EU đồng ý giảm 11,7% mức tiêu thụ năng lượng vào năm 2030
Liên minh châu Âu (EU) hy vọng, thỏa thuận cắt giảm tiêu thụ năng lượng này sẽ chống lại biến đổi khí hậu và hạn chế sự phụ thuộc của họ vào nhiên liệu hóa thạch của Nga. Nó sẽ được chuyển đến Nghị viện châu Âu và các quốc gia để bỏ phiếu lần cuối.
Các nhà đàm phán từ các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu và Nghị viện châu Âu đã đạt được thỏa thuận vào thứ Sáu vừa rồi nhằm giảm 11,7% mức tiêu thụ năng lượng trên toàn khối vào năm 2030.
Thỏa thuận được đưa ra khi khối nỗ lực hạn chế sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga và chống biến đổi khí hậu. "Tiết kiệm năng lượng là một bước quan trọng để cứu hành tinh", Phó Chủ tịch Ủy ban EU Frans Timmermans cho biết trong một tuyên bố.
Ông nói thêm: “Trong những tháng gần đây, người châu Âu đã cho thấy rằng họ đã sẵn sàng và có thể đối mặt với thách thức này, và ngành công nghiệp của chúng tôi đã chứng minh rằng họ có thể tối ưu hóa các quy trình sản xuất và sử dụng năng lượng của mình”.
Thỏa thuận xanh sẽ được chuyển đến Nghị viện châu Âu và các quốc gia thành viên để bỏ phiếu lần cuối. Đây thường là một thủ tục, với các văn bản thường được phê duyệt mà không cần thay đổi.
Thỏa thuận hôm thứ Sáu được đưa ra dưới dạng sửa đổi mục tiêu 9% trước đó, chúng được đề xuất ban đầu vào năm 2021. Tất cả đều là một phần trong kế hoạch của EU nhằm đạt được sự trung lập về khí hậu vào năm 2050.
Tuy nhiên, khi Nga tấn công Ukraine, nhu cầu của các nước châu Âu hạn chế sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, mà Nga là nhà cung cấp lớn nhất đã trở nên cấp bách hơn.
Hãng tin Reuters dẫn lời Niels Fuglsang, trưởng đoàn đàm phán của Nghị viện, cho biết: “Điều này có nghĩa là thay đổi thực sự vì lợi ích của khí hậu và bất lợi cho Tổng thống Nga Vladimir Putin”.
Thỏa thuận này được đưa ra như một sự thỏa hiệp giữa Nghị viện châu Âu, vốn đang thúc đẩy mục tiêu cao hơn nhiều là 14%, và một số quốc gia EU muốn duy trì mức 9% ban đầu.
Điều đó có nghĩa là các quốc gia thành viên EU phải tiết kiệm trung bình 1,49% mức tiêu thụ năng lượng mỗi năm từ năm 2024 đến năm 2030.
Thỏa thuận quy định rằng mục tiêu sẽ bị ràng buộc về mặt pháp lý. Mặc dù các thành viên khối có quyền tự do đặt mục tiêu quốc gia không ràng buộc của riêng họ, nhưng nếu họ không đạt được mục tiêu 11,7%, Ủy ban châu Âu sẽ can thiệp.
Mai Anh (theo AP, Reuters, DW)