EU cảnh báo Hungary và Slovakia ngừng nhập năng lượng Nga
Ủy ban châu Âu đang đẩy mạnh nỗ lực buộc các quốc gia thành viên chấm dứt hoàn toàn phụ thuộc vào khí đốt Nga, trong đó Hungary và Slovakia sẽ phải tuân thủ, dù có muốn hay không.

Một cơ sở khai thác khí đốt ở gần thành phố Novy Urengoi, Nga. Ảnh: Getty Images/TTXVN
Theo tờ Politico ngày 7/5, Liên minh châu Âu (EU) đã công bố chiến lược năng lượng mới đầy tham vọng, đặt mục tiêu kết thúc hoàn toàn hoạt động mua bán khí đốt với Nga vào năm 2027. Kế hoạch này sẽ yêu cầu các công ty năng lượng chấm dứt hợp đồng dài hạn với Moskva, đồng nghĩa với việc chấm dứt nguồn thu lớn từ xuất khẩu khí đốt của Nga sang châu Âu.
Động thái này đẩy Brussels vào thế đối đầu với những quốc gia thành viên vẫn duy trì nhập khẩu năng lượng Nga, đặc biệt là Hungary và Slovakia - hai quốc gia nhiều lần phản đối các biện pháp trừng phạt bổ sung nhằm vào Nga và bày tỏ thái độ không ủng hộ các sáng kiến viện trợ cho Ukraine
Ủy viên Năng lượng EU Dan Jorgensen nhấn mạnh rằng, khác với các biện pháp trừng phạt, đề xuất lần này không cần sự đồng thuận tuyệt đối, nên EU hoàn toàn có thể vượt qua sự phản đối của một số quốc gia thành viên. Phát biểu tại Nghị viện châu Âu ở Strasbourg, ông cho biết EU có thể tiến hành mà không cần toàn bộ sự đồng thuận, vì trong một số trường hợp, quyết định được đưa ra dựa trên ý chí của đa số.
Trước câu hỏi về cách xử lý các quốc gia không tuân thủ, ông Jorgensen cho biết Ủy ban châu Âu đã có các cơ chế xử lý phù hợp. Tuy vậy, một số nhà ngoại giao EU vẫn tỏ ra thận trọng, cho rằng cần làm rõ thêm về cách thức thực thi và cơ chế giám sát cụ thể.
Trong ba năm qua, EU đã cấp nhiều miễn trừ cho một số quốc gia - trong đó có Hungary và Slovakia - để đảm bảo các gói trừng phạt được thông qua. Tuy nhiên, các quốc gia này đã tận dụng các ngoại lệ để tiếp tục nhập khẩu khí đốt và dầu mỏ từ Nga, đồng thời thu lợi từ phí trung chuyển và kinh doanh nhiên liệu.
Chuyên gia Laura Page thuộc công ty phân tích năng lượng Kpler nhận định việc thay thế nguồn cung từ Nga sẽ gây tốn kém cho Hungary và Slovakia, do hai nước không giáp biển và phụ thuộc vào mạng lưới đường ống phức tạp. Trong khi đó, chuyên gia Jonathan Stern từ Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford cho rằng Budapest và Bratislava nhiều khả năng sẽ yêu cầu được hỗ trợ tài chính để bù đắp chi phí chuyển đổi nguồn cung.
Thủ tướng Slovakia Robert Fico đã lên tiếng chỉ trích kế hoạch ngay trước khi được công bố, cho rằng đây là quyết định mang động cơ chính trị và sẽ đẩy giá khí đốt tăng cao. Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cũng bày tỏ quan điểm tương tự trên mạng xã hội X, gọi kế hoạch này là một sai lầm nghiêm trọng, đe dọa an ninh năng lượng, làm tăng giá và vi phạm chủ quyền quốc gia.
Tuy vậy, ông Jorgensen khẳng định EU sẽ hỗ trợ những quốc gia chịu ảnh hưởng lớn hơn trong quá trình chuyển đổi, đồng thời cho biết theo đánh giá kỹ thuật từ phía Ủy ban châu Âu, giá năng lượng trong toàn khối sẽ không có xu hướng tăng. Ông nhấn mạnh "Ủy ban sẽ sử dụng các công cụ hiện có để bảo đảm không quốc gia nào bị ảnh hưởng quá mức", mặc dù chưa đưa ra thông tin cụ thể về các biện pháp hỗ trợ.
Đề xuất của EU không chỉ tác động đến các chính phủ mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới doanh nghiệp. Tập đoàn năng lượng Pháp TotalEnergies - từng để ngỏ khả năng nối lại hợp tác với Nga sau khi xung đột kết thúc - từ chối bình luận, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện các hợp đồng dài hạn cho tới khi có lệnh cấm chính thức được ban hành.
Một số chuyên gia bày tỏ lo ngại về tính khả thi của kế hoạch. Bà Aura Sabadus, chuyên gia thị trường khí đốt tại công ty ICIS, cho rằng "vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được làm rõ, như cơ chế báo cáo dữ liệu, cơ quan giám sát thực thi, hình thức xử phạt cụ thể và mức độ tin cậy đối với việc thực hiện từ các chính phủ có xu hướng thân Nga".
Một quan chức EU cho biết đề xuất sẽ được xây dựng trên cơ sở pháp lý vững chắc, cho phép các doanh nghiệp viện dẫn lý do bất khả kháng để chấm dứt hợp đồng. Quan chức này nhấn mạnh rằng EU hiểu rõ mục tiêu của mình và có thể triển khai kế hoạch một cách an toàn, tuân thủ pháp luật, đồng thời giảm thiểu rủi ro về pháp lý và kinh tế đối với các bên liên quan.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, việc thực thi kế hoạch có thể gặp nhiều trở ngại nếu một số quốc gia viện dẫn lý do an ninh năng lượng để trì hoãn. Ông Martin Vladimirov, Giám đốc Chương trình Năng lượng và Địa kinh tế thuộc Trung tâm Nghiên cứu Dân chủ, nhận định rằng "các nước như Hungary, Slovakia, Séc và Bulgaria có thể đưa ra các kế hoạch kèm theo mốc thời gian cụ thể, nhưng về sau các chính trị gia vẫn có thể cho rằng rủi ro đối với an ninh nguồn cung là quá lớn và lựa chọn không thực hiện, giống như những gì đã xảy ra trong các cam kết loại bỏ than hay phát triển năng lượng tái tạo trước đây".