EU-G7 'ra đòn' thiếu chuyên nghiệp, đây là cách Moscow 'né' lệnh trừng phạt, chất bán dẫn vẫn 'chảy' vào Nga

Nga dường như đang 'lách' thành công các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) và Nhóm các nền công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) để đảm bảo nguồn cung hàng hóa, nhất là chất bán dẫn và các công nghệ khác.

Các biện pháp trừng phạt của EU đang góp phần làm suy thoái kinh tế kéo dài ở Nga, nhưng hiệu quả cũng phụ thuộc vào việc chúng được thực thi tốt như thế nào. (Nguồn: Reuters)

Các biện pháp trừng phạt của EU đang góp phần làm suy thoái kinh tế kéo dài ở Nga, nhưng hiệu quả cũng phụ thuộc vào việc chúng được thực thi tốt như thế nào. (Nguồn: Reuters)

Trong một bài báo gần đây trên Bloomberg, tác giả Alberto Nardelli thông tin, kim ngạch nhập khẩu của Nga nhìn chung đã quay trở lại mức năm 2020.

Một nhà ngoại giao châu Âu giấu tên nói, phân tích dữ liệu thương mại cho thấy, chip và mạch tích hợp tiên tiến được sản xuất tại EU và các quốc gia đồng minh khác đang được chuyển đến Nga thông qua các nước thứ ba.

Từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine một năm trước (24/2/2022), EU và G7 đã đưa ra tổng cộng 10 gói trừng phạt đối với Moscow nhằm làm suy giảm nguồn thu và làm suy yếu nền kinh tế nước này. Tuy nhiên, dữ liệu cho thấy, tác động thực sự từ lệnh trừng phạt đối với một số khu vực cho đến nay vẫn chưa đạt được như EU và G7 mong muốn.

Daniel Tannebaum, phụ trách hoạt động chống tội phạm tài chính toàn cầu tại công ty tư vấn Oliver Wyman cho biết: “Chỉ chấp nhận các biện pháp trừng phạt mới là không đủ. Các chính phủ EU và G7 cần cơ chế thực thi”.

Cũng theo nhà ngoại giao nói trên, các chuyến hàng từ Trung Quốc sang Nga tăng mạnh khi Bắc Kinh đóng vai trò ngày càng quan trọng trong vai trò nhà cung cấp cho Moscow.

EU đã trừng phạt gần 1.500 cá nhân, hạn chế xuất khẩu hàng trăm loại hàng hóa và công nghệ, đồng thời nhắm vào nhiều nguồn doanh thu chính của Nga. Dù vậy, một số quan chức vẫn lo ngại rằng, khối này thiếu một bộ máy hiệu quả để thực thi các biện pháp đó và tụt hậu so với Mỹ.

Có kinh nghiệp hơn trong việc áp dụng các biện pháp trừng phạt những quốc gia khác, Mỹ lập hẳn một cơ quan chuyên phụ trách vấn đề này. Còn tại EU, việc thực thi lệnh trừng phạt là một nỗ lực “chắp vá”, chủ yếu thuộc về các quốc gia thành viên.

Trong khi Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan điều hành của EU, giám sát việc thực hiện và đưa ra hướng dẫn, các đơn vị chức năng tại mỗi quốc gia chịu trách nhiệm xác định các vi phạm và áp dụng hình phạt. Và điều đó có nghĩa là kết quả không nhất quán.

Cuối cùng, đó là về ý chí chính trị. Một quan chức EU tham gia vào quá trình này cho biết, các quan chức chính phủ có thể chịu áp lực khi thực hiện hành động cứng rắn đối với các công ty của nước họ.

Phó Chủ tịch EC Valdis Dombrovskis cho biết: “Các biện pháp trừng phạt của EU đang tác động mạnh và góp phần làm suy thoái kinh tế kéo dài ở Nga. Nhưng hiệu quả cũng phụ thuộc vào việc chúng được thực thi tốt như thế nào”.

Nga vẫn mua được chất bán dẫn

Nhìn bề ngoài, các biện pháp trừng phạt dường như có hiệu quả. Quy mô GDP nền kinh tế Nga đã bị thu hẹp, nhiều ngân hàng và công ty của nước này bị loại khỏi các hệ thống thương mại và tài chính quốc tế.

Cũng có bằng chứng cho thấy những hạn chế đối với các công nghệ của châu Âu và Mỹ đã làm suy yếu nhiều ngành công nghiệp chủ chốt của Nga và cản trở khả năng đổi mới của họ trong tương lai.

Nhưng thông tin do Cơ quan giám sát dữ liệu thương mại có trụ sở tại Geneva (Thụy Sỹ) thu thập chỉ ra , một số hàng hóa bị trừng phạt - đặc biệt là chất bán dẫn - đang được chuyển đến Nga thông qua các nước thứ ba, nhiều nước trong số đó đã đột ngột thay đổi thói quen giao dịch sau chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine.

Trong giai đoạn 2017-2021, mỗi năm, Nga mua trung bình 163 triệu USD chip và mạch tích hợp từ EU, Mỹ, Nhật Bản và Vương quốc Anh. Vào năm 2022, con số này giảm xuống còn khoảng 60 triệu USD.

Dữ liệu cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ, Serbia, UAE, một số nền kinh tế khác ở Đông Âu và Trung Á đã giúp Nga bù đắp sự thiếu hụt chất bán dẫn nhập từ EU. Trong khi đó, các lô hàng linh kiện công nghệ cao đến các quốc gia đó từ các nước đồng minh cũng tăng một lượng tương tự.

Nhà ngoại giao này cho biết, phương thức tương tự có thể thấy rõ trên hàng trăm loại sản phẩm, nhưng đặc biệt nghiêm trọng khi nói đến chip và mạch tích hợp bởi chúng có thể được sử dụng cho mục đích quân sự.

Khi xung đột ở Ukraine hiện đã bước sang năm thứ hai, EU và các đồng minh đang ngày càng tập trung vào việc thắt chặt mọi kẽ hở và ngăn chặn việc lách trừng phạt.

Hệ thống theo dõi bất lực?

Việc theo dõi đường đi của các lô hàng không phải là một quá trình đơn giản. Người mua đôi khi sử dụng các phương tiện và mô hình phân phối phức tạp để che giấu điểm đến cuối cùng của hàng hóa.

Giấy tờ không đầy đủ có thể làm tăng thêm sự mờ mịt, cũng như cái gọi là điểm trung chuyển, nơi hàng hóa được di chuyển giữa các phương tiện hoặc định tuyến lại.

Ngày 2/3, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố một lưu ý tuân thủ nhằm cảnh báo các bên trung gian được sử dụng để trốn tránh các lệnh trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu đối với Nga. Thông báo nêu tên Trung Quốc, Armenia, Thổ Nhĩ Kỳ và Uzbekistan là những địa điểm có thể được sử dụng để chuyển hướng các mặt hàng bị hạn chế sang Nga.

Cửa hàng bán đồ điện tử tại Moscow, Nga. (Nguồn: Getty)

Cửa hàng bán đồ điện tử tại Moscow, Nga. (Nguồn: Getty)

Trong khi đó, hồi cuối tháng 2, G7 đã công bố một cơ chế mới để tăng cường thực thi lệnh trừng phạt và EU cũng giới thiệu một số công cụ để truy tìm những người hỗ trợ Moscow.

Nhưng các nước EU cho đến nay vẫn ngại sử dụng một số công cụ đó cũng như theo dõi các hành vi vi phạm tiềm ẩn trong nước. Các cuộc thảo luận về việc tăng cường chế độ thực thi của khối này đã mở ra một cuộc tranh luận về việc chia sẻ trách nhiệm giữa các nước thành viên khi nói đến các biện pháp kiểm soát.

Khi thực hiện các vòng trừng phạt liên tiếp, các quốc gia EU đã nghĩ cách để hạn chế tác động tiêu cực đối với nguồn lợi của chính họ và nền kinh tế toàn cầu nói chung. Điều đó đôi khi dẫn đến các cuộc thảo luận gay gắt giữa các quốc gia thành viên về các yêu cầu miễn trừ.

Beata Javorcik, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu cho biết: “Việc thực thi các biện pháp trừng phạt xuất khẩu không hề đơn giản. Mọi chính phủ đều muốn tất cả các quốc gia khác thực thi chúng nhưng lại thích khoan hồng hơn đối với các công ty của chính họ.

Kinh nghiệm hạn chế xuất khẩu trong Chiến tranh Lạnh cho thấy rõ điều này. Do đó, việc để chính phủ các nước thực thi các biện pháp trừng phạt có thể không phải lúc nào cũng hoạt động hoàn hảo”.

(theo Bloomberg)

Hải An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/eu-g7-ra-don-thieu-chuyen-nghiep-day-la-cach-moscow-ne-lenh-trung-phat-chat-ban-dan-van-chay-vao-nga-218866.html