnh, kéo theo sức tiêu thụ sầu riêng tại thị trường nội địa tụt dốc không phanh.

Ngành sầu riêng Thái Lan lún sâu vào khủng hoảng. Ảnh: Thairath.
Năm 2019, Thái Lan đã chào đón 11 triệu du khách Trung Quốc. Nhưng lượng khách du lịch Trung Quốc đến Thái Lan đang suy giảm mạnh. Tính đến ngày 20/4, số lượng du khách Trung Quốc đến Thái Lan chỉ đạt 1,5 triệu lượt.
Ở những khu chợ sầm uất nhất tại thủ đô Bangkok, những đống sầu riêng từng cao như núi giờ ế ẩm. Người bán hàng giờ chỉ biết ngồi thẫn thờ trước những bảng hiệu tiếng Trung, nay trở thành lời nhắc nhở cho một chiến lược tiếp thị thất bại.
Thấy tình hình đang vượt khỏi tầm kiểm soát, Tổng cục Du lịch Thái Lan đã khẩn trương triển khai kế hoạch "Sầu riêng mỉm cười": Phát các gói mẫu dùng thử miễn phí tại các sân bay lớn và yêu cầu chủ gian hàng phải ghi các tấm biển báo bằng cả tiếng Trung và tiếng Thái.
Những người nông dân trồng trái cây thông minh ở Chiang Rai thậm chí còn phát minh ra "phương pháp lựa chọn bằng hình ảnh" - gắn ảnh CT 360 độ của phần thịt quả vào mỗi quả sầu riêng - để khách hàng có thể nhìn thấy độ chín mà không cần chạm vào.
Tuy nhiên, điều này vẫn không khiến khách Trung Quốc quay lại. Trong lễ hội Songkran (ngày 13-15/4), mặc dù chính phủ Thái Lan tuyên bố khách du lịch Trung Quốc quay trở lại 15%. Nhưng theo Shohu, những người đến các quầy hàng sầu riêng ở chợ đêm chủ yếu là những người trẻ đến để check-in.
Ghi nhận thực tế cho thấy du khách Trung Quốc cũng đôi khi mua sầu riêng, nhưng chỉ để quay những video ngắn về "thách thức những điều cấm kỵ của người Thái", rồi vứt chúng đi sau khi ăn vài miếng - kiểu tiêu thụ trả đũa này thực ra không có tác dụng gì đối với sự phục hồi của ngành sầu riêng cũng như ngành du lịch.
Ông Sisdivachr Cheewarattanaporn - cố vấn của Hiệp hội các đại lý du lịch Thái Lan - cho rằng Thái Lan đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng "tồi tệ nhất" trong nhiều năm qua với nguồn khách từ Trung Quốc.
Giám đốc Cơ quan xúc tiến thương mại Quốc tế thuộc Bộ Thương mại Thái Lan, Sunanta cho biết Thái Lan đang nỗ lực để định hình hình ảnh sầu riêng Thái Lan tại thị trường Trung Quốc, áp dụng chiến lược toàn diện, bao gồm tăng cường quảng bá chất lượng, mở rộng kênh bán hàng trên nền tảng số và tổ chức các hoạt động kích thích tiêu dùng.
Cơ quan Du lịch Thái Lan (TAT) đang chuẩn bị tổ chức một số chuyến khảo sát (famtrip) mời tới 600 đại lý và những người có tầm ảnh hưởng (KOL) từ hơn 30 tỉnh, thành tại Trung Quốc, với mục tiêu thúc đẩy lượng khách du lịch Trung Quốc theo nhóm.
Các chuyên gia cho rằng Thái Lan cần các chiến dịch tích hợp để làm nổi bật các sản phẩm độc đáo, qua đó tăng cường lòng tin và cải thiện sức hấp dẫn của nước này như một điểm đến du lịch thân thiện hơn.
Thanh Huyền/Tiền Phong