EU chi 10 triệu euro hỗ trợ nghiên cứu - Viện Pasteur Paris nuôi cấy thành công các chủng virus corona mới

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, ngày 31/1, Ủy ban châu Âu đã công bố khoản tài trợ trị giá 10 triệu euro cho hỗ trợ nghiên cứu về loại virus Corona mới xuất hiện ở Trung Quốc và hiện chưa có phương pháp điều trị nào được chứng minh là hiệu quả.

Máy bay sơ tán công dân Mỹ khỏi thành phố Vũ Hán, Trung Quốc về tới căn cứ không quân ở Riverside, California (Mỹ) ngày 29/1/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Máy bay sơ tán công dân Mỹ khỏi thành phố Vũ Hán, Trung Quốc về tới căn cứ không quân ở Riverside, California (Mỹ) ngày 29/1/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong một thông cáo, Liên minh châu Âu (EU) đưa ra lời kêu gọi khẩn cấp cho các dự án nghiên cứu "giúp nâng cao hiểu biết về dịch virus Corona mới, góp phần vào việc quản lý lâm sàng hiệu quả hơn cho các bệnh nhân bị ảnh hưởng bởi virus và cải thiện công tác chuẩn bị cũng như phản ứng của cơ quan y tế công cộng".

Ủy viên EU phụ trách y tế Xtê-la Stella Kyriakides nhấn mạnh EU cần có phản ứng đa chiều và phối hợp giữa các quốc gia thành viên trong việc đối phó với virus Corona và nghiên cứu là yếu tố quan trọng nhất. Chúng ta cần biết nhiều hơn nữa về loại virus này để có các biện pháp phòng ngừa và đảm bảo chăm sóc tốt nhất cho công dân của chúng ta.

Nhiều trung tâm nghiên cứu trên toàn thế giới đang tích cực làm việc để phát triển loại vắcxin mới phòng chống loại virus này. Theo trang web khoa học Stat, tổ chức Liên minh các sáng kiến ứng phó dịch bệnh (CEPI) đã đặt ra một mục tiêu rất táo bạo là có được vắcxin để thử nghiệm trên người trong vòng 16 tuần.

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, Viện Pasteur Paris chiều 31/1 thông báo đã tìm cách phân lập và nuôi cấy thành công các chủng virus Corona mới. Thành quả này, đầu tiên tại châu Âu, là "một bước tiến lớn" trong việc nghiên cứu vắcxin và lập phác đồ điều trị.

Các nhà khoa học Pháp đã sử dụng các mẫu bệnh phẩm từ các trường hợp đầu tiên nhiễm virus Corona ở Pháp, được xác nhận ngày 24/1. Theo Viện Pasteur, toàn bộ các nghiên cứu sẽ được thực hiện sau khi vượt qua giai đoạn này. Corona 2019-NCoV là một loại virus rất khó phân lập. Trước đó, Trung Quốc và Australia cũng đã thành công trong việc nuôi cấy này.

Cùng ngày, Viện nghiên cứu y học Pháp cho biết các nhà khoa học đang thử nghiệm một số phương pháp điều trị bệnh viêm phổi cấp do virus Corona. Đầu tiên là sử dụng Kaletra, một loại thuốc chống HIV/AIDS, kết hợp hai phân tử kháng virus lopinavir và ritonavir. Hiện Trung Quốc đã dùng thuốc này trong các thử nghiệm lâm sàng, song vẫn chưa được công bố kết quả. Lựa chọn thứ hai là kết hợp thuốc Kaletra với thuốc kháng virus và liệu pháp miễn dịch, đã từng được sử dụng đối với chủng virus corona MERS (hội chứng hô hấp Trung Đông). Phương pháp thứ ba dựa trên remdesivir, một loại thuốc chống virus đã được sử dụng trong phòng chống bệnh Ebola.

Trong cuộc họp báo tối 31/1, Bộ trưởng Y tế Agnes Buzyn thông báo "không có trường hợp nhiễm bệnh mới hôm nay" ở Pháp. Trong số hơn 180 công dân Pháp ở Vũ Hán, Trung Quốc, vừa được máy bay quân sự đưa về nước trưa 31/1, hai người “có triệu chứng" đã nhanh chóng được đưa đến Bệnh viện Đại học Marseille, nơi họ đã được xét nghiệm và có “kết quả âm tính”. Các công dân vừa trở về được cách ly trong vòng 14 ngày tại một trung tâm nghỉ mát ở Carry-le-Rouet, gần thành phố Marseille, miền Nam nước Pháp. Trong thời gian cách ly, họ chịu sự giám sát y tế và thường xuyên đo thân nhiệt để đảm bảo không bị nhiễm virus. Họ cam kết tuân thủ các biện pháp kiểm dịch và hoàn toàn tự do dạo chơi trong khuôn viên của khu nghỉ, sau khi trang bị những thiết bị cần thiết để bảo vệ bản thân và những người khác như đeo khẩu trang.

Theo bà Bộ trưởng, chuyến bay sơ tán thứ hai đang được lên kế hoạch vào cuối tuần này. Bộ Y tế Pháp cũng công bố một đường dây nóng miễn phí (08 01 13 00 00) nhằm giải đáp mọi thắc mắc của người dân từ 9h đến 19h hàng ngày.

Kim Chung - Linh Hương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/eu-chi-10-trieu-euro-ho-tro-nghien-cuu-vien-pasteur-paris-nuoi-cay-thanh-cong-cac-chung-virus-corona-moi-20200201070220682.htm