EU 'chốt' mở rộng trừng phạt Belarus vì khủng hoảng di cư

Các biện pháp trừng phạt nhằm vào 'người dân, hãng hàng không, đại lý du lịch và tất cả những người liên quan đến việc đẩy người di cư bất hợp pháp này'.

Cảnh sát Ba Lan gác biên giới với Belarus để ngăn chặn dòng người di cư người cố gắng xâm nhập lãnh thổ nhằm tiến vào EU. Ảnh: BelTA/Reuters

Cảnh sát Ba Lan gác biên giới với Belarus để ngăn chặn dòng người di cư người cố gắng xâm nhập lãnh thổ nhằm tiến vào EU. Ảnh: BelTA/Reuters

Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý về các biện pháp trừng phạt mới chống lại Belarus nhằm vào "tất cả mọi người tham gia" tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển người đến biên giới của Belarus với Ba Lan, khiến hàng nghìn người đang mắc kẹt trong các trại tạm bợ trong thời tiết băng giá.

EU cáo buộc chế độ của Tổng thống Alexander Lukashenko tiến hành một "cuộc tấn công hỗn hợp" chống lại khối bằng cách cho phép những người từ Trung Đông đang khao khát đến được EU bay đến Minsk sau đó đi đến biên giới Ba Lan.

Ông Josep Borrell, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU, cho biết quyết định của 27 Ngoại trưởng EU phản ánh “quyết tâm của EU trong việc chống lại việc hỗ trợ người di cư vì mục đích chính trị”.

Danh sách những người và tổ chức sẽ bị ảnh hưởng bởi việc đóng băng tài sản và lệnh cấm đi lại dự kiến sẽ được hoàn thiện trong những tuần tới. Nó sẽ bao gồm “mọi người, các hãng hàng không, các công ty du lịch và tất cả những người liên quan đến việc đẩy người di cư bất hợp pháp ra khỏi biên giới của chúng tôi”, ông Borrell nói.

EU đã áp đặt bốn vòng trừng phạt đối với chính quyền Belarus và các quan chức cấp cao trong cuộc bầu cử gây tranh cãi năm ngoái và cuộc đàn áp với những người biểu tình sau đó.

Những người di cư trong một trại ở biên giới Belarus-Ba Lan ở vùng Grodno. Các binh sĩ Anh được cử đến để hỗ trợ kỹ thuật. Ảnh: Belta/AFP Getty Images

Những người di cư trong một trại ở biên giới Belarus-Ba Lan ở vùng Grodno. Các binh sĩ Anh được cử đến để hỗ trợ kỹ thuật. Ảnh: Belta/AFP Getty Images

Các quan chức EU muốn đảm bảo danh sách trừng phạt mới là kín kẽ về mặt pháp lý, để giảm thiểu nguy cơ bị kiện ra Tòa án Công lý châu Âu. Nên dù các Ngoại trưởng EU đã “cố gắng hoàn thành việc (đưa ra danh sách trừng phạt mới - PV) vào hôm qua, nhưng thực tế là có thể sẽ đến sau hai tuần nữa” mới thực sự hoàn thành, một nhà ngoại giao của EU cho biết.

Các nhà ngoại giao cũng đang thảo luận về việc thắt chặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Belarus bằng cách mở rộng các hạn chế vốn đã nhắm vào ngành công nghiệp thuốc lá và kali - cả hai nguồn thu quan trọng của Minks.

Danh sách trừng phạt được cho là không có sự xuất hiện của hãng hàng không Nga Aeroflot, mặc dù Ba Lan và Lithuania cáo buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng biên giới "để gây bất ổn cho EU”.

Với các báo cáo về việc quân đội Nga tập trung đông đảo gần biên giới của Nga với Ukraine, Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis cho rằng Điện Kremlin có thể đang chuẩn bị một cuộc tấn công và Lithuania sẽ sẵn sàng giúp đỡ bất kỳ cuộc hồi hương nào do Liên hợp quốc tổ chức đến Trung Đông, nhưng loại trừ các chuyến bay trở về từ Lithuania.

Các quan chức EU đã tổ chức các cuộc đàm phán với các quốc gia ở Trung Đông để kiềm chế dòng người di cư, nhiều người từ Iraq và Syria, đến biên giới với châu Âu. Nhưng điều đó sẽ không giải quyết được câu hỏi phải làm gì với hàng nghìn người đã bị mắc kẹt, trong nhiều trường hợp bị từ chối nhập cảnh vào cả Ba Lan và trở lại Belarus.

Các nhà ngoại giao ước tính khoảng 10.000 đến 20.000 người đang phải đối mặt với điều kiện ngày càng khắc nghiệt ở khu vực biên giới khi nhiệt độ giảm mạnh.

Người di cư bị mắc kẹt ở biên giới Ba Lan - Belarus trong điều kiện thời tiết băng giá. Ảnh: Bloomberg

Người di cư bị mắc kẹt ở biên giới Ba Lan - Belarus trong điều kiện thời tiết băng giá. Ảnh: Bloomberg

Một quan chức Iraq hôm Chủ nhật thông báo nước này sẽ tổ chức chuyến bay hồi hương đầu tiên cho những người bị mắc kẹt ở biên giới giữa Belarus và Ba Lan. Chuyến bay sẽ khởi hành vào thứ Năm từ Minsk. Theo một cuộc kiểm đếm của chính phủ Iraq, 571 công dân của nước này đã yêu cầu hồi hương "tự nguyện".

Số lượng người Iraq ở biên giới Belarus-Ba Lan được cho là còn cao hơn nhiều. Tuần trước, một quan chức người Kurd của Iraq ước tính rằng có khoảng 8.000 người từ khu vực đó ở biên giới.

Hôm thứ Hai, Tổng thống Lukashenko cho biết nhiều người trong số những người cắm trại ở biên giới với Ba Lan sẽ không muốn quay trở lại Iraq.

“Chúng tôi đã sẵn sàng… đưa họ lên máy bay chở họ trở về nhà”, ông Lukashenko nói trong phát biểu trên truyền hình với các quan chức chính phủ. “Nhưng đây là những người, phải nói là rất cứng đầu: Không ai muốn quay lại. Và rõ ràng là tại sao: họ không có nơi nào để quay lại”.

Trong một kịch bản rất khó xảy ra, ông Lukashenko cũng gợi ý rằng Belarus sẽ sẵn sàng vận chuyển người di cư trực tiếp đến Đức. “Nếu người Ba Lan không cho chúng tôi một hành lang nhân đạo, thì chúng tôi có thể đưa họ đến Munich ở Belavia", ông nói.

Hồng Hân (theo The Guardian)

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/eu-chot-mo-rong-trung-phat-belarus-vi-khung-hoang-di-cu-post421936.html