EU 'chốt hạ' sử dụng tài sản Nga; chính thức thông qua gói trừng phạt thứ 14, thêm 116 cá nhân và tổ chức bị 'gọi tên'

Ngày 24/6, Ngoại trưởng Bỉ Hadja Lahbib tuyên bố, các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận cuối cùng về việc sử dụng thu nhập từ tài sản bị phong tỏa của Nga.

EU đạt thỏa thuận sử dụng tài sản bị phong tỏa của Nga cho Ukraine. (Nguồn: Newsweek)

EU đạt thỏa thuận sử dụng tài sản bị phong tỏa của Nga cho Ukraine. (Nguồn: Newsweek)

Phát biểu trước thềm Hội nghị Ngoại trưởng EU tại Luxembourg, bà Lahbib chia sẻ: "Liên quan đến tài sản bị phong tỏa của Nga, thỏa thuận đã đạt được, chúng tôi nhất trí về những bảo đảm an ninh đầy đủ cho quá trình này nhằm giải ngân thu nhập từ tài sản bị phong tỏa của Nga”.

Đồng quan điểm với Ngoại trưởng Bỉ, Đại diện cấp cao EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell cho hay, ông đưa ra đề xuất nhằm tránh bất kỳ quốc gia thành viên nào ngăn chặn việc sử dụng số tiền thu được từ quỹ tài chính bị đóng phong tỏa của Moscow để hỗ trợ Kiev.

Phương Tây đã đóng băng gần 300 tỷ USD tài sản thuộc Ngân hàng trung ương Nga, sau khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022.

Động thái trên bị Moscow tố cáo là "hành vi trộm cắp".

Khoảng 280 tỷ USD trong số tiền này bị nắm giữ ở EU, chủ yếu tại cơ quan lưu ký và thanh toán bù trừ Euroclear có trụ sở tại Bỉ.

Đầu tháng 6 này, Nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G7) thông báo đã đạt được thỏa thuận về việc sử dụng tiền lãi từ các tài sản bị phong tỏa của Nga để tài trợ cho khoản vay 50 tỷ USD nhằm hỗ trợ Ukraine mua vũ khí và xây dựng lại cơ sở hạ tầng bị hư hại.

* Cũng trong ngày 24/6, Hội đồng châu Âu xác nhận phê duyệt gói trừng phạt lần thứ 14 nhằm vào Nga.

Trong một tuyên bố, Hội đồng châu Âu nhấn mạnh: “Hôm nay, Hội đồng đã thông qua gói thứ 14 gồm các biện pháp hạn chế kinh tế và cá nhân, giáng một đòn mạnh hơn nữa vào chính quyền của Tổng thống Nga Vladimir Putin".

Theo tuyên bố, gói trừng phạt mới mới mở rộng các hạn chế với 116 cá nhân và tổ chức.

Tuyên bố có đoạn: "Để bảo đảm các cơ sở của EU không được sử dụng để vận chuyển khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga sang các nước thứ ba, từ đó, làm giảm doanh thu đáng kể mà Nga thu được từ hoạt động bán và vận chuyển LNG. EU cấm các dịch vụ chuyển tải LNG của Moscow trên lãnh thổ các nước trong khối nhằm mục đích thực hiện các hoạt động trung chuyển sang nước thứ ba”.

EU đồng thời cấm các công ty sử dụng Hệ thống chuyển thông điệp tài chính (SPFS), một giải pháp thay thế cho hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT.

Ngoài ra, khối 27 thành viên cũng áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với "hạm đội bóng đêm" của Nga, "các tàu cụ thể góp phần vào chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine".

Gói trừng phạt nhắm vào 27 tàu và mở rộng các hạn chế đối với hoạt động nhập khẩu khí heli từ Nga...

Thêm vào đó, Hội đồng châu Âu được yêu cầu thực hiện các biện pháp để bảođảm rằng, các công ty con ở nước thứ ba không vi phạm các lệnh trừng phạt của châu Âu hoặc “tham gia vào bất kỳ hoạt động nào dẫn đến kết quả mà các lệnh trừng phạt muốn ngăn chặn”.

Tuyên bố kết luận: "Hội đồng đã bổ sung thêm 61 thực thể vào danh sách những bên trực tiếp hỗ trợ tổ hợp công nghiệp và quân sự của Nga trong chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Các thực thể này sẽ phải chịu những hạn chế xuất khẩu chặt chẽ hơn liên quan đến hàng hóa và công nghệ lưỡng dụng, cũng như hàng hóa và công nghệ có thể góp phần nâng cao công nghệ cho lĩnh vực quốc phòng và an ninh của Nga".

(theo Sputnik News, Reuters)

Việt An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/eu-chot-ha-su-dung-tai-san-nga-chinh-thuc-thong-qua-goi-trung-phat-thu-14-them-116-ca-nhan-va-to-chuc-bi-goi-ten-276135.html