EU lên kế hoạch tăng cường liên kết với các quốc gia bị áp thuế

Theo các nguồn thạo tin, Liên minh châu Âu (EU) đang chuẩn bị tăng cường hợp tác với các quốc gia khác cũng bị ảnh hưởng bởi các biện pháp thuế quan từ Tổng thống Mỹ Donald Trump, sau loạt đe dọa mới nhằm vào khối này và các đối tác thương mại khác của Mỹ.

Các cuộc tiếp xúc với những nước như Canada và Nhật Bản có thể bao gồm khả năng phối hợp hành động, theo tiết lộ từ những người liên quan, đề nghị giấu tên do tính chất nhạy cảm của thảo luận.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán giữa EU và Mỹ vẫn bế tắc, đặc biệt trong các vấn đề liên quan đến ô tô và thuế nông sản. Các quốc gia thành viên EU đã được cập nhật tình hình đàm phán hôm Chủ nhật.

Trước đó cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Ursula von der Leyen cho biết EU sẽ gia hạn đình chỉ các biện pháp đối phó thương mại với Mỹ đến ngày 1/8, nhằm tạo điều kiện cho đối thoại tiếp tục. Những biện pháp này vốn được áp dụng nhằm đáp trả các mức thuế mà ông Trump từng áp lên thép và nhôm trước đây, sau đó bị tạm dừng và dự kiến sẽ có hiệu lực trở lại vào nửa đêm thứ Ba tới.

“Đồng thời, chúng tôi vẫn tiếp tục chuẩn bị các biện pháp đối phó bổ sung để luôn trong thế sẵn sàng”, bà von der Leyen phát biểu tại Brussels, đồng thời nhấn mạnh ưu tiên của EU là giải quyết vấn đề thông qua đàm phán.

Theo nguồn tin, danh mục biện pháp đối phó hiện tại nhắm tới khoảng 21 tỷ euro (24,5 tỷ USD) hàng hóa Mỹ. EU cũng đã chuẩn bị một danh mục khác trị giá khoảng 72 tỷ euro, cùng một số biện pháp kiểm soát xuất khẩu, có thể trình lên các quốc gia thành viên sớm nhất vào thứ Hai.

Bà von der Leyen cho biết EU hiện chưa kích hoạt công cụ chống cưỡng ép (ACI), công cụ thương mại mạnh nhất của khối.

“ACI được thiết kế cho những tình huống đặc biệt. Hiện tại, chúng ta chưa ở mức đó”, bà cho biết.

Phản ứng với tuyên bố của ông Trump, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi đẩy nhanh việc chuẩn bị các biện pháp đối phó đáng tin cậy, bao gồm cả việc kích hoạt ACI, nếu không đạt được thỏa thuận trước ngày 1/8.

Thủ tướng Đức Friedrich Merz cảnh báo thuế 30% sẽ giáng đòn mạnh vào các nhà xuất khẩu của nền kinh tế lớn nhất châu Âu nếu không đạt được giải pháp thương lượng.

Ông Merz cho biết đang phối hợp chặt chẽ với các nhà lãnh đạo khác để ngăn ngừa mức thuế này có hiệu lực.

“Điều đó đòi hỏi hai điều là sự đoàn kết trong EU và đường dây liên lạc hiệu quả với Tổng thống Mỹ”, ông nói với kênh ARD.

Theo các chuyên gia kinh tế của Goldman Sachs, thuế suất 30% toàn diện, kết hợp với các thuế ngành hiện có và mức thuế bổ sung dự kiến, sẽ nâng thuế hiệu dụng của Mỹ với hàng hóa EU lên tổng cộng 26 điểm phần trăm. Nếu được thực thi và duy trì, biện pháp này có thể khiến GDP khu vực đồng euro giảm tổng cộng 1,2% đến cuối năm 2026.

Goldman Sachs nhận định EU có thể sẽ phản ứng một cách dần dần kể từ ngày Mỹ áp dụng thuế mới, làm gia tăng nguy cơ leo thang thương mại. Tuy vậy, mối đe dọa gần đây có thể chỉ là một chiến thuật đàm phán, nên kịch bản cơ sở của Goldman Sachs vẫn là hai bên đạt được thỏa thuận giữ nguyên các mức thuế hiện tại, gồm 10% với hàng hóa nói chung và 25% với thép, nhôm, ô tô.

Ông Trump đã gửi thư đến nhiều đối tác thương mại, điều chỉnh lại mức thuế được đề xuất từ tháng 4 và mời họ tiếp tục đàm phán. Trong bức thư công bố hôm thứ Bảy, ông cảnh báo EU sẽ đối mặt với mức thuế 30% từ tháng tới, nếu không đạt được thỏa thuận thương mại tốt hơn.

Trả lời báo chí hôm Chủ nhật, ông Trump xác nhận đang đàm phán thương mại với EU.

EU từng kỳ vọng đạt được một thỏa thuận sơ bộ nhằm tránh kịch bản tăng thuế, nhưng bức thư của ông Trump đã phá vỡ kỳ vọng về một thỏa thuận giờ chót tại Brussels.

Mexico - quốc gia đang đàm phán với Mỹ - cũng bất ngờ khi nhận được thư tương tự.

Phía EU đang nỗ lực đàm phán để thuế nông sản không vượt quá 10%. Một cơ chế bù trừ từng được các hãng ô tô đề xuất, nhằm giảm thuế đổi lấy đầu tư vào Mỹ hiện không được xem xét, do lo ngại sản xuất sẽ dịch chuyển khỏi châu Âu.

Theo các nguồn tin thân cận, đàm phán đang tập trung vào thuế ô tô.

Bloomberg trước đó cho biết, Mỹ và EU đã thảo luận một thỏa thuận ban đầu, trong đó hầu hết hàng hóa EU sẽ chịu mức thuế 10%, ngoại trừ một số ngành như hàng không và thiết bị y tế. EU cũng đang vận động giảm thuế với rượu mạnh và rượu vang, đồng thời sử dụng hạn ngạch để giảm tác động của mức thuế 50% mà Trump áp lên thép và nhôm. Phía Mỹ đề xuất mức thuế 17% với nông sản. Mọi thỏa thuận ban đầu cũng sẽ bao gồm các rào cản phi thuế quan, hợp tác an ninh kinh tế và cam kết mua hàng chiến lược.

Ngoài mức thuế toàn diện sẽ áp dụng từ tháng 8, ông Trump còn áp mức thuế 25% với ô tô và linh kiện, gấp đôi với kim loại, và đang mở rộng thuế ngành sang các lĩnh vực khác như dược phẩm và chip bán dẫn, gần đây đã công bố thuế 50% với đồng.

Ngay cả khi đạt được thỏa thuận, EU cũng không được miễn trừ tự động khỏi các mức thuế ngành, nhưng vẫn đang cố gắng giành đối xử ưu đãi trong các lĩnh vực có nguy cơ bị ảnh hưởng.

Đại Hùng

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/eu-len-ke-hoach-tang-cuong-lien-ket-voi-cac-quoc-gia-bi-ap-thue-167229.html