EU hỗ trợ Ninh Thuận phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu

Ngoài việc tài trợ thực hiện dự án thủy điện tích năng Bác Ái, thời gian qua, EU đã hỗ trợ cho tỉnh Ninh Thuận trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo kỹ thuật và nghề nghiệp về các kỹ năng xanh, kỹ năng số.

Quang cảnh buổi Đoàn công tác của Ủy ban châu Âu thông tin đến các cơ quan thông tấn, báo chí về Chiến lược Cửa ngõ Toàn cầu của EU đang triển khai tại Việt Nam. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Quang cảnh buổi Đoàn công tác của Ủy ban châu Âu thông tin đến các cơ quan thông tấn, báo chí về Chiến lược Cửa ngõ Toàn cầu của EU đang triển khai tại Việt Nam. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Chiều 29/5, tại thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận tiếp đoàn quan chức cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) do bà Myriam Ferran, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quan hệ Đối tác quốc tế của Ủy ban châu Âu làm trưởng đoàn.

Tỉnh đồng thời tổ chức trao đổi giữa đoàn Công tác của Ủy ban châu Âu và phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí ở địa phương về sáng kiến của EU đối với Chiến lược Cửa ngõ Toàn cầu cũng như các chính sách mà EU hỗ trợ cho tỉnh để phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tại buổi họp báo, bà Myriam Ferran cho hay, Chiến lược Cửa ngõ Toàn cầu là một sáng kiến quan trọng của EU thực hiện thông qua Nhóm châu Âu nhằm thúc đẩy phát triển bền vững, hòa bình và ổn định trên toàn thế giới.

Mục tiêu của chiến lược là thúc đẩy kết nối thông minh, an toàn và bền vững trên toàn thế giới, hỗ trợ các quốc gia đối tác trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

Lĩnh vực ưu tiên của Chiến lược Cửa ngõ Toàn cầu triển khai thực hiện gồm kỹ thuật số; năng lượng; giao thông; y tế; giáo dục và nghiên cứu. Chiến lược này mang lại nhiều cơ hội hợp tác cho Việt Nam và EU trong các lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm.

Bà Myriam Ferran nhấn mạnh Việt Nam là đối tác quan trọng của EU; EU sẽ tiếp tục hỗ trợ vững chắc cho mong ước đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam.

Đặc biệt EU đã và đang hỗ trợ Việt Nam trên con đường hướng tới chuyển đổi năng lượng sạch (JETP).

Tại Ninh Thuận, dự án Thủy điện tích năng Bác Ái là một ví dụ điển hình, là dự án trọng điểm của Chiến lược Cửa ngõ Toàn cầu.

EU và các quốc gia thành viên cam kết cung cấp các khoản vay ưu đãi và trợ cấp để hỗ trợ kỹ thuật cho dự án này nhằm xây dựng nên nhà máy thủy điện tích năng đầu tiên ở Việt Nam tại Ninh Thuận.

Tại Ninh Thuận, bà Myriam Ferran cùng đoàn công tác đã thực hiện thị sát để hiểu rõ hơn những cơ hội, thách thức của tỉnh với vị trí trung tâm của quá trình chuyển đổi năng lượng sạch.

Bà Myriam Ferran đánh giá cao sự phát triển của Ninh Thuận trong thời gian gần đây trong việc đầu tư phát triển năng lượng, năng lượng tái tạo.

 Bà Myriam Ferran, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quan hệ Đối tác quốc tế của Ủy ban châu Âu nghe Ban Giám hiệu Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận thông tin về công tác đào tạo nghề của trường. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Bà Myriam Ferran, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quan hệ Đối tác quốc tế của Ủy ban châu Âu nghe Ban Giám hiệu Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận thông tin về công tác đào tạo nghề của trường. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Mặc dù chịu nhiều khó khăn bởi tác động của biến đổi khí hậu, thế nhưng với sự hỗ trợ của Chính phủ, của các tổ chức quốc tế, Ninh Thuận đã biến những khó khăn, thách thức thành tiềm năng, lợi thế phát triển trở thành Trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước.

Thời gian qua, thực hiện Chiến lược Cửa ngõ Toàn cầu, EU và Cơ quan phát triển Pháp (AFD) đã tài trợ và cùng với sự hỗ trợ từ Ngân hàng tái thiết Đức (KfW), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) để xây dựng dự án thủy điện tích năng Bác Ái có công suất 1,2 GW, với tổng mức đầu tư 21.000 tỷ đồng, do Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư.

Qua khảo sát, bà Myriam Ferran đánh giá dự án thủy điện tích năng Bác Ái cơ bản đáp ứng các tiêu chí đề ra, đây là dự án kiểu mẫu về phát triển của Chiến lược Cửa ngõ Toàn cầu và hy vọng dự án thi công đảm bảo tiến độ đề ra với sự giám sát chặt chẽ của các bên liên quan.

Dự án thủy điện tích năng Bác Ái có ý nghĩa quan trọng đối với hệ thống điện quốc gia (dự phòng công suất, dự phòng sự cố và điều tần hệ thống); đặc biệt trong bối cảnh đang có nhiều nhà máy năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió) được đưa vào vận hành trong hệ thống điện.

Đây là mô hình thủy điện tích năng đầu tiên được thực hiện tại tỉnh Ninh Thuận vào đầu năm 2020, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2029; qua đó góp phần vào mục tiêu hiện thực hóa cam kết của Việt Nam tại COP26.

Ngoài việc tài trợ thực hiện dự án thủy điện tích năng Bác Ái, thời gian qua, EU đã hỗ trợ cho tỉnh Ninh Thuận trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo kỹ thuật và nghề nghiệp về các kỹ năng xanh, kỹ năng số.

Cụ thể là KfW đã đầu tư cơ sở hạ tầng và kỹ thuật cho trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận trong việc đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người dân ở địa phương.

Bà Myriam Ferran bày tỏ, sau chuyến thăm tỉnh Ninh Thuận, bà càng tin tưởng hơn vào sự tài trợ của EU và cho rằng thời gian tới sẽ có rất nhiều cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và Nhóm châu Âu theo chương trình Chiến lược Cửa ngõ Toàn cầu.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/eu-ho-tro-ninh-thuan-phat-trien-ben-vung-thich-ung-voi-bien-doi-khi-hau-post956157.vnp