EU 'đặt cược' quan hệ với Mỹ nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran
EU quyết định chấp nhận mạo hiểm, thậm chí là 'đặt cược' quan hệ với Mỹ nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân lịch sử ký năm 2015 với Iran.
Trong một diễn biến đáng chú ý, Liên minh châu Âu hôm qua (15-7) quyết định chấp nhận mạo hiểm, thậm chí là “đặt cược” quan hệ với Mỹ nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân lịch sử ký năm 2015 với Iran. Tuy nhiên, các ngoại trưởng Liên minh châu Âu cũng thừa nhận sẽ rất khó đáp ứng được tất cả kỳ vọng của nước Cộng hòa Hồi giáo do các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Cuộc họp Ngoại trưởng Liên minh châu Âu tại Brussels, Bỉ hôm 15-7 đã chứng kiến lập trường ngày một xa cách với Mỹ liên quan tới hồ sơ Iran. Các nước châu Âu đã cho thấy quyết tâm bảo vệ đến cùng thỏa thuận lịch sử ký năm 2015 chấm dứt hàng thập kỷ căng thẳng liên quan tới chương trình hạt nhân Iran, bất chấp việc có thể đặt mối quan hệ với Mỹ trước những nguy cơ.
Phát biểu với báo chí trước khi bước vào thảo luận, Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt tin tưởng, thỏa thuận vẫn chưa rơi vào điểm chết và Liên minh châu Âu muốn trao cho Iran “cơ hội đảo ngược những bước đi trái với cam kết của mình". Cũng chia sẻ quan điểm này, song Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian lại sử dụng những ngôn từ khá mạnh mẽ khi chỉ trích chính quyền Mỹ đã đưa ra những quyết định tồi tệ khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và tái áp đặt các lệnh trừng phạt chống nước Cộng hòa Hồi giáo.
“Châu Âu phải đoàn kết trong vấn đề này. Pháp, cùng với Anh, Đức và Liên minh châu Âu phải đảm bảo một ý chí thường trực để đưa Iran trở lại thỏa thuận. Tôi tin là điều mà chúng ta đang chứng kiến hiện nay là một quyết định tồi nhằm phản ứng với một quyết định tồi tệ khác, đó là quyết định của Mỹ rút khỏi thỏa thuận”, ông Le Drian nói.
Châu Âu hi vọng có thể thuyết phục Iran tin tưởng vào thiện chí của mình thông qua việc sử dụng Công cụ hỗ trợ trao đổi thương mại (Instex). Đây là một cơ chế được thành lập nhằm né các lệnh trừng phạt của Mỹ bằng cách tránh sử dụng đồng đôla trong các giao dịch. Tại cuộc họp ngày 15-7, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu Federica Mogherini đặc biệt thông báo, những giao dịch đầu tiên đang được tiến hành. 10 nước trong khối Liên minh châu Âu đã cam kết sử dụng công cụ này và những nước không phải thành viên khối cũng tham gia sáng kiến.
Theo các nhà ngoại giao châu Âu, những biện pháp trừng phạt “vượt lãnh thổ” của Mỹ đã khiến các doanh nghiệp châu Âu lo ngại và quyết định rời khỏi Iran. Nước Cộng hòa Hồi giáo không thể xuất khẩu dầu mỏ và vì thế cũng bị tước đi nguồn thu chính của nền kinh tế. Ngoại trưởng Tây Ban Nha Josep Borrell, người dự kiến sẽ thay thế bà Federica Mogherini trên cương vị người đứng đầu ngành ngoại giao châu Âu, tuyên bố, khối này không thừa nhận tính chất ngoài lãnh thổ của các lệnh trừng phạt mà Mỹ đang áp đặt chống Iran.
Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt, một trong 2 ứng cử viên hàng đầu cho chức vị người kế nhiệm Thủ tướng May thì cho thấy sự bất đồng sâu sắc với Mỹ khi nhấn mạnh, nước này coi Mỹ là đồng minh, song thậm chí ngay cả với những nước bạn bè, thì đôi khi cũng xảy ra bất đồng.
“Chúng tôi luôn coi Mỹ là đồng minh thân thiết nhất và tin rằng liên minh Mỹ- Anh là nền tảng của hòa bình và thịnh vượng toàn cầu 75 năm qua. Tuy nhiên ngay cả với những nước bạn bè thì đôi khi cũng xảy ra bất đồng và Iran là một trong số những hồ sơ hiếm hoi như vậy. Song điều đó không có nghĩa là chúng tôi không thể làm việc chặt chẽ với nhau trong nỗ lực theo đổi hòa bình”, bà Theresa May nói.
Tuy nhiên những tuyên bố này của châu Âu dường như là chưa đủ. Bởi điều mà chính quyền Iran cần là hành động cụ thể. Trong một thông cáo phát đi cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Moussavi tuyên bố, châu Âu cần phải chứng minh được thiện chí chính trị và khả năng giúp Iran thực sự được hưởng lợi từ thỏa thuận. Tổ chức năng lượng nguyên tử Iran thì cảnh báo, nếu người châu Âu và người Mỹ không muốn hành động phù hợp với những cam kết của mình, thì Iran cũng vậy. Nước này sẽ có những bước đi tương ứng và trở lại tình hình của cách đây 4 năm.