EU muốn sử dụng tài sản của Ngân hàng trung ương Nga để tái thiết Ukraine
Liên minh châu Âu (EU) đang nghiên cứu tính khả thi của việc sử dụng tài sản trị giá hàng tỉ euro của Ngân hàng trung ương Nga (CBR) hiện đang bị các nước thành viên EU đóng băng để hỗ trợ các nỗ lực tái thiết của Ukraine.
Hãng tin Bloomberg hôm 3-11 dẫn các nguồn tin cho biết, các cuộc thảo luận đang ở giai đoạn đầu và các chuyên gia pháp lý gần đây đã được giao nhiệm vụ xem xét các phương án khả thi. Việc đánh giá liệu có thể kiểm soát tài sản của CBR hoặc làm điều đó như thế nào là rất phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro về mặt pháp lý.
Tuy nhiên, khi chiến sự ở Ukraine đã kéo dài sang tháng thứ chín và các vòng trừng phạt của châu Âu không làm chùn bước Moscow, EU đang tìm cách cắt đứt vĩnh viễn quyền tiếp cận của Nga với các nguồn tài sản bị đóng băng này.
Các phương án sẽ tập trung vào cách thu giữ một số trong khoảng 300 tỉ đô la Mỹ dự trữ của CBR đã bị EU, Mỹ và các đồng minh khác đóng băng sau khi cuộc xung đột Nga-Ukraine xảy ra hồi cuối tháng 2. Mọi hành động của EU sẽ tập trung vào tài sản của CBR đang bị đóng băng ở châu Âu.
Hai nguồn tin cho biết, vấn đề này đã được trao đổi với Mỹ nhưng không rõ liệu chính quyền Tổng thống Joe Biden có thực hiện các bước thu giữ tài sản dự trữ bằng đô la Mỹ đang bị đóng băng tại Mỹ của CBR hay không.
Hồi tháng 5, các quan chức Bộ Tài chính Mỹ đã bày tỏ lo ngại về việc thiết lập một tiền lệ không khuyến khích các ngân hàng trung ương nước ngoài khác gửi tài sản ở Mỹ. Tịch thu tài sản của ngân hàng trung ương sẽ là tình huống pháp lý rất phức tạp và từ lúc lên phương án hành động đến ngày điều đó trở thành hiện thực là một chặng đường dài.
Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu (EC) Christian Wigand cho biết, EC đang tìm cách “khiến Nga phải trả giá cho sự tàn phá mà họ gây ra” ở Ukraine.
Hồi tháng 5, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho rằng, dù một động thái như vậy “không phải là điều được phép về mặt pháp luật ở Mỹ” nhưng với sự tàn phá lớn ở Ukraine và chi phí tái thiết khổng lồ mà nước này đối mặt, Mỹ sẽ xem xét sử dụng tài sản của Nga để giúp trả ít nhất một phần chi phí liên quan.
Điện Kremlin đã lên án việc phương Tây đóng băng các nguồn dự trữ của CBR, cho rằng đó là bất hợp pháp và Nga sẽ chống lại mọi nỗ lực nhằm chiếm giữ chúng cho các mục đích khác. “Chúng tôi đang nói về một hành động ăn cắp quốc tế”, người phát ngôn của Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết vào hôm 31-10.
Cuối tuần trước, Cao ủy Tư pháp của EU Didier Reynders nói rằng, các nguồn dự trữ đang bị đóng băng của CBR có thể được giữ như là một tài sản đảm bảo cho đến khi Nga tự nguyện tham gia vào quá trình tái thiết Ukraine.
Hồi tháng 5, EC tiết lộ các nước thành viên EU báo cáo là đã đóng băng tổng cộng khoảng 23 tỉ euro tài sản của CBR. Kể từ đó, số tài sản của CBR bị đóng băng đã tăng lên nhưng giá trị chính xác chưa được công bố vì vẫn đang được đánh giá.
Một nguồn tin cho biết, các chuyên gia pháp lý của EU đang thận trọng phân tích tình hình và xem phương án nào có tính khả thi.
Bất kỳ đề xuất nào cũng cần phải mạnh mẽ về mặt pháp lý và được các nước thành viên EU ủng hộ. Bất kỳ động thái nào nhằm tịch thu tài sản của CBR sẽ rất quan trọng và một số thành viên có thể ngần ngại ủng hộ việc này. Tuy nhiên, nếu một động thái như vậy được nhất trí và thực hiện, các tài sản bị tịch thu của CBR có thể được sử dụng để đóng góp vào chi phí tái thiết của Ukraine sau chiến tranh.
Trong nhiều tháng qua, chính phủ Ukraine đã kêu gọi chuyển các tài sản bị đóng băng của Nga vào những tài khoản của Ukraine như một khoản bồi thường để sử dụng trong việc tái thiết đất nước bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh. Hồi tháng 9, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal ước tính, chi phí tái thiết là khoảng 750 tỉ đô la Mỹ.
“Chúng tôi đang làm việc để đưa ra giải pháp phù hợp về việc thực hiện cơ chế bồi thường quốc tế được Liên hợp quốc ủng hộ. Nhiều nước đã sẵn sàng hỗ trợ điều này. Tôi nghĩ đến cuối năm nay, chúng tôi sẽ có những giải pháp thực chất”, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói vào ngày 20-10.
Bên cạnh đó, EU cũng đang xem xét thẩm quyền thu giữ tài sản của những người Nga bị trừng phạt bằng cách mở rộng danh sách các tội danh, chẳng hạn như rửa tiền và tham nhũng, bao gồm cả việc vi phạm các lệnh trừng phạt của EU. Cho đến nay, các nước thành viên EU đã đóng băng khoảng 17,5 tỉ euro tài sản thuộc sở hữu của những cá nhân và tổ chức bị trừng phạt của Nga.
Các quy định hiện tại đang cản trở những nỗ lực sâu rộng hơn của EU nhằm vượt xa khỏi việc đóng băng tài sản của Nga. Các tài sản bị trừng phạt của Nga hiện đang bị đóng băng và do đó không thể được sử dụng vì một ngày nào đó, chúng có thể được trả lại nếu các lệnh trừng phạt được bãi bỏ. Để có thể thu giữ và sử dụng tài sản của CBR, EU cần có cơ sở pháp lý để thực hiện.
Theo Bloomberg
Chánh Tài