EU có thể đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính mới
Ông Friedrich Merz, người sẽ trở thành Thủ tướng Đức trong những ngày tới, bày tỏ quan ngại sâu sắc về nguy cơ Liên minh châu Âu (EU) rơi vào một cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng. Ông cảnh báo rằng nhiều quốc gia thành viên đang gánh vác mức nợ công quá lớn, đẩy khu vực vào một tình thế bấp bênh tương tự cuộc khủng hoảng tài chính trước đây. Theo ông Merz, nếu không có những biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn đối với tài chính công, EU có thể sớm đối mặt với một làn sóng bất ổn kinh tế trầm trọng, đe dọa sự ổn định của cả khối.
Không thể tránh khỏi
"Chúng ta không thể bất cẩn với tài chính công của mình như một số nước khác - và ngay cả với những nước khác, tôi cũng bắt đầu thấy rất lo lắng", ông Merz- Chủ tịch đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) - nói trong cuộc phỏng vấn với Berlin Playbook Podcast của Politico.
Mặc dù không trực tiếp nêu tên những quốc gia mà ông đề cập, nhưng trong EU, có ít nhất 6 quốc gia có tỷ lệ nợ công vượt quá quy mô sản lượng kinh tế hàng năm của họ, bao gồm Pháp, Italy, Hy Lạp, Bỉ, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Điều này làm dấy lên mối lo ngại về sự ổn định tài chính trong khu vực đồng tiền chung euro.
Ông Merz nhấn mạnh rằng một cuộc khủng hoảng tài chính là điều không thể tránh khỏi: "Cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo chắc chắn sẽ xảy ra. Đó sẽ là một cuộc khủng hoảng nợ công. Chúng ta không biết khi nào nó sẽ xảy ra. Chúng ta không biết nó sẽ đến từ đâu, nhưng nó sẽ đến".
Những bình luận của Merz được đưa ra trong bối cảnh Đức chuẩn bị bước vào cuộc tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội mới vào ngày 23.2. Theo các cuộc thăm dò mới nhất, Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) theo đường lối bảo thủ của ông đang dẫn đầu mạnh mẽ. Bên cạnh đó, cuộc tranh luận về việc cải cách cái gọi là phanh nợ của Đức cũng đang trở nên gay gắt hơn. Quy tắc tài chính nghiêm ngặt này giới hạn mức thâm hụt ngân sách của Chính phủ liên bang ở mức 0,35% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), trừ khi có những trường hợp đặc biệt như khủng hoảng kinh tế.

Nguồn: taxfoundation.org
Tuy nhiên, những áp lực mới từ Mỹ đối với EU trong việc tăng chi tiêu quốc phòng đã làm dấy lên câu hỏi về khả năng duy trì chính sách tài khóa nghiêm ngặt trên. Washington đã kêu gọi châu Âu phải đóng góp nhiều hơn để bảo vệ chính mình, đặc biệt là trong bối cảnh căng thẳng quân sự với Nga.
Riêng với Đức, áp lực tài chính ngày càng lớn khi nước này cam kết với NATO sẽ dành ít nhất 2% GDP cho ngân sách quốc phòng sau năm 2027. Hiện tại, Chính phủ Đức đã thành lập một quỹ trị giá 100 tỷ euro nhằm hiện đại hóa quân đội, đặc biệt là sau cuộc xung đột Nga - Ukraine năm 2022. Tuy nhiên, phần lớn số tiền này đã được phân bổ, khiến Berlin phải tìm kiếm thêm khoảng 30 tỷ euro mỗi năm để duy trì cam kết quân sự.
Nhu cầu tăng trưởng
Trong cuộc phỏng vấn với Politico, Friedrich Merz không loại trừ khả năng cải cách “phanh nợ”. Tuy nhiên, theo ông, trước khi thảo luận về việc nới lỏng các quy tắc tài khóa, Chính phủ cần xem xét lại các khoản chi tiêu công, đặc biệt là những lĩnh vực có thể cải tổ như trợ cấp thất nghiệp và hỗ trợ người tị nạn.
"Thứ tự các vấn đề phải rõ ràng. Câu hỏi đầu tiên chúng ta cần đặt ra bây giờ là: Chúng ta có thể chi tiêu ở mức nào?” và “Câu trả lời quan trọng nhất cho mọi thứ là tăng trưởng kinh tế. Và trước tiên tôi xếp mọi thứ vào mục tiêu đó, sau đó chúng ta có thể thảo luận về nhiều vấn đề khác", ông cho biết.
Tuy nhiên, hai lựa chọn khả thi nhất để CDU của ông Merz thành lập Chính phủ liên minh là đảng Dân chủ xã hội (SPD) của Thủ tướng Olaf Scholz và đảng Xanh, từ lâu đã cho rằng việc giới hạn vay nợ theo Hiến pháp là trở ngại cho việc giải quyết các thách thức của Đức. Do đó, vấn đề cải cách tài chính có thể sẽ trở thành một trong những điểm mấu chốt trong các cuộc đàm phán liên minh.
Ông Merz xác nhận rằng, CDU đã chuẩn bị cho nhiều kịch bản khác nhau và có thể thương lượng các điều khoản trong Chính phủ liên minh nếu giành chiến thắng. Tuy nhiên, bất kể thành phần Chính phủ tiếp theo ra sao, ông đã loại trừ khả năng Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck của đảng Xanh tiếp tục giữ vai trò hiện tại. Ông chỉ trích mạnh mẽ cách tiếp cận chính sách kinh tế và khí hậu của ông Habeck, đồng thời tuyên bố sẽ thay đổi hoàn toàn cơ cấu bộ này nếu CDU giành được quyền lực.
"Không chỉ chính sách kinh tế của ông Robert Habeck sẽ không được tiếp tục, mà cơ cấu của bộ này với nền kinh tế và khí hậu dưới một mái nhà cũng sẽ bị chấm dứt. Việc xây dựng này là một sai lầm ngay từ đầu", ông cho biết.
Lập trường này của Merz có thể tạo ra rào cản đáng kể cho một liên minh CDU-đảng Xanh. Bản thân ông Markus Söder, Thủ hiến bang Bavaria và là một nhân vật có ảnh hưởng lớn trong CDU, từ lâu đã phản đối việc liên minh với đảng Xanh.
Bên cạnh đó, sự khác biệt giữa CDU và đảng Xanh không chỉ nằm ở chính sách kinh tế mà còn cả vấn đề di cư, một chủ đề nóng trong chính trị Đức. Ông Merz đã cam kết sẽ áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt ngay từ khi nhậm chức nếu trở thành Thủ tướng. Đây là điểm gây tranh cãi lớn với đảng Xanh, những người cho rằng các biện pháp hạn chế nhập cư cứng rắn có thể vi phạm luật pháp quốc tế.
Tuy nhiên, CDU có thể tìm được điểm chung với SPD, khi Chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz gần đây cũng đã có quan điểm cứng rắn hơn đối với vấn đề nhập cư bất hợp pháp. Điều này khiến khả năng CDU-SPD hợp tác trở nên thực tế hơn so với một liên minh CDU - đảng Xanh.
"Số lượng người đến với chúng tôi phải giảm xuống, và phải nhanh chóng. Nhiều quốc gia khác đã chứng minh rằng điều đó có thể thực hiện được. Tại sao điều đó lại không hiệu quả ở Đức?", ông Merz tuyên bố.
Ông cũng đề xuất áp dụng các biện pháp cứng rắn hơn nhằm kiểm soát dòng người di cư, bao gồm việc giam giữ những người xin tị nạn bị đánh giá là có nguy cơ gây nguy hiểm, mở rộng danh sách các quốc gia có thể bị trục xuất, ngay cả khi những nước này đang nằm dưới sự kiểm soát của các chính quyền cực đoan như Afghanistan dưới chế độ Taliban. Ngoài ra, ông nhấn mạnh sự cần thiết của việc ký kết các thỏa thuận di cư song phương với các quốc gia khác, lấy mô hình của Thủ tướng Italy Giorgia Meloni làm tham chiếu.
Với những quan điểm cứng rắn về tài chính, kinh tế và nhập cư, ông Merz đang định hình CDU theo hướng bảo thủ hơn so với thời kỳ lãnh đạo của bà Angela Merkel. Cuộc bầu cử sắp tới sẽ quyết định liệu CDU có giành chiến thắng và ông có thể hiện thực hóa tham vọng của mình hay không, cũng như liệu Đức có bước vào kỷ nguyên chính trị mới dưới sự lãnh đạo của nhà lãnh đạo này hay không.