EU kết thúc 12 năm giám sát tài chính với Hy Lạp

Chính phủ Hy Lạp vừa thông báo đã chính thức kết thúc thời hạn giám sát tài chính tăng cường bởi Liên minh Châu Âu. Hy Lạp đã phải trải qua 12 năm đầy khó khăn, với nền kinh tế bị chững lại và chia rẽ sâu sắc trong xã hội.

Nền kinh tế Hy Lạp và các chính sách tài khóa của quốc gia này đã được đặt dưới sự theo dõi và xem xét kỹ lưỡng của Liên Minh Châu Âu EU và Tổ chức Tiền tệ Thế giới IMF, trong đó chính quyền Hy Lạp phải thực hiện các cam kết cải cách nền kinh tế theo các quy chuẩn được IMF và EU đề ra.

Các thay đổi trong nền kinh tế bào gồm việc áp dụng triệt để chính sách “Thắt lưng buộc bụng”, bao gồm việc cắt giảm quỹ lương hưu, áp dụng trần thuế mới và kiểm soát hoạt động tài chính và ngân hàng nghiêm ngặt khi nước này nhận được gói cứu trợ đầu tiên năm 2010. Các cơ chế và tiêu chuẩn giám sát được áp dụng nhằm đảm bảo việc triển khai các biện pháp giải quyết các khó khăn tiềm ẩn trong nền kinh tế và cải thiện cơ cấu nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững.

Ông KYRIAKOS MITSOTAKIS, Thủ tướng Hy Lạp: "Đất nước chúng ta không còn trong sự giám sát của châu Âu và một chân trời mới, tươi sáng hơn đang đang dần hiện rõ, với sự phát triển, đoàn kết và thịnh vượng cho đất nước Hy Lạp chúng ta."

Hy Lạp sẽ chuyển sang cơ chế giám sát mới với sự thanh tra và kiểm soát của các quan chức Liên Minh Châu Âu 6 tháng 1 lần. Kể từ khi gói cứu trợ cuối cùng năm 2018 kết thúc, nền kinh tế Hy Lạp tập trung huy động nguồn lực tài chính từ việc vận động thị trường tài chính.

Việc Hy Lạp chính thức không còn nằm dưới sự giám sát tăng cường của Liên Minh Châu Âu EU và Quỹ tiền tệ Thế giới IMF đã được khẳng định trong một báo cáo của Bộ trưởng Tài Chính Hy Lạp ông Christos Staikouras song dư luận người dân Hy Lạp vẫn tỏ ra hoài nghi về kết thúc các hoạt động giám sát nghiêm ngặt có thật sự giải quyết được những thách thức mà quốc gia này đang phải đối mặt hay không.

Ông Dimitris, Cư dân thành phố Athens: “Mọi thứ có vẻ như đã trở nên tốt hơn, nhưng tôi tin rằng nhiều người đang vẫn còn hoài nghi ngờ điều này. Có thể xung đột Ukraine và đại dịch khiến nhiều vấn đề tiếp tục tồn đọng. Chúng tôi cũng phải cân nhắc các giải pháp để đối mặt với khả năng một cuộc khủng hoảng năng lại tại Châu Âu.”

Đất nước và người dân Hy Lạp đã bước sang một thời kỳ mới với một nền kinh tế bắt đầu bình ổn trở lại song cũng phải đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến tỷ lệ thất nghiệp cũng như các tác động từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đe dọa an ninh năng lượng của nhiều nước Châu Âu trong đó có Hy Lạp.

Thực hiện : Kim Ngọc

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/eu-ket-thuc-12-nam-giam-sat-tai-chinh-voi-hy-lap