EU hợp tác chặt chẽ với ASEAN vì sự thịnh vượng, hòa bình và an ninh
Đại sứ EU tại ASEAN Igor Driesmans nhận định các nước ASEAN đang tiếp tục tăng trưởng vững chắc và khu vực này sẵn sàng trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trên thế giới vào năm 2030.
Liên minh châu Âu (EU) mong muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ với ASEAN để thúc đẩy hơn nữa sự thịnh vượng, hòa bình và an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Nhân dịp kỷ niệm 45 năm quan hệ EU-ASEAN, phát biểu trong một video được ghi trước và công bố tại Hội nghị quốc tế chuyên đề “EU-ASEAN: Từ đối tác đối thoại đến đối tác chiến lược” diễn ra ngày 8/12 tại Kuala Lumpur, Đại sứ EU tại ASEAN Igor Driesmans cho biết EU và ASEAN cần duy trì sự ổn định, vì chủ nghĩa đa phương, vì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và vì thương mại tự do và công bằng.
Điều này đặc biệt quan trọng vào thời điểm căng thẳng địa chính trị và sự cạnh tranh ngày càng tăng. Ông nhấn mạnh một ASEAN vững mạnh đáp ứng lợi ích của EU và một ASEAN mạnh mẽ là trung tâm của cấu trúc an ninh khu vực ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Ông Driesmans nhận định các nước ASEAN đang tiếp tục tăng trưởng vững chắc và khu vực này sẵn sàng trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trên thế giới vào năm 2030. EU là đối tác thương mại quan trọng của ASEAN.
Theo thống kê của ASEAN, tổng giá trị thương mại hàng hóa hai chiều giữa ASEAN và EU đạt 268,9 tỷ USD vào năm 2021, tăng 18,6% so với năm 2020.
Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ EU vào ASEAN năm 2021 lên tới 26,5 tỷ USD, tăng 42,9% so với năm 2020.
Đại sứ EU cho biết Hiệp định Vận tải hàng không toàn diện ASEAN-EU (CATA) vừa được ký kết mở ra một tương lai lạc quan cho hai bên khi hiệp định này sẽ mang đến nhiều cơ hội hơn cho ngành hàng không ở cả hai khu vực để tăng cường kết nối, từ đó cải thiện kết nối giữa người dân cũng như mở rộng giao thương.
CATA là thỏa thuận liên khối đầu tiên giữa các quốc gia thành viên ASEAN (AMS) và EU, cho phép các hãng hàng không từ cả hai khu vực bay qua lãnh thổ của ASEAN và EU.
Đề cập mong muốn của EU, ông Driesmans cho biết EU sẽ tập trung vào sự phát triển sức mạnh tổng hợp giữa Chiến lược hợp tác của EU ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Tại hội nghị, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Kamal Salih thuộc Đại học Malaya cho biết Kế hoạch Hành động thực hiện Quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN-EU (2023-2027), được ký kết vào tháng 8/2021, là rất quan trọng trong việc thiết lập động lực cho tương lai của quan hệ song phương ASEAN-EU.
Ông cũng dự báo trong quá trình phục hồi sau đại dịch, mối quan hệ ASEAN-EU mang lại những cơ hội mới để tăng trưởng mạnh mẽ hơn, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ.
Trong một phiên họp riêng, cựu Ngoại trưởng Malaysia Syed Hamid Albar cho rằng trong tương lai, ASEAN và EU cần phải “thực tế hơn” trong việc khai thác tiềm năng của quan hệ đối tác chiến lược.
Theo ông, với tư cách là đối tác chiến lược, cả ASEAN và EU nên kỳ vọng vào các cam kết và tham vấn sâu hơn về các vấn đề hiện tại ở cả hai khu vực.
EU trở thành đối tác đối thoại của ASEAN vào năm 1997. EU đã tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) vào tháng 7/2012, trở thành tổ chức khu vực đầu tiên tham gia TAC. Tháng 12/2020, ASEAN và EU đã nâng quan hệ lên Đối tác chiến lược.
Hội nghị chuyên đề diễn ra ngày 8 và 9/12, do Trung tâm chủ nghĩa khu vực ASEAN của Đại học Malaya (CARUM) tổ chức nhằm đánh dấu 45 năm quan hệ ASEAN-EU và mở đầu cho các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN-EU sẽ được tổ chức tại Brussels vào ngày 14/12 tới./.